| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào Khmer sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời

Thứ Hai 12/07/2021 , 09:22 (GMT+7)

AN GIANG Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang vừa triển khai thí điểm hỗ trợ lắp đặt pin năng lượng mặt trời kết hợp sản xuất rau màu đem lại hiệu quả cho bà con Khmer.

Mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới, phía trên là những tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới, phía trên là những tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân lợi nhuận kép

Xuất phát từ nghiên cứu về mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời năm, mới đây Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) và Công ty TNHH Ý Thức Khí Hậu (Climate Sense) triển khai, có sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án phát triển năng lượng bền vững tỉnh An Giang, Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cùng UBND xã Châu Lăng đã chọn hộ ông Chau Hon (hộ Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để thí điểm mô hình.

Hiện mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với điện mặt trời tại gia đình ông Chau Hon đã đi vào vận hàng khai thác điện từ đầu năm 2021 đến nay. Hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất 45kWp lắp đặt trên diện tích 400m2, phía dưới là nhà màng trồng cây. Các tấm quang năng được thiết kế với độ giãn cách phù hợp, đảm bảo khả năng sinh trưởng của giống cây trồng.

Tham gia mô hình, gia đình ông Chau Hon cùng dự án trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới để nghiên cứu. Từ tháng 1 đến tháng 4/2021, nhóm nghiên cứu phối hợp với nhóm dự án và hộ dân trồng thử nghiệm cây rau muống và dưa leo lưới các tấm pin năng lượng mặt trời để tính toán mức độ phù hợp của cây dưới các tấm quang năng và so sánh mô bình trồng cây bên ngoài. Thực tế cho thấy, cây trồng trong bóng râm dưới các tấm quang năng sinh trưởng rất tốt do giữ được độ ẩm, tránh được ánh nắng trực tiếp do thời tiết quá nắng  ở vùng Bảy Núi và còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác cải tiến vào trong sản xuất rau màu.

Ông Chau Hon vui mừng cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình được nhà nước hỗ trợ cho trồng thử nghiệm dưa leo dưới dưới các tấm quang năng với diện tích trên 400m2, cây trồng trong nhà lưới phát triển tốt hơn ruộng đối chứng bên ngoài, tỷ lệ đậu trái khá ổn định. Hiện tại, gia đình ông thu hoạch mỗi ngày hơn 30kg dưa leo, bán giá 10.000 đồng/kg. Trái có mẫu mã đẹp và dài, tươi ngon, được bạn hàng đánh giá cao.

Trung bình mỗi ngày, hệ thống sản xuất được 103 kWh điện. Trung bình cứ 2-3 tháng dự án đã bán được khoảng 4.471 kWh điện, tương đương hơn 22 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh An Giang thăm mô hình trồng thử nghiệm dưa leo dưới điện mặt trời áp mái của gia đình ông Chau Hon, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh An Giang thăm mô hình trồng thử nghiệm dưa leo dưới điện mặt trời áp mái của gia đình ông Chau Hon, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời của ông Chau Hon, dự án còn nâng cao khả năng tiếp cận điện của các hộ chưa có điện lưới. Góp phần thúc đẩy ứng dụng các giải pháp xanh cho cộng đồng, cơ chế hỗ trợ tài chính được áp dụng dựa vào kết quả.

Mỗi hộ gia đình phải tự chi đối ứng 50% chi phí lắp đặt pin mặt trời và được dự án hỗ trợ 50%. Ông Huỳnh Văn Boong sống một mình ở một góc sườn núi Dài, cao chót vót thuộc địa phận ấp Rò Leng, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Trên núi không có điện lưới, tấm pin điện mặt trời tại nhà ông Boong có công suất 300W cùng với bộ sạc điện có giá 3 triệu đồng. Ông được dự án hỗ trợ 50%, nên chỉ phải bỏ ra 1,5 triệu đồng.

