| Hotline: 0983.970.780

Đôi vợ chồng có biệt tài 'bắt cam ra quả' theo ý muốn

Thứ Tư 13/12/2023 , 07:48 (GMT+7)

BẮC GIANG Với kỹ thuật thâm canh cao, vợ chồng anh Sảng có tài 'bắt' vườn cam của gia đình đậu quả theo ý muốn và còn đi khắp nơi tư vấn giúp nhiều nhà vườn.

Với kỹ thuật thâm canh cao, không chỉ có tài “bắt” vườn cam của gia đình đậu quả theo ý muốn, vợ chồng anh Từ Văn Sảng (sinh năm 1974, dân tộc Hoa) và chị Lâm Thị Bình (sinh năm 1979, dân tộc Tày) ở thôn Trại Ba, xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) còn đi khắp nơi tư vấn giúp nhiều nhà vườn có mùa vụ bội thu.

Vợ chồng anh Từ Văn Sảng và Lâm Thị Bình giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cam. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Vợ chồng anh Từ Văn Sảng và Lâm Thị Bình giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cam. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Mang niềm vui đến với nhà vườn

Người trồng cam tại nhiều nơi đến vợ chồng anh Sảng bởi biệt tài “bắt” cam ra quả theo ý muốn. Còn với tôi, khi mới nghe về anh chị thì có chút hoài nghi. Bởi lẽ, họ vốn là những nông dân, chưa hề qua trường lớp đào tạo chuyên ngành nào. Hơn nữa, nói như một cán bộ nông nghiệp huyện Lục Ngạn thì cam là cây trồng rất khó tính, việc thâm canh, chăm sóc chúng không hề đơn giản. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều vườn cam tại địa phương bị tàn lụi thời gian qua… Những điều trên đã thôi thúc tôi tìm hiểu thực hư về câu chuyện trồng cam của cặp vợ chồng có “đôi bàn tay vàng” này.

Càng về những tháng cuối năm, công việc của người trồng cam lại bận rộn hơn bởi vừa phải chăm sóc, đón lộc cây cho vụ sau, vừa lo tiêu thụ sản phẩm. Đó là lý do mà nhiều lần tôi lỡ hẹn với vợ chồng anh Sảng. Khi thì anh chị đang chăm sóc cam ở Sơn La, Hòa Bình, lúc lại trên Lạng Sơn, Cao Bằng…

“Dịp này vợ chồng tôi kín hết lịch, xe đến tận nhà đưa đón đi làm cam. Nhiều nhà vườn từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh đến Sơn La, Tuyên Quang… thường xuyên săn đón”, chị Bình mở đầu câu chuyện.

Đến thôn Trại Ba, trước mắt tôi là một miền đồi thoai thoải với những vườn cam sai trĩu quả, vàng óng đang vào vụ thu hoạch. Hỏi ra được biết, rất nhiều vườn trong số ấy có công sức chăm sóc của vợ chồng anh Sảng.

Chị Lâm Thị Bình tư vấn kỹ thuật chăm sóc cam cho ông Đỗ Văn Sơn quê ở huyện Lý Nhân (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Chị Lâm Thị Bình tư vấn kỹ thuật chăm sóc cam cho ông Đỗ Văn Sơn quê ở huyện Lý Nhân (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Với người trồng cam trong cả nước, anh chị không ngại tư vấn, chỉ nhận tiền công khi có sản phẩm, tức là trực tiếp tham gia chăm sóc, thực hiện quy trình kỹ thuật đến khi cam đậu quả và cho thu hoạch với năng suất cao mới nhận thù lao. Còn đối với người dân trong thôn Trại Ba, vợ chồng anh miễn phí toàn bộ cả tư vấn lẫn trực tiếp làm kỹ thuật.

Hôm chúng tôi có mặt tại nhà anh Sảng, vừa ngồi chưa ấm chỗ đã có hai xe ô tô đỗ trước cổng nhà. Một nhóm 3 người quê ở tỉnh Hà Nam và lúc sau nhóm khác ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đến nhờ vợ chồng anh tư vấn kỹ thuật làm cam. Theo như lời chị Bình, hễ ngày nào anh chị có ở nhà thì chẳng mấy khi không tiếp đón những đoàn khách như thế. 

Ông Đỗ Văn Sơn, quê ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) kể: “Cây cam rất khó chăm sóc. Mấy năm trước tôi đầu tư trồng hàng nghìn cây nhưng hỏng hết, thua lỗ cả tỷ đồng. Nghe các bạn giới thiệu, năm ngoái chúng tôi đã lên đây và được vợ chồng anh Sảng truyền đạt kinh nghiệm trồng cam để về áp dụng tại quê, nhờ đó năm nay vườn cam của gia đình đã cho kết quả khả quan hơn nên tôi tiếp tục tìm đến để được anh chị tư vấn thêm”.

