| Hotline: 0983.970.780

Đồng bằng sông Cửu Long phải tự cứu mình

Thứ Hai 12/08/2019 , 09:35 (GMT+7)

Mực nước sông Mekong năm nay rất thấp, khiến cho nhiều khả năng mùa khô 2020 ở ĐBSCL sẽ rất căng thẳng. Nguy cơ thiếu nước ở ĐBSCL có thể sẽ còn lớn hơn trong những năm tới. TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đã trao đổi với NNVN về vấn đề này.

11-03-26_ts_to_vn_truong
TS Tô Văn Trường.


Những con đập gây rối

Năm nay, mực nước trên dòng Mekong rất thấp. Nhiều đoạn sông ở Lào, Thái Lan nước thấp đến mức lộ cả đáy. Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính khiến cho mực nước sông Mekong năm nay thuộc vào những năm thấp nhất trong lịch sử?

Theo quy luật chung vào những năm El Nino (cực đoan khí hậu) toàn khu vực Đông Nam Á đều ít mưa hơn so với bình thường do “ổ đối lưu gây mưa bị dịch về phía Đông”. Năm nay, hạn hán diễn ra ở hầu khắp các nước Đông Nam Á do El Nino, mà ngay ở nước ta, đặc biệt là hạn ở miền Nam và miền Trung. 

Mùa khô năm 2019 tổng lượng mưa trên các trạm khác nhau trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 55%. Trong khi đó mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5, nhưng năm nay đến muộn, làm lượng mưa tháng 7 thiếu hụt lên tới 65%, đặc biệt khu vực thượng nguồn Mekong (bao gồm cả phía Trung Quốc), mưa giảm nhiều và chỉ đạt trung bình 20% so với nhiều năm.

Hệ thống đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong trên đất Trung Quốc chỉ xả với lưu lượng rất hạn chế, chỉ bằng 1/3 - 1/2 của năm trước, với lý do bảo trì lưới tải điện. Đập thủy điện Xayabury ở Lào tích nước vận hành chạy thử tuốc bin. Các hồ thủy điện trên lưu vực đã có tích nước lên đến 55 tỷ m3. Các hồ đang và sẽ hoàn thành đến 2020 có thể đã tham gia tích nước giai đoạn này lên tới 20 tỷ m3. Trong khi đó, các nước như Thái Lan và Campuchia cũng sử dụng nhiều lượng nước để sản xuất cho nông nghiệp.

Tổ hợp các yếu tố do thiên tai và nhân tai nói trên làm cho mực nước sông Mekong năm nay thuộc loại rất thấp, nhưng nguyên nhân chính là do hiện tượng El Nino hạn hán bất thường trên toàn lưu vực và các nước thượng lưu tích nước trong các hồ chứa thủy điện.

Không chỉ tới năm nay mà việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng lưu đã gây nỗi lo ngại lớn đối với hạ lưu trong nhiều năm qua, nhất là khi Lào và Campuchia cũng đã, đang và có ý định xây những đập lớn trên con sông này. Mỗi một đập thủy điện được xây dựng lên trên sông Mekong, sẽ làm trầm trọng thêm những nguy cơ đối với dòng sông này về dòng chảy, về tài nguyên nước… Chúng ta cần phải làm gì trước thực trạng nói trên?

Khi xây dựng đập thủy điện có nghĩa là tác động vào thiên nhiên, là bài toán đánh đổi “được và mất” cả về kinh tế xã hội và môi trường. Theo tôi biết ở Thái Lan, người dân cũng kịch liệt phản đối việc con người tác động bằng biện pháp công trình lên sông Mekong kể cả dòng chính và sông nhánh. Họ lý luận rất đơn giản, theo tiếng Thái và tiếng Lào, Mê Nám có nghĩa là sông Mẹ.

Con sông Mekong nuôi sống hàng chục triệu người dân. Nếu con người tác động vào nó giống như đứa con làm tổn thương đến mẹ, và triệt đường sống của dân. Họ còn thu thập chữ ký gửi phản đối lên Thủ tướng Thái Lan và phê phán cả việc Trung Quốc xây các đập lớn ở thượng nguồn sông Mekong.

Những người ủng hộ xây dựng đập thủy điện thì lại cho rằng dân số ngày càng tăng, nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, phải khai thác tiềm năng thủy điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội sao cho cái lợi lớn nhất và thiệt hại ít nhất.

Các đập của Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam không nhiều vì khá xa Việt Nam, lại có Biển Hồ của Campuchia điều tiết tự nhiên cả mùa lũ và mùa kiệt. Đáng lo nhất là nếu các nước ở thượng lưu chuyển nước ra khỏi lưu vực Mekong sẽ tác động lớn đến nguồn nước sông Mekong như  thiếu nước, ảnh hưởng đến phù sa, thủy sản, giao thông thủy, dịch chuyển dòng chảy… Các đập thủy điện có kế hoạch xây dựng ở Lào và Campuchia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL cả về số lượng và chất lượng nước, gây ra lệch mùa dòng chảy vốn có của tự nhiên. 

11-03-26_mekong2
Người dân ĐBSCL buôn bán ở trên sông. Ảnh: CGIAR.
Việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng lưu, phá rừng làm mất lớp thảm phủ thực vật để giữ nước, tăng cường sử dụng nước cho nông nghiệp, đã ảnh hưởng đến dòng chảy kiệt. Vận hành các nhà máy thủy điện về lý thuyết tích nước mùa lũ, điều tiết nước cho mùa khô nhưng thực tế quy trình vận hành bao giờ người ta cũng nghĩ đến quyền lợi của chính họ hơn là quan tâm đến yêu cầu của các nước hạ lưu.

Chúng ta có diễn đàn và Hiệp định của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) của 4 nước ở hạ lưu vực để thảo luận và đưa ra các quy chế khai thác sử dụng nguồn nước một cách công bằng. Nhưng vai trò của MRC cũng rất hạn chế.

Dù vậy, ta vẫn phải đấu tranh yêu cầu các nước ven sông cần thực thi nghiêm chỉnh hiệp định hợp tác hạ lưu vực sông Mekong đã ký kết 1995. Yêu cầu phía Lào cung cấp các thông tin theo đúng quy định của thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận của MRC (PNPCA).  

Tuy nhiên, cách tốt nhất, chủ động nhất vẫn phải là “tự cứu mình”. ĐBSCL ở hạ lưu với 13 tỉnh thành có diện tích gần 40 ngàn km2, là nơi sinh sống của gần 20 triệu người dân, là vựa lúa, an ninh lương thực, sản lượng thủy sản, trái cây cũng lớn nhất cả nước. Nông dân Nam Bộ có truyền thống vượt khó, năng động, sáng tạo có nhiều sáng kiến cải tiến trên mặt trận sản xuất. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng yếu kém, rất cần sự quan tâm đầu tư đúng mức của nhà nước nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.  

Trong tương lai, biến đổi khí hậu làm cho lượng mưa các tháng biến động nhiều hơn. Nếu Thái Lan chuyển nước sông Mekong ra ngoài lưu vực, phía Campuchia nếu xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước ở (Biển Hồ) Tonlesap và thủy điện Sambo, lại gặp đúng thời kỳ El Nino, thì tình hình nguồn nước ở ĐBSCL còn nguy cấp hơn nhiều. 

Bởi vậy, bài toán quy hoạch tổng thể sử dụng nguồn nước một cách khôn ngoan, và hiệu quả theo nguyên tắc quản lý lưu vực sông, đặc biệt dựa trên tinh  thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ở ĐBSCL, càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
 

Quản lý thiên tai khôn ngoan

Mưa ít ở thượng nguồn, xây dựng thủy điện trên sông Mekong… đều là những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam hay Việt Nam không thể tự giải quyết được. Trong khi đó, những tác nhân trên đối với nguồn nước sông Mekong đang hiển hiện ngày một thường xuyên và rõ rệt hơn. Cần phải làm gì để ĐBSCL thích ứng được với tình trạng Mekong cạn nước, nguy cơ thiếu nước ngọt sẽ còn diễn ra trong nhiều năm tới? Các giải pháp trữ nước ngọt cho ĐBSCL đã được nêu ra như cải tạo Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên thành nơi trữ nước…, liệu có khả thi không?

Giải pháp trữ nước ngọt ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hoàn toàn khả thi. Về kỹ thuật thì bao lửng cũng phải giải quyết cống bọng cho hoàn chỉnh như chống lũ triệt để, giảm thiểu tác hại khi cho nước vào theo kiểu tràn bờ. Còn đê bao khép kín vượt mức báo động 3, ngoài việc bảo vệ sản xuất là hạ tầng giao thông nông thôn đi lại cho văn minh hơn, thuận tiện hơn. Việc sản xuất mấy vụ là tùy hoàn cảnh mà quyết định.

Nâng cấp hệ thống đê bao khép kín ĐBSCL làm nhiệm vụ tổng hợp ngăn lũ và tích nước bảo vệ sản xuất cho nhiều mô hình có cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi... khác nhau, trong đó có mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ nuôi trồng thủy sản tôm, cá kết hợp gieo trồng các loại cây thủy sinh thích hợp.

Riêng mô hình này, công năng của hệ thống đê bao khép kín là sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và vụ lúa hè thu, nếu gặp năm lũ lớn thì mở cống đón lũ vào đồng cho đến khi đồng đầy nước thì đóng cống lại, gặp năm lũ nhỏ thì dùng máy bơm điện bơm nước lũ vào đồng ruộng để tích lũ phục vụ vụ nuôi tôm cá kết hợp trồng các loại cây như súng, ấu, sen, điên điển (chính là vụ 3 hay còn gọi là vụ thu đông)...

Mùa khô 2020 sẽ là một trong những năm cực hạn cho nên ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền và người dân cần có kế hoạch chủ động từ việc bố trí mô hình sản xuất, nạo vét kênh rạch, bổ sung các khu trữ nước cho mùa khô, có kế hoạch sử dụng nguồn nước một cách khôn ngoan, tiết kiệm, hiệu quả.
Cần hạn chế tối đa diện tích sản xuất vụ hè thu sớm và vụ xuân hè vùng ven biển vì khó khăn về nguồn nước, để tránh đỡ thiệt hại về kinh tế. Chính quyền địa phương cần nghĩ sớm các giải pháp và cơ chế chính sách giúp người nông dân vượt qua khó khăn của mùa khô sắp đến.

Khi có nguồn nước, ở ĐBSCL phải tranh thủ tích trữ nước trên các kênh rạch, ao… Cơ cấu sản xuất phải bố trí lại để thích ứng với điều kiện thời tiết. Nhà nước cần có cơ chế chính sách chủ động để ứng phó với thiên tai năm 2020 đặc biệt khan hiếm nguồn nước.
Việc chủ động ứng phó không thể thiếu thông tin dự báo mùa (Seasonal Forecasting) và nội mùa (sub-seasonal forecasting). Đáng tiếc là vấn đề này ở Việt Nam đang quá yếu, cần được quan tâm nâng cao chất lượng về mặt khoa học công nghệ dự báo.

Cuối mùa lũ đầu mùa khô, tôm cá đã đủ lớn cùng các loài cây thủy sinh đã đúng kỳ cho thu hoạch thì xả nước lũ còn lại trong đồng ra sông, kênh, rạch từ từ để thu hoạch. Lượng nước xả này sẽ chảy về miệt dưới giúp ngọt hóa và giảm mặn trong mùa khô cho vùng duyên hải.

Cần xây dựng ngay tầm nhìn cho ĐBSCL. Đó là quản lý thiên tai một cách khôn ngoan, sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả vì một ĐBSCL kinh tế ổn định, thịnh vượng, môi trường đa dạng và bền vững.
 

Nguồn nước và hạt lúa

Đê bao, bờ bao ở ĐBSCL đã phát huy vai trò lớn trong việc bảo vệ các khu dân cư, bảo vệ sản xuất trong mùa lũ. Tuy nhiên, đê bao, bờ bao lại bị nhiều người coi là nguyên nhân quan trọng khiến cho nước lũ trên sông Cửu Long không được tích trữ lại trong các đồng ruộng ở vùng thượng nguồn mà bị đẩy hết ra biển, qua đó góp phần không nhỏ gây ra tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Sau năm 1975, toàn vùng ĐBSCL tổng sản lượng lương thực mới khoảng 5 triệu tấn, sản xuất chủ yếu là lúa 1 vụ (lúa dài ngày năng suất thấp).

Bài toán đặt ra là ngoài hệ thống kênh cấp nước, tiêu chua, xổ phèn thì cần phải có hệ thống bờ bao để bảo vệ lúa hè thu và dùng  bơm vợi để tiếp tục sạ lúa vụ đông xuân đã được giải quyết từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước. Đây là kết quả đúc kết từ thực tiễn, sáng kiến của người nông dân Nam Bộ, và của cán bộ địa phương.

Lúc sinh thời, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt rất tâm đắc việc phát triển đê bao và bờ bao là nền tảng cho vựa lúa ở ĐBSCL. Trong một bài viết đăng báo ngày 16/10/2006 với nhan đề “Đê bao, bờ bao nền tảng làm giàu vựa lúa”, ông cho rằng: “nhờ có hệ thống công trình thủy lợi đa mục tiêu, chúng ta đã đánh thức được tiềm năng của hai “kho đất” lớn ở tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

Chính từ những đê bao, bờ bao đã hình thành hệ thống giao thông, nơi ở an toàn cho người dân vùng ngập lũ, cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ngày nay được an toàn hơn, sản xuất chủ động (lúa, màu, cây ăn trái, thủy sản nước mặn, nước ngọt…), ngành nghề phát triển đa dạng, giao thông nông thôn thông thoáng hơn.

Hệ thống thủy lợi đã tạo ra nền tảng làm giàu cho vựa lúa hôm nay, góp phần đắc lực vào chương trình an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội”.

Từ thực tiễn trên, cho thấy “sống thuận thiên” ở ĐBSCL theo Nghị quyết 120 của Chính phủ trong thời gian tới không phải là phá dỡ hệ thống đê bao khép kín, mà phải khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy các mặt tích cực để  mang lại lợi ích to lớn cho ĐBSCL.

Các ý kiến phê phán hay băn khoăn về các mặt tồn tại của đê bao, bờ bao được đề cập như mức độ ảnh hưởng đến thoát lũ, khả năng lấy phù sa, sạt lở bờ bao sau mỗi trận lũ, phát triển quá nhiều lúa vụ 3 trong đê bao, là rất đáng hoan nghênh, trân trọng bởi vì nó giúp cho những người có trách nhiệm phải xem xét, điều tra, tính toán để cần thiết bổ sung, đưa ra những biện pháp khắc phục các mặt còn khiếm khuyết.

Tuy nhiên, cần tránh những nhận xét phiến diện, chủ quan, cục bộ, chỉ biết khai thác những điểm còn tồn tại, hạn chế cả trong quá trình thực thi cũng như trong quản lý, vận hành, mà không dựa vào tổng thể chung của cả hệ thống để đánh giá một cách khách quan và khoa học những hiệu ích to lớn do đê bao, bờ bao mang lại.

Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh như vậy vì trong quá khứ đã có không ít thế này thế khác quanh chủ trương xây dựng hồ Dầu Tiếng, kênh Hồng Ngự, chương trình thoát lũ ra biển Tây, cầu Mỹ Thuận... Song, trên thực tế, lợi ích to lớn của các công trình nói trên cho đến nay thì ai cũng hiểu (ngay kênh Hồng Ngự được người dân biết ơn Nhà nước, đặt tên là kênh Trung ương).

11-03-26_mekong_1
Sông Mekong ở thượng nguồn. Ảnh: Mekong Eye.

Lúa là cây trồng chủ lực ở ĐBSCL khi chiếm diện tích lớn nhất, cho sản lượng hằng năm nhiều nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu gạo cả nước. Nhưng lúa lại được coi là một trong những loại cây trồng tiêu tốn nhiều nước nhất. Trong bối cảnh ĐBSCL ngày càng phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt bởi biến đổi khí hậu và hoạt động xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, tình trạng nước sông Mekong xuống thấp, dẫn tới nguy cơ thiếu nước ngọt ở ĐBSCL sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ĐBSCL có nên điều chỉnh lại sản xuất lúa hay không?

Về lý thuyết hoàn toàn đúng, song trong thực tiễn không hẳn như vậy. Lúa đúng là cây trồng tiêu tốn nhiều nước. Theo nhiều tài liệu, để sản xuất ra 1kg gạo, cần 3.500 - 4.000 lít nước (hay 3,5 - 4m3 nước). Tuy nhiên, đó là khi ta cần duy trì mực nước cho cây lúa đảm bảo cây sinh trưởng phát triển bình thường, còn cây lúa không lấy đi theo nông sản lượng nước trên, giống như chất dinh dưỡng từ phân bón.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần bơm tưới thì vấn đề lại khác, rất cần tính toán. Theo tôi, điều chỉnh diện tích lúa cho hiệu quả không phải chỉ do thiếu nước mà có lẽ là cái chính là do hiệu quả kinh tế thấp.

Xin cảm ơn ông!

Lúa vụ 3 bắt nguồn tự sản xuất tự phát của nông dân ở một số vùng thuận lợi về thủy nông. Nhưng từ nhiều năm nay, vụ 3 đã được coi là một trong những vụ lúa chính ở ĐBSCL. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn có những ý kiến cho rằng không nên sản xuất lúa vụ 3 bởi nguy cơ rủi ro vì lũ, có thêm vụ 3, đồng ruộng sẽ bị khai thác trồng lúa quanh năm, dẫn tới đất bị kiệt quệ, đắp đê bao để làm lúa vụ 3 khiến cho đồng ruộng không còn được bồi đắp bởi phù sa, không vệ sinh được bằng nước lũ… Vậy, về lâu dài có nên tiếp tục duy trì vụ 3 như là một vụ lúa chính?

Đúng thế, lúa vụ 3 bắt nguồn từ sản xuất tự phát của nông dân vì trong quy hoạch kiểm soát lũ ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay từ 1999, đã không khuyến khích làm lúa vụ 3.

Nhiều ý kiến không ủng hộ sản xuất lúa vụ 3, nhưng không có giải pháp thay thế hiệu quả. Biết là sản xuất lúa vụ 3 rủi ro, song có 3 lý do mà người dân vẫn phải làm, có năm lên trên 800 ngàn ha. Thứ nhất, họ không biết làm gì khác với lao động đang dư thừa. Thứ hai, đầu tư thấp mà vẫn có thu nhập (tuy không cao).

Ngoài ra, nếu không sản xuất, mà lỡ không có lũ về thì bỏ ruộng, đến vụ sau sẽ tốn thêm nhiều công cho làm đất và diệt cỏ. Có một số tỉnh, nhất là An Giang đã chủ động đưa lũ về vụ thu đông để vệ sinh đồng ruộng. Nhưng trong bối cảnh đang chuyển đổi sang trồng các cây ăn trái, cây màu thì không phải nơi nào cũng đủ điều kiện (đê bao) để đưa lũ về được.

Tuy nhiên, về lâu dài nếu bỏ được vụ lúa 3 vẫn tốt, chuyển qua sản xuất loại cây thích hợp, ít đầu tư (thậm chí cây thức ăn chăn nuôi, ngô sinh khối...), vì ta đâu cần xuất khẩu nhiều gạo nữa.

Xem thêm
Quân đội nhân dân Việt Nam - niềm tự hào dân tộc

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng đăng toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương TÔ LÂM nhân Kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Vĩnh Ngọc gìn giữ hạt muối như hạt ngọc

Giữa bộn bề gian khó, Chi nhánh muối Vĩnh Ngọc vẫn miệt mài gìn giữ và phát tiết những giá trị truyền thống hàng trăm năm nơi đất mặn biển Quỳnh.