Trường Nguyễn Viết Xuân nơi bà Lan làm quản lý |
Rất nhiều lá đơn tố cáo được rải khắp chợ trung tâm huyện Chư Pứh, Gia Lai phản ánh bà Hà Thị Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (thị trấn Nhơn Hoà) bất minh tài chính, độc tài trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Hơn 1 tuần qua, người dân quanh khu vực chợ Chư Pứh bàn tán rất nhiều về chuyện những lá đơn tố cáo phát cho người dân và các tiểu thương ở khu vực chợ Chư Pứh. Những đơn tố cáo này đại diện những giáo viên và phụ huynh của trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân nhưng không có tên đích danh đứng ra ký.
Theo nội dung đơn tố cáo, bà Lan bị phản ánh có nhiều điểm không minh bạch về tài chính khi tự ý dùng tiền vào những mục đích cá nhân; bất minh trong việc sử dụng tiền xã hội hoá giáo dục như lập rào hành lang không cho học sinh, người ngoài vào khu hiệu bộ; học sinh phải nộp tiền để mua phần thưởng nếu được khen vào cuối năm, nếu học sinh không nộp mà được khen thưởng thì chỉ có giấy khen không có phần thưởng; dùng bể bơi được nhà nước tài trợ cho học sinh tập bơi để kinh doanh...
Không chỉ bất minh về tài chính, trong việc quản lý, bà Lan có hiểu hiện độc tài, không cho phép giáo viên ý kiến, nếu trái lệnh sẽ bị trù dập, hạ thi đua, dọa chuyển trường khiến nhiều giáo viên mất tinh thần làm việc. Bà Lan cũng thiếu dân chủ khi bỏ phiếu kín xếp loại đảng viên cuối năm khi không cho kiểm phiếu, công khai kết quả...
Chị Q. - một phụ huynh có con đang học tại trường Nguyễn Viết Xuân cho biết, năm nào chúng tôi cũng đóng các khoản tiền xã hội hoá, khen thưởng, lao công. Điều khiến chị bức xúc chính là các khoản phụ thu rất phi lý như tiền khung rạp phục vụ cho lễ khai giảng và tốt nghiệp, tiền xây dựng thư viện thân thiện, xây dựng vườn thuốc nam. Chưa kể, khi con chị Q. mới vào học lớp 1 thì nhà trường đã yêu cầu nộp tiền để may quần áo tốt nghiệp cho con ra trường vào lớp 5.
Phụ huynh bức xúc khi Thư viện thân thiện xây dựng tốn kém hơn 17 triệu đồng không biết để làm gì |
“Rõ ràng, đây là những khoản tiền hết sức vô lý nên chúng tôi quyết không nộp”, chị Q. nói và cho biết nếu đóng hết các khoản tiền trong đầu năm học mới hết khoảng 1 triệu đồng.
Tương tự, anh H. có con học tại trường Nguyễn Viết Xuân cho biết, chúng tôi phải đóng những khoản tiền xã hội hóa rất vô lý, không phục vụ cho lợi ích của các em học sinh.
Anh H. cho rằng đóng tiền xã hội hóa giống như mô hình đa cấp biến tướng, phụ huynh chỉ biết đóng tiền mà không biết mục đích sử dụng của những khoản tiền này.
Một giáo viên trong trường (xin giấu tên) cũng xác nhận nội dung trong đơn tố cáo rải khắp chợ là đúng sự thật. “Cô Hiệu trưởng làm việc bảo thủ, phân công chuyên môn áp đặt, muốn cho ai dạy lớp nào thì dạy. Chúng tôi mà làm trái ý sẽ bị gọi lên phòng la mắng, trù dập bằng cách hạ thi đua, sắp sếp cho dạy lớp không thuận lợi”, giáo viên này bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo NNVN, bà Hà Thị Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Tôi có biết về đơn tố cáo do người không rõ danh tính rải trong chợ. Vào khoảng tháng 7, cũng có người gửi đơn tố cáo tôi lên Huyện uỷ, UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Chư Pứh. Bản thân tôi đã giải trình cụ thể khi làm việc với các cơ quan chức năng”.
Theo lý giải của bà Lan, các khoản thu chi tài chính đều minh bạch, không có chuyện làm hợp thức hoá đơn chứng từ. Về các khoản tiền xã hội hoá hàng năm, nhà trường có lấy ý kiến của hội phụ huynh học sinh về kế hoạch vận động, quyên góp các khoản tiền phụ thu. Sau khi phụ huynh đồng ý thì nhà trường mới đưa ra phương án, kế hoạch cụ thể.
Ông Lê Hồng Mạnh, Phó trường phòng GD-ĐT huyện Chư Pứh cho biết, sau khi làm việc với Chi bộ, Ban giám hiệu trường Nguyễn Viết Xuân về đơn cáo đối với bà Lan, chúng tôi nhận thấy thông tin cũng có mặt đúng và chưa đúng.
Chẳng hạn như việc xây tường rào chắn đi vào khu hiệu bộ chưa hợp lý, chúng tôi đã yêu cầu nhà trường tháo gỡ ngay.
Vấn đề thu chi tiền xã hội hóa theo đơn phản ánh, chúng tôi cần phải kiểm chứng lại vì đây mới chỉ là ý kiến của phụ huynh. Phòng GD-ĐT đã quán triệt đối với nhà trường không được thu chi những khoản tiền vận động phụ huynh tham gia xã hội hóa.
Liên quan đến vấn đề “độc tài” của bà Lan đối xử với giáo viên trong trường, phòng GD-ĐT cũng có nghe thông tin này. Tuy nhiên khi chúng tôi đi kiểm tra phía công đoàn thì thấy bình thường, công bằng, dân chủ giữa các giáo viên. Ban thanh tra nhân dân của huyện cũng báo cáo là các giáo viên trong trường rất đoàn kết, không có mâu thuẫn như trong đơn đã phản ánh.
“Việc những lá đơn nặc danh rải khắp chợ đang trở thành vấn đề nhức nhối, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, tổ chức hộp hội đồng giáo viên và các bậc phụ huynh để nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhằm xử lý kịp thời. Nếu có sai phạm như trong đơn tố cáo, chúng tôi sẽ có hình thức kỷ luật kịp thời, thậm chí luân chuyển hiệu trưởng để tạo môi trường làm việc thân thiện, tránh gây bức xúc cho các bậc phụ huynh và giáo viên", ông Mạnh cho biết.