| Hotline: 0983.970.780

Phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ rừng

Thứ Năm 31/08/2023 , 08:56 (GMT+7)

Quảng Ninh sở hữu những khu rừng tự nhiên hùng vĩ, phục vụ cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Cùng với đó là các hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, việc bảo vệ môi trường rừng cộng đồng đang được doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Kiên.

Tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, việc bảo vệ môi trường rừng cộng đồng đang được doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Kiên.

Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển, số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng. Các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch được mở rộng cả về số lượng và quy mô, có sự chuyển dịch từ du lịch biển đảo sang du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại các khu vực rừng cộng đồng.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Do đó, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là giải pháp cần thiết để phát triển du lịch bền vững.

Xã Kỳ Thượng là một trong những xã nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, xã còn được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên, với nhiều dãy núi cao, hệ thống suối, thác nước đan xen giữa rừng xanh bạt ngàn tạo thành khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Cùng với đó, khí hậu mát mẻ quanh năm khiến nơi đây trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách gần xa.

Xác định lợi thế giá trị về lâm nghiệp, cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích, vận động, định hướng cho người dân khai thác tiềm năng, lợi thế để làm du lịch tại khu vực rừng cộng đồng của địa phương.

Sau nhiều năm ấp ủ, anh Nguyễn Trung Kiên đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm tại thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long). “Từ những lần đến với núi rừng và bà con vùng đất Kỳ Thượng, tôi đã quyết tâm bắt tay vào làm du lịch, liên kết với một số hộ dân nơi đây để cộng đồng cùng sinh lợi”, anh Kiên chia sẻ.

Anh Kiên cho biết, các hoạt động du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên để giữ những cánh rừng xanh - sạch - đẹp. Từ đó, thu hút khách du lịch đến với vùng đất Kỳ Thượng, tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây.

Du khách đến với Kỳ Thượng sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch dưới những tán rừng xanh, sạch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Du khách đến với Kỳ Thượng sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch dưới những tán rừng xanh, sạch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, hiện nay địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng của Kỳ Thượng đến với du khách thăm quan Hạ Long, khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Dao Thanh Phán, trải nghiệm món ăn đặc trưng của Kỳ Thượng.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa bước đầu phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng đắn trong lộ trình phát triển du lịch của xã Kỳ Thượng nói riêng, cũng như TP Hạ Long nói chung. 

Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn các điểm đến thực hiện giải pháp văn minh du lịch, xây dựng môi trường xanh, sạch trong khuôn viên điểm tham quan; tuyên truyền cho người dân và du khách thực hiện ứng xử văn minh du lịch; đa dạng sản phẩm mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Du khách từ miền xuôi khi đến với Kỳ Thượng sẽ được tham gia trải nghiệm các hoạt động gần gũi với thiên nhiên như tắm suối, chèo thuyền, đi bộ khám phá rừng trúc, rừng cộng đồng với những cây dổi, lim, dẻ đã được nhiều thế hệ người Dao nơi đây chăm sóc, bảo vệ. Hiện thôn Khe Phương có khoảng 30 hộ dân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động phục vụ du lịch, trong đó có cả những lao động trẻ đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trở về quê hương.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.