Chị Lâm Thị Bình giới thiệu về vườn cam sai trĩu quả. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Chị Lâm Thị Bình giới thiệu về vườn cam sai trĩu quả. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Anh Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Hòa Mục, xã Mỹ An (Lục Ngạn, Bắc Giang) nhớ lại, mấy năm trước anh tự mình “bắt” cam ra quả nhưng do không đúng kỹ thuật nên bị “trượt”, dẫn đến mất mùa. Vụ sau đó anh mời vợ chồng anh Sảng lên hỗ trợ kỹ thuật cho vườn cam 3ha của gia đình với thỏa thuận nếu hiệu quả sẽ trả công 50 triệu đồng.

Điều bất ngờ là đến kỳ thu hoạch, năng suất, chất lượng cam đã vượt xa dự tính (đạt 90 tấn, quả đều), cộng thêm vụ này giá bán cao nên chủ vườn thu được hơn 3 tỷ đồng. Niềm vui được mùa, được giá nên anh Mạnh đã hào phóng thưởng thêm cho vợ chồng anh Sảng 50 triệu đồng…

Kỹ thuật thâm canh "thượng thừa"

Khách đến thăm vườn cam nhà anh Sảng ai cũng trầm trồ bởi được tận mắt chứng kiến những cây cam cho quả trĩu cành và đều. Không hiếm cây thu hoạch được từ 1 đến 2 tạ quả, thậm chí có cây đạt 4,6 tạ quả. Được biết năm nay, vườn cam gần 1ha canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình anh dự kiến cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả. 

Anh Từ Văn Sảng tư vấn kỹ thuật chăm sóc cam cho người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.

Anh Từ Văn Sảng tư vấn kỹ thuật chăm sóc cam cho người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.

Từng trồng vải thiều và bưởi, song vợ chồng anh Sảng nhận thấy cây cam cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên từ năm 2012 đã chuyển toàn bộ diện tích vải và bưởi sang cây trồng này. Từ kinh nghiệm thực tế, cộng thêm chịu khó tìm hiểu qua sách vở, mạng Internet, anh Sảng và vợ đã dần tích lũy được nhiều kiến thức thâm canh cam cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn.

Theo như anh nói, khác với một số cây trồng, cam là cây trồng khó chăm sóc hơn. Bên cạnh phải cung cấp đủ nước tưới, dinh dưỡng, thường xuyên phòng trừ các loại sâu bệnh, để cây trồng này phát triển tốt, đạt năng suất cao còn phải đáp ứng quy trình kỹ thuật rất khắt khe qua từng khâu như chọn giống, mật độ trồng, ghép mắt, chăm chăm lộc, dùng kỹ thuật ức chế cho cây ra hoa rồi đến bước ủ hoa, bắt quả, khoanh gốc và thu hoạch…

Tất cả các khâu trên ngoài bảo đảm kỹ thuật, quy trình còn phải đúng thời điểm. Người trồng phải quan sát, đánh giá tình trạng cây và nghe ngóng thời tiết để bảo đảm đúng thời vụ. Người trồng cam chuyên nghiệp thường quan sát tình trạng thân cây, bộ rễ, tán lá để quyết định có nên "bắt" quả hay không. Nếu thân, rễ cây chắc khỏe, lá xanh mướt và dày thì mới tiến hành ủ hoa, "bắt" quả. Ngược lại, nếu cây còi cọc, kém phát triển cần tạm thời cho cây nghỉ ngơi, tiến hành kích rễ, bổ sung dinh dưỡng.

Một vườn cam ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn, Bắc Giang) do vợ chồng anh Sảng trực tiếp làm kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Một vườn cam ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn, Bắc Giang) do vợ chồng anh Sảng trực tiếp làm kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Đơn cử như nếu ủ hoa, “bắt” quả sớm quá hoặc muộn quá sẽ đều bị kém năng suất. Hay như bằng kỹ thuật khoanh gốc, người thợ có thể điều chỉnh quả to hay nhỏ, nhiều hay ít theo ý muốn. Cần nhìn lượng hoa mà khoanh gốc theo tỷ lệ, nếu muốn quả to thì vết khoanh sâu hơn, quả nhỏ phải khoanh nhiều lần, tránh để vết khoanh quá sâu dẫn đến chết cây. Còn nếu không khoanh gốc, cây sẽ hút dinh dưỡng lên thúc đẩy lộc đông phát triển gây ra hiện tượng rụng quả non…

Kinh nghiệm của anh Sảng cho thấy, nên ghép cam trên gốc cây bưởi Diễn vì cây chắc khỏe, bền, cành có độ dai. Đồng thời tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ phòng trừ sâu bệnh thay thế cho việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, qua đó vừa giúp cây phát triển bền, vừa nâng chất lượng sản phẩm.

