| Hotline: 0983.970.780

Cam hữu cơ giá 40 - 45 nghìn đồng/kg vẫn 'cháy hàng'

Thứ Sáu 17/11/2023 , 14:29 (GMT+7)

HÀ TĨNH Nhiều mô hình trồng cam hữu cơ ở Hà Tĩnh cho năng suất tăng 20% so với trước đây, giá bán đạt 40 - 45 nghìn đồng/kg.

Những năm gần đây, nhiều nông dân tại Hà Tĩnh đã tập trung chuyển đổi trồng cam sang hướng hữu cơ. Các mô hình bước đầu đã đem lại thu nhập cao, mở ra hướng phát triển bền vững.

Gia đình ông Dương Quốc Thành ở thôn 1, xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) trồng hơn 2ha cam chanh 8 năm tuổi. Ông cho biết, trước đây trồng cam chủ yếu sử dụng phân bón hóa học, phun nhiều thuốc BVTV nên cây cam dễ bị thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm đi theo thời gian.

Nhờ tuân thủ kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ nên quả cam có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất tăng hơn so với trước. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ tuân thủ kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ nên quả cam có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất tăng hơn so với trước. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau khi tìm hiểu và tham gia vào Tổ hợp tác trồng cam hữu cơ, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha cam sang canh tác theo hướng hữu cơ. Theo ông Thành, trồng cam theo hướng hữu cơ giúp cây cam có sức sống bền hơn, việc dùng phân bón hữu cơ vi sinh nên đất trồng ngày càng màu mỡ. Nhờ tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ nên quả cam có mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, ngọt hơn, năng suất, sản lượng cũng tăng hơn so với trước.

Đến nay, 1ha cam chanh sản xuất theo hướng hữu cơ của gia đình ông Thành ước đạt năng suất 10 tấn quả, với giá bán tại vườn dao động từ 30.000 - 40.000đ/kg, sau khi trừ mọi chi phí, dự kiến gia đình ông thu về từ 150 - 200 triệu đồng.

Sau 2 năm kiên trì chuyển đổi sản xuất cam theo hướng hữu cơ, đầu tháng 11/2023 vừa rồi, vườn cam của gia đình ông Thành và các hộ dân trong Tổ hợp tác sản xuất cam hữu cơ số 1 Quang Thọ đã được tổ chức chứng nhận Vinacontrol (TP.HCM) cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Năm 2023, HTX Cây ăn quả đồi núi tại thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã chuyển đổi 16ha cam sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Anh Nguyễn Hùng Thái, Giám đốc HTX cho biết: Nhằm phát triển bền vững cây cam, HTX đã chuyển sang trồng cam theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học… nhằm cải tạo, bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cây phát triển rễ tơ khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng tốt, ít bị sâu bệnh.

Trao chứng nhận sản phẩm cam hữu cơ cho các hộ trong Tổ hợp tác sản xuất cam hữu cơ số 1 Quang Thọ (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trao chứng nhận sản phẩm cam hữu cơ cho các hộ trong Tổ hợp tác sản xuất cam hữu cơ số 1 Quang Thọ (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ngoài ra, các hộ còn áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, nhất là việc bảo vệ quả, bọc nilon để ngăn ngừa côn trùng đốt, chích đẻ trứng, bảo đảm quả cam khi thu hoạch vừa đẹp về mẫu mã, vừa có chất lượng cao. Toàn bộ diện tích cam được đầu tư thâm canh, sử dụng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, nhờ đó cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, năng suất tăng ít nhất 20% so với trước đây. Đặc biệt cam sản xuất theo hướng hữu cơ có chất lượng tốt hơn, quả to, đều, màu sắc đẹp, mẫu mã bắt mắt, mọng và ngọt hơn, ước năng suất đạt hơn 15 tấn/ha.

Cũng theo anh Nguyễn Hùng Thái Thái, cam sản xuất theo phương pháp hữu cơ có giá bán và đầu ra ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đảm bảo về chất lượng nên cam của HTX luôn được các cửa hàng hoa quả thu mua với giá cao hơn cam thông thường từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg.

Anh Hà Văn Dũng, một thành viên của HTX Cây ăn quả đồi núi cho biết: Từ khi chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, anh và bà con trong HTX tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thay vào đó chỉ sử dụng chế phẩm sinh học được chế từ ớt, gừng, tỏi, rượu…; dùng những phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ phủ gốc cây, vừa giữ ẩm, vừa tạo mùn cho đất.

Dùng túi bao trái cam để ngăn sâu, côn trùng gây hại, cho mẫu mã quả đẹp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Dùng túi bao trái cam để ngăn sâu, côn trùng gây hại, cho mẫu mã quả đẹp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Các hộ trồng cam trong HTX còn ủ phân chuồng bằng men vi sinh và mua đậu tương, cá... để ủ làm phân hữu cơ sinh học bón cho cây. Cỏ dưới tán vườn cam cho mọc tự nhiên và chỉ dùng máy phát quang để giữ ẩm cho đất, trở thành chất hữu cơ. Với cách làm này, vừa không phải mất chi phí nhân công làm cỏ, vừa không phải tốn chi phí thuốc diệt cỏ, giữ được môi trường trong lành.

Với việc áp dụng kỹ thuật trồng cam hữu cơ, hơn 2ha cam của gia đình anh Dũng ước đạt 30 tấn quả, giá bán từ 40.000 - 45.000đ/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn nửa tỷ đồng.

Việc chuyển đổi sản xuất cam sang tiêu chuẩn hữu cơ vừa mang lại hiệu quả nổi trội về kinh tế, lợi ích xã hội cũng như môi trường sinh thái.

Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, việc triển khai các mô hình sản xuất cam theo theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thâm canh cây cam nói riêng và cây có múi nói chung, hướng tới nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần củng cố thương hiệu cam Hà Tĩnh và hiện thực hóa Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).