| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 04/07/2024 , 06:18 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 06:18 - 04/07/2024

Đồng hồ Tây có bao giờ sai!

Theo kế hoạch, cuối tháng 6/2024 sẽ vận hành tuyến đường sắt đô thị trên cao Nhổn – Ga Hà Nội. Nhưng tháng 6 đã qua. Dự án tiếp tục đến hẹn... trễ hẹn.

Nhà tôi ở bên hông tuyến đường sắt trên cao, đoạn qua Nghĩa trang Mai Dịch chạy thẳng xuống Nhổn. Mấy ngày gần đây, cách vài giờ đồng hồ lại nghe tiếng còi tàu điện kéo thành từng hồi: “tu tu tu”; tiếng ma sát phát ra trên đường ray, nhưng không phải tiếng “xình xịch, xình xịch” quen thuộc của tàu hỏa truyền thống, bởi nhẽ, tuyến đường sắt hiện đại này chạy bằng điện. Chạy bằng điện nên đương nhiên sẽ êm hơn, không có tiếng trục kéo của đầu máy chạy hơi nước hay đầu máy chạy bằng dầu cổ lỗ sĩ ngày xưa.

Vài năm trước, thi thoảng tôi thấy một đoàn tàu điện khoảng 7 - 8 toa sơn hai màu vàng - đỏ chạy qua nhà, nhưng chỉ lùi lũi chạy, không kéo còi như mấy ngày nay. Hỏi ra mới biết, tàu đang chạy vận hành thử, tức là chạy “test” máy, không chở người. Cứ chạy đi chạy lại như thế, thời gian “test” dễ chừng ba - bốn năm.

Còn tuyến đường sắt trên cao, ngày nào tôi cũng song hành, bởi nó nằm bên trên tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy chạy qua ngã tư giao với đường Phạm Hùng, xuôi một mạch xuống Nhổn thì dừng lại. Đây cũng là tuyến đường hằng ngày tôi đi làm, đưa con đi học; rồi đi làm về, lại đón con từ trường về nhà. Vì ngày nào cũng gặp, nên thấy tuyến đường sắt trên cao này nó quen, giống như một cây cột điện đứng bất động ở đầu ngõ phố, ngày nào đi qua cũng gặp, có khi gặp nhiều quá thành ra chán…

Nhưng, bóng của tuyến đường sắt trên cao nó ngả xuống thành một vệt dài thì thật râm mát, kéo dài cả chục km. Những ngày Hà Nội nóng nực, cao điểm trên 40 độ C, bà con, nhất là phương tiện xe máy, không ai bảo ai đều tranh nhau chạy sang làn bên này (dù là sai làn), bởi không thể cưỡng lại bóng râm cám dỗ!

Nói vậy thôi. Là một công dân, đã trải qua quãng thời gian dài hàng chục năm trời tuyến đường 32 chậm tiến độ mãi mới hoàn thành, tôi thấm thía cảm giác của cuộc sống người dân sát sườn bên cạnh những dự án chậm tiến độ: nó nhơ nhớp, xấu xí vì cảnh quan bị bịt bằng những bức tường tôn, ô nhiễm bụi, kiếp nạn nhất là cảnh tắc đường, người này người kia không ai bảo ai, mạnh ai tìm đường nấy chạy…

Đường 32 hoàn thiện, đẹp. Giá đất hai bên đường đoạn Nhổn - Diễn tăng vù vù, dù trước đó, vẫn là đất ấy thôi. Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Dân Nhổn - Diễn lại nhận thêm một dự án đường sắt trên cao tọa lạc bên trên tuyến đường 32. Và, lại là những ngày dài đường hóa công trường, cảnh tắc đường, chen chúc… tái diễn!

Sự cam chịu, nhẫn nại rồi cũng được đền bù. Ngày 24/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp yêu cầu UBND TP. Hà Nội chủ trì, nỗ lực đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng 6/2024.

Rà lại lịch sử dự án này thì phải giật mình: đây là dự án chậm tiến độ và có nhiều lần trễ hẹn nhất (13 lần); là dự án đội vốn cao nhất trong các dự án đường sắt đô thị hiện có ở Hà Nội, từ 18.408 tỷ đồng tăng lên trên 30.000 tỷ đồng (tăng gần 63%).

Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2010, kế hoạch hoàn thành vào năm 2015 nhưng vỡ tiến độ, phải xin điều chỉnh sang năm 2016. Không hoàn thành vào năm vào 2016, UBND TP. Hà Nội phải điều chỉnh lại tiến độ sang năm 2017. Không hoàn thành vào năm 2017, Hà Nội phải điều chỉnh sang năm 2018. Năm 2018 không hoàn thành, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cam kết hoàn thành vào tháng 4/2021. Không hoàn thành vào 4/2021 và phải điều chỉnh tiến độ vào tháng 10/2021. Không hoàn thành kế hoạch chạy tàu vào 4/2021 và phải điều chỉnh vào tháng 12/2021. Không hoàn thành kế hoạch chạy tàu vào 12/2021.

Đầu tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra hiện trường dự án, UBND TP. Hà Nội báo cáo tiến độ và cam kết đưa đoạn trên cao từ Nhổn (Bắc Từ Liêm) về ga S8 (Cầu Giấy), dài hơn 8 km vào hoạt động từ tháng 12/2022.

Không hoàn thành kế hoạch chạy tàu vào 12/2022, tháng 3/2023, Ban MRB xin lùi và đưa ra thời gian đưa các đoàn tàu vào hoạt động là 8/2023.

Ngày 7/8, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm vướng mắc, đưa đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác cuối năm 2023.

Nhưng, Dự án vẫn không thể đưa các đoàn tàu vào hoạt động ở đoạn trên cao theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Và tiếp tục đến thời điểm hiện tại, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội lại đến kỳ… trễ hẹn.

Có một chi tiết mà tôi nhớ trong tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố: trong lúc người phụ nữ nghèo khổ (chị Dậu) đang bải hoải trước bài toán bán con, bán chó để cứu chồng thì chiếc đồng hồ Tây nhà Nghị Hách điểm 11h. Khi vợ Nghị Hách thắc mắc, và trong lúc lão trọc phú thời phong kiến này gằn giọng: “Đồng hồ Tây có sai bao giờ” thì xe lửa “một giờ” toe toe hét còi.

Nhắc đến chi tiết này để thấy rằng, xe lửa (đường sắt) từ xa xưa đã luôn một mình một đường, và giờ giấc luôn chính xác đến từng giây!

Nay, xe lửa vẫn một mình một đường. Đường sắt đô thị trên cao còn hơn thế, một mình hẳn một đường… trên cao, không chung đụng.

Nói vậy thôi. Hơn bao giờ hết, tôi mong ngóng từng ngày tuyến đường sắt trên cao này vận hành. Tiến độ đã chậm rồi. Vốn cũng đã đội rồi. Thời gian, tiền bạc cũng đã đủ, dù muốn dù không, người dân cũng muốn được một lần nhìn thấy thành quả của thứ mà được làm từ tiền ngân sách, và từ những đồng tiền thuế mà dân đóng góp!!!

Tôi đọc trên báo, người ta đưa tin, cuối tháng 6 sẽ đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội.

Nhưng tháng 6 đã qua rồi. 

Bình luận mới nhất