Nông dân sẽ thu được “lợi nhuận kép” khi vừa có điện bán, vừa có thu nhập từ sản xuất rau màu - đó là hiệu quả mang lại từ việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên phần đất canh tác với độ giãn cách phù hợp. Mô hình mở ra triển vọng giảm nghèo bền vững trong vùng có đông đồng bào Khmer ở Bảy Núi.

Giảm xung đột trong sử dụng đất

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, mô hình lắp đặt pin năng lượng mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp bên dưới giúp tạo ra nguồn thu bổ sung từ bán điện mặt trời. Đồng thời mô hình này giúp tận dụng tối đa diện tích đất canh tác để tăng thêm thu nhập cho nông hộ, đồng thời giảm xung đột trong sử dụng tài nguyên đất. Một số cây trồng được hưởng lợi khi tăng mức độ che phủ, cho năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Ông Thọ khẳng định, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời là mô hình mới ở An Giang, cho thấy được hiệu quả bước đầu đã mang lại từ mô hình. Khi nhìn hình ảnh những tấm pin che trên diện tích đất nông nghiệp, nhiều người nghĩ không canh tác được. Tuy nhiên, khi lựa chọn cây trồng phù hợp, năng suất, chất lượng đạt cao hơn. Cùng trên vùng đất khô cằn, nông dân vừa giữ được thu nhập từ trồng trọt, vừa thu thêm tiền điện bán hàng tháng. Đây là mô hình có thể giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.

Cây trồng trong nhà lưới dưới các tấm pin phát triển tốt hơn ruộng trồng bên ngoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cây trồng trong nhà lưới dưới các tấm pin phát triển tốt hơn ruộng trồng bên ngoài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với lợi thế về bức xạ năng lượng mặt trời và kết quả đã được minh chứng, ông Thọ hy vọng ngành nông nghiệp An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy được một mô hình kết hợp hiệu quả hỗ trợ cho bà con nông dân trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Bà Ngụy Thị Khanh Giám đốc điều hành GreenID cho biết: Hiện nay tiềm năng điện mặt trời ở vùng ĐBSCL rất lớn, nhiều người đã mơ ước đưa năng lượng xanh đến mọi nông hộ, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để giải quyết thách thúc kép là biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Phát triển năng lượng sạch ở nông hộ còn mang lại sự công bằng, đó là các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội đầu tư, mọi nông hộ thì có thêm điều kiện nâng cao thu nhập. Hơn một năm tìm kiếm địa điểm mới dừng lại được ở hộ ông Chau Hon.

Mục tiêu nghiên cứu thực địa để tính hiệu quả năng suất các loại cây trồng bên dưới, tính toán sản lượng và lợi ích khi kết hợp giữa trồng cây với điện mặt trời áp mái. Lợi ích đã có thể thấy ở hộ ông Chau Hon, tự sản xuất điện và tiết kiệm năng lượng; tạo ra nguồn thu bổ sung từ sản xuất điện mặt trời; tận dụng tối đa diện tích đất canh tác để vừa tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Giảm xung đột trong sử dụng đất giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường với các sản phẩm xanh.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT An Giang đã phối hợp với GreenID triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh ĐBSCL thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững”. Theo đó, đã hỗ trợ lắp đặt trên 1.100 hệ thống pin năng lượng mặt trời độc lập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở vùng chưa có điện lưới tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Hệ thống pin được lắp đặt theo hình thức dự án hỗ trợ và đối ứng của hộ dân, giúp các hộ có điện phục vụ sinh hoạt cơ bản. Hiện dự án đang được mở rộng với tên gọi mới “Giải pháp xanh hỗ trợ tiếp cận năng lượng cho cộng đồng nghèo khu vực ĐBSCL tại tỉnh An Giang”. Dự án bước đầu mang lại hiệu quả khi vừa khai thác điện mặt trời, vừa tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp phía dưới hệ thống pin (được bố trí giãn cách phù hợp).

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.