| Hotline: 0983.970.780

Chính sách giảm nghèo đổi thay vùng cao Quảng Ngãi

Thứ Tư 26/03/2025 , 15:37 (GMT+7)

Đầu tư cơ sở hạ tầng cùng các dự án, chính sách giảm nghèo và giải quyết đất ở, đất sản xuất đã mang lại đổi thay to lớn cho vùng cao Quảng Ngãi.

Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho người dân

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng với 187.000 người là đồng bào dân tộc H’re, Ca Dong và Cor, chiếm 15,18% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng miền núi chủ yếu là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững…

Khu tái định cư tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng được đầu tư với kinh phí gần 13 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, khu tái định cư này đã hoàn thành phần mặt bằng, di dời 14 hộ dân ở nóc Ông Đến - khu vực biệt lập không điện, không đường giao thông vào ở.

Diện mạo vùng cao Quảng Ngãi đang được đổi thay từng ngày. Ảnh: Văn Hà. 

Diện mạo vùng cao Quảng Ngãi đang được đổi thay từng ngày. Ảnh: Văn Hà. 

“Được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, không chỉ tôi mà tất cả người dân ở đây đều rất vui mừng khi được về nơi ở mới khang trang, đầy đủ điện, đường như thế này”, ông Hồ Văn Thắng, ở khu TĐC tổ 4, xã Trà Giang bày tỏ.

Ông Hồ Minh Trí, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng cho biết, hiện nay, đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc đều được xây dựng khang trang.

Thời gian qua, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được tỉnh chú trọng.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Phạm Thị Tôn, ở huyện Ba Tơ vừa mới được nhà nước hỗ trợ sửa chữa. Chị Tôn cho biết, để có được ngôi nhà cấp 4 vẫn còn thơm mùi sơn mới như hiện tại, gia đình chị được lực lượng thanh niên, lực lượng xung kích của xã, hỗ trợ ngày công.

"Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà cũ xiêu vẹo, dột nát, rất nguy hiểm khi mưa bão. Bây giờ ở nhà mới, tôi rất yên tâm, có động lực để vươn lên thoát nghèo”, chị Tôn chia sẻ.

Hỗ trợ đa dạng sinh kế

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh Quảng Ngãi còn lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế theo phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, địa phương đứng ra làm khâu trung gian trong việc hỗ trợ người dân tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Nhiều sản phẩm nông sản của người dân đã trở thành hàng hóa, được công nhân là sản phẩm OCOP và có mặt khắp các siêu thị lớn trong cả nước như gà kiến, gà đen và mắm cá niên của huyện Sơn Hà, gạo rẫy từ vùng rẻo cao Ba Tô…

Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Quảng Ngãi giảm hơn 7,7%. Toàn tỉnh chỉ còn 2 huyện nghèo là Trà Bồng và Sơn Tây. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của 2 huyện này cũng giảm gần 10,3%, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi của tỉnh xuống dưới 17%.

Sản vật vùng cao đã trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang lại giá trị cao cho người dân. Ảnh: Văn Hà.

Sản vật vùng cao đã trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang lại giá trị cao cho người dân. Ảnh: Văn Hà.

Quảng Ngãi có 3/5 huyện được công nhận ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước, 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao).

Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi bứt phá trong năm 2025, giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho hay, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị.

UBND tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho phát triển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với khai thác tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường. Thực hiện giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, chủ động khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng để đưa khu vực miền núi phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Xem thêm
Hơn 10.000 người tham gia ngày chạy vì TP. Hải Phòng xanh, văn minh

Ngày 22/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày chạy vì một thành phố xanh, văn minh và thân thiện năm 2025.

Mùa xuân biên giới: [Bài 4] Xóa bỏ hủ tục, vực dậy bản làng

Nhiều năm bám bản, dầm mưa dãi nắng, chịu đựng bao lời khó nghe, những người cán bộ vùng cao vẫn kiên trì, để ánh sáng tri thức xua tan đi bóng tối hủ tục mịt mù.