| Hotline: 0983.970.780

Trồng cam VietGAP, mỗi năm 'bỏ túi' tiền tỷ

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:45 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Vườn cam VietGAP của ông Bế Văn Mai thu hoạch mỗi năm chừng 150 tấn quả, cho thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Ông Bế Văn Mai (phải) giới thiệu về trang trại cam có diện tích hơn 7ha, canh tác theo VietGAP. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Bế Văn Mai (phải) giới thiệu về trang trại cam có diện tích hơn 7ha, canh tác theo VietGAP. Ảnh: Tâm Phùng.

Hơn chục năm trước, ông Bế Văn Mai (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trồng hơn 20ha cao su tiểu điền. Sau trận bão lớn quét qua, vườn cao su gãy đổ, giá mủ cao su thấp chạm đáy nên càng làm càng lỗ chứ không được gì.

“Vậy là tôi khăn gói, cơm nắm đi hết các tình như Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… có cùng thổ nhưỡng tương tự như quê mình để xem bà con trồng cây gì không ngại bão lớn, cho thu nhập cao. Và cuối cùng tôi đã chọn cây cam”, ông Mai nhớ lại.

Năm 2015, ông Mai quyết định chuyển đổi 3ha cây cao su sang trồng cam. Để chắc ăn, ông Mai thuê một nông dân có bề dày kinh nghiệm từ tỉnh Nghệ An vào cùng ăn, cùng ở để trồng cam với mình.

Khi những trái cam bói đầu tiên chín mọng và lứa cam chính vụ trĩu cành cho hiệu quả bất ngờ, ông Mai tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, trang trại của ông đã có trên 7ha cam, gồm đa dạng các giống như V2, lòng vàng, Xã Đoài…

Giống cam chanh giòn cho năng suất và hiệu quả cao tại trang trại của ông Mai. Ảnh: Tâm Phùng.

Giống cam chanh giòn cho năng suất và hiệu quả cao tại trang trại của ông Mai. Ảnh: Tâm Phùng.

Để xây dựng thương hiệu cho trang trại cam của mình, ông Mai đã học hỏi kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng cam theo hướng VietGAP. Việc phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ông Mai bộc bạch: “Trồng cây gì sản phẩm cũng phải sạch thì bà con mới chọn mua. Cứ vài tháng tôi lại thuê nhân công dọn cỏ cho vườn cam chứ không phun thuốc trừ cỏ. Khi vào vụ tôi lại phun các loại chế phẩm sinh học hoặc các loại thuốc được phép sử dụng theo quy định, vì vậy cam đảm bảo an toàn thực phẩm".

Trang trại cam được bón phân hữu cơ nên xanh tốt quanh năm. Năng suất, sản lượng tăng dần hàng năm. Theo ông Mai, 3 năm gần đây, cây cam vào độ tuổi sung sức và được chăm bón tốt nên sản lượng quả đạt 150 tấn/năm.

Nhiều thương lái các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh… hay tin đã vào tận vườn để xem cách sản xuất theo quy trình VietGAP và đã đặt mua với số lượng lớn. Khi được hỏi về lợi nhuận, ông Mai không giấu: “Giá bán thấp nhất là 20 ngàn đồng/kg thì gia đình có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Trừ chi phí sản xuất hết gần 1 tỷ, còn lãi trên 2 tỷ đồng mỗi năm”.

Cam của trang trại ông Mai được thương lái đặt hàng mua tại vườn. Ảnh: Tâm Phùng.

Cam của trang trại ông Mai được thương lái đặt hàng mua tại vườn. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Mai kể có lần ông đi dự đại hội Hội Nông dân Việt Nam ở Hà Nội. Khi nghỉ ở Nhà khách Văn phòng Chính phủ, ông được mời ăn cam. Nhận thấy quả cam có vị ngọt thanh, thơm dịu và giòn, ông tìm cách hỏi xem đó là giống cam gì, trồng ở đâu và được biết đó là giống cam chanh giòn. Sau đó, ông đã tìm hiểu nguồn gốc, quy trình trồng và quyết định mua giống cam này về trồng ở trang trại.

Hơn 1ha cam chanh giòn được ông Mai trồng ở khu riêng và đặt tên là “cam Chính phủ”. “Tôi biết đến giống cam quý này nhờ ở Nhà khách Văn phòng Chính phủ nên đặt tên luôn như vậy cho dễ nhớ và ghi ơn thôi” - ông Mai bộc bạch.

Chúng tôi ra vườn cam, những dãy cam đầy sức sống, xanh tốt, đã gần cuối vụ mà trái vẫn còn trĩu cành. Ông Mai hái mấy quả cho chúng tôi ăn thử. Cảm nhận thật khác biệt, tép cam giòn, vị ngọt thanh và hương thơm dịu nhẹ cứ phảng phất mãi trong vị ngọt.

“Cam chanh giòn này có giá bán gấp đôi cam thường, mỗi ký không dưới 40 ngàn đồng. Nhiều thương lái đã hỏi mua nhưng tôi chưa đồng ý mà đang thu hoạch bán lẻ. Cam ngon nên cho bà con thưởng thức để biết đã”- ông Mai nói.

Nhiều người trồng cam ở các địa phương khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cam tại trang trại của ông Mai. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều người trồng cam ở các địa phương khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cam tại trang trại của ông Mai. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Mai cũng cho hay, năm sau ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm giống cam chanh giòn. “Cùng diện tích, cùng quy trình canh tác, nhưng giống cam “Chính phủ” này cho năng suất cao và thu nhập gấp đôi nên sẽ là định hướng mở rộng diện tích của tôi. Tuy nhiên, tôi tăng diện tích từ từ theo lộ trình chứ không tăng nhanh để đảm bảo cho việc sản xuất đúng quy trình sạch, hữu cơ” - ông Mai nói thêm.

Không chỉ trồng cam, ông Mai còn đưa cây tiêu vào sản xuất với diện tích gần 2ha. Hiện tiêu đã leo kín trụ và cho những lứa tiêu sọ đầu tiên. Ông Mai bảo, cây tiêu cũng có hiệu quả cao, nhất là cây tiêu giúp hạn chế được một số loại sâu, bướm gây bệnh trên cây cam.

Hiện trang trại ông Mai đang hoàn tất thủ tục để cấp mã vạch, truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm cam. “Vấn đề được quan tâm hàng đầu của trang trại chúng tôi là sản phẩm phải sạch, sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ. Có như vậy mới phát triển bền vững và yên tâm đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Mai hồ hởi.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.