| Hotline: 0983.970.780

Dồn sức xây dựng nông mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Năm 20/06/2024 , 15:25 (GMT+7)

Năm 2024, tỉnh Bình Thuận phấn đấu thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Một góc vùng nông thôn ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Một góc vùng nông thôn ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.

Tiếp nối thành công, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Thuận tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ quan trọng. Phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn này chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Thuận phấn đấu 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.

Xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận về đích nông thôn mới năm 2023. Ảnh: KS.

Xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận về đích nông thôn mới năm 2023. Ảnh: KS.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 74/93 xã nông thôn mới và 6 xã nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu thêm 17 xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, 2 xã nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao gồm: Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết); Hòa Thắng (Bắc Bình); Hàm Kiệm, Hàm Minh (Hàm Thuận Nam); Tân Bình (thị xã La Gi); Tân Đức (Hàm Tân); Bắc Ruộng (Tánh Linh); Sùng Nhơn, Vũ Hòa, Nam Chính (Đức Linh); Tam Thanh, Long Hải (Phú Quý) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Hàm Cường (Hàm Thuận Nam), Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) và Trà Tân (Đức Linh).

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2024 là năm quyết định thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, các địa phương cần tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, làm cơ sở sang năm 2025 dồn sức thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Đức Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

“Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu giao yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân với tinh thần “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh kết quả thực hiện các bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và giải ngân vốn”, ông Mai Kiều đề nghị.

Tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân

Theo ông Mai Kiều, giai đoạn trước nông thôn Bình Thuận có sự thay đổi lớn về diện mạo thì nay việc phát triển đã đi vào chiều sâu. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá đồng bộ, tạo nên diện mạo mới cho nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp. Hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch, khu xử lý rác thải tập trung, hạ tầng thương mại nông thôn... từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 54 triệu đồng, tăng hơn 2,6 triệu đồng so với năm 2022.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước. Ảnh: KS.

Đầu giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là 3,2% tương ứng 10.689 hộ. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,58% tương ứng 8.659 hộ và năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,62% (vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra 0,52%). Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo 0,42% và ước giai đoạn 2022-2025 toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,4-0,6%/năm.

Cũng theo ông Mai Kiều, để hoàn thành chỉ tiêu được giao giai đoạn 2021 – 2025, thời gian tới Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, tiếp tục thực hiện các chương trình chuyên đề thuộc chương trình nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Đồng thời giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, bức xúc trong xây dựng nông thôn mới như: môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn.

Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực. Để làm được điều đó tỉnh sẽ áp dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cũng như thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị. Đặc biệt, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn và phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất