Theo tờ Asia News Network tại Lào, hàng triệu cư dân bao đời nay có sinh kế dựa vào dòng sông Mekong đang chứng kiến mực nước đầu mùa lũ ít một cách bất thường.
Ông Xaysana Bounyalath, một ngư phủ ở làng chài Vat Chan từ năm 1975 ngày 21/7 cho biết, chưa có năm nào mực nước trên sông Mekong lại xuống thấp như thế này, khiến cho cuộc mưu sinh, đánh bắt cá tôm của gia đình đang rất khó khăn.
Đập Xayaburi ở thượng nguồn chặn ngang dòng chảy xuống vùng hạ lưu |
Ông Xaysana cho biết thêm, trữ lượng cá trên dòng Mekong suy giảm mạnh cũng bắt nguồn từ mực nước bất thường như thế này.
Theo một quan chức Tập đoàn cấp nước Vientiane, mực nước sông thấp có nguy cơ khiến gián đoạn hoạt động cung cấp nước ở thủ đô bởi hệ thống trạm bơm đặt dọc theo bờ sông không có đủ nước để đảm bảo công suất.
Nguồn tin từ Ủy hội sông Mekong (MRC) gồm bốn quốc gia khu vực Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ghi nhận, lịch sử dòng chảy năm nay đã bị sụt giảm xuống mức thấp nhất vào thời điểm đầu mùa lũ kể từ năm 1992 đến nay. “Mực nước từ thượng nguồn đến Chiang Saen (Thái Lan) rồi xuống Luang Prabang và Vientiane (Lào) chảy tới vùng Nong Khai và Neakk Luong (Campuchia) ở hạ lưu sông Mekong trong nhiều ngày qua đều ở dưới mức rất thấp”, thông cáo báo chí của MRC cho biết.
Theo MRC, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khiến lượng mưa kể từ đầu năm đến nay ít hơn so với trung bình nhiều năm, khi tháng 6 năm nay chỉ đạt khoảng 67% tổng lượng mưa kể từ năm 2006-2018.
Dòng Mekong đoạn qua tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) trơ đáy hôm 21/7 |
Trong diễn biến liên quan, tờ Bangkokpost ngày 22/7 đưa tin, có ít nhất 8 tỉnh thành của nước này nằm dọc theo sông Mekong đang phải trải qua những ngày tháng khó khăn do thiếu nguồn nước sản xuất và sinh hoạt. Nguyên nhân được giới chức địa phương đưa ra chính là do con đập Xayaburi ở phía thượng nguồn thuộc lãnh thổ Lào, kể từ khi vận hành thử gây ra khô hạn.
Nhiều dòng sông ngập kháng sinh Đây là kết quả nghiên cứu vừa được các nhà khoa học thuộc Đại học York (Canada) tiến hành trên hàng chục con sông thuộc 72 quốc gia châu Phi và châu Á. Theo đó, các loại kháng sinh này đã xâm chiếm các dòng sông gây ra những nguy cơ lâu dài cho môi trường. Theo AP, đáng báo động là ở Bangladesh, nơi ghi nhận nồng độ chất kháng sinh metronidazole, được sử dụng để xử lý khuẩn tảo và ký sinh trùng cao hơn tới 300 lần khuyến nghị. Ngoài ra, các loại kháng sinh phổ biến khác cũng được tìm thấy là trimethroprim, ciprofloxacin vượt quá mức an toàn ở nhiều con sông. Các nhà khoa học cảnh báo, sự hiện hữu của các chất kháng sinh trong các dòng sông có thể gây ra sự kháng vi sinh vật, là tác nhân giết chết các vi sinh vật hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Mặt khác quá trình này tạo ra các loại siêu khuẩn (superugs) được cho là gây ra khoảng 700.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. |