Nhiều năm làm cam của gia đình, kết hợp chăm sóc thuê cho các nhà vườn, anh Sảng không nhớ mình đã từng làm thuê cho bao nhiêu vườn cam trong tổng số hơn 20 tỉnh, thành trong nước. Mỗi năm từ dịch vụ chăm sóc cam thuê, gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng tiền công. Chỉ riêng vụ cam năm nay anh nhận trực tiếp làm cho hơn 100 nhà vườn, trong đó có vườn cam hơn 20 nghìn cây ở Hòa Bình sắp cho thu hoạch. Theo thỏa thuận, khi xong vụ này, chủ vườn sẽ trả công cho vợ chồng anh 100 triệu đồng.

Chị Lâm Thị Bình giới thiệu về quy trình chăm sóc cam. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Chị Lâm Thị Bình giới thiệu về quy trình chăm sóc cam. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

“Làm công việc này tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì đã giúp được nhiều người cùng phát triển kinh tế. Vào những dịp lễ tết, người trồng cam nhiều nơi còn mang những sản vật đến biếu gia đình tôi, khi là con gà, chục trứng, lúc thì cân chè, chai rượu, hộp bánh… Và quan trọng hơn, cũng nhờ làm cam mà kinh tế nhà tôi ngày càng đi lên, mới đây gia đình mua thêm một mảnh vườn hơn 1ha ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn) với giá gần 3 tỷ đồng”, chị Bình phấn khởi khoe.

Bên cạnh niềm vui vì đã giúp được nhiều người ăn nên làm ra, đôi lúc vợ chồng anh Sảng cũng gặp phải những chuyện không như ý. Chẳng hạn như mới đây, sau khi giúp một vườn cam trong huyện đậu quả sai, mọi việc xong xuôi hết nhưng chủ vườn lại “quyên” luôn việc trả công cho người làm. Trong khi mọi trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên đều bằng miệng, không có giấy tờ, hợp đồng nào.

Chị Lâm Thị Bình bên vườn cam sai trĩu quả. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Chị Lâm Thị Bình bên vườn cam sai trĩu quả. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Hay như năm 2021, một gia đình ở Lạng Sơn thuê vợ chồng anh làm vườn cam rộng chừng 2ha, thấy tỷ lệ quả đậu cao, cây phát triển tốt nên anh Sảng đã bàn giao lại cho chủ chờ ngày thu hoạch. Tuy nhiên, không may sau đó trận lũ tràn về làm hỏng toàn bộ vườn cam. “Vụ đó cả chủ vườn lẫn thợ đều trắng tay. Năm nay chính nhà vườn ấy lại thuê tôi làm tiếp và đến thời điểm này mọi việc đang diễn ra suôn sẻ, dự kiến sẽ cho thu khoảng 60 tấn quả”, anh Sảng thông tin.

“Chuyện vợ chồng anh Sảng có kỹ thuật làm cam giỏi được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận. Điều đáng nói là anh chị không giấu nghề, có kinh nghiệm, bí quyết hay đều chia sẻ để mọi người cùng áp dụng. Làm dịch vụ nhưng họ chỉ lấy tiền công khi đã có sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ vườn”, ông Trần Văn Bản, Chủ tịch UBND xã Quý Sơn nói.

Tháng 9 vừa qua, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tặng giấy khen cho anh Từ Văn Sảng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2023.

Chị Lâm Thị Bình giới thiệu về kỹ thuật ghép cam trên thân cây bưởi. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

Chị Lâm Thị Bình giới thiệu về kỹ thuật ghép cam trên thân cây bưởi. Ảnh: Nguyễn Hưởng.

"Vợ chồng anh Sảng nắm bắt khá chắc quy trình kỹ thuật qua kinh nghiệm lâu năm trong việc chăm sóc cam. Đặc biệt, anh chị có thể theo dõi thời tiết để điều tiết sự sinh trưởng, phát triển của cây nên việc “bắt” quả năm nào cũng chuẩn", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn đánh giá.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu ngay từ đầu vào

Nỗ lực sản xuất sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, quyết tâm nâng cao chất lượng, tạo nền móng giúp sầu riêng Cần Thơ từng bước chinh phục các thị trường quốc tế.