| Hotline: 0983.970.780

Đông Nam Bộ đi đầu trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Thứ Sáu 04/11/2022 , 07:26 (GMT+7)

Là khu vực chăn nuôi trọng điểm của cả nước, Đông Nam Bộ đang đi đầu trong xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu.

trai gà bp (1)

Một trại gà xây dựng tách biệt để đảm bảo an toàn dịch bệnh ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Tỉnh nào cũng có vùng an toàn dịch bệnh gia cầm

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có 2.210 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh.

Trong đó, bao gồm: 1.687 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; 2.386 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; 52 lượt chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác còn hiệu lực.

Điều đáng chú ý là phần lớn cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ, vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, tỉnh nào ở Đông Nam Bộ cũng đã có vùng an toàn dịch bệnh với gia cầm.

Cụ thể, về gia cầm, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận 959 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh còn hiệu lực đối với một hoặc nhiều bệnh (cúm gia cầm, Newcastle).

Trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng thành công 21 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện tại Đồng Nai (7 huyện), Bình Dương (5 huyện), Tây Ninh (1 huyện), Bình Phước (6 huyện) và Bà Rịa - Vũng Tàu (2 huyện). Riêng TP. HCM hiện đã xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh.

Về chăn nuôi lợn, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng được 579 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh còn hiệu lực đối với một hoặc nhiều bệnh như lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển và dịch tả lợn Châu Phi, trong đó, có 264 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Cụ thể: Đồng Nai đã xây dựng được 234 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, trong đó có 101 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Bình Phước xây dựng được 133 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng được 70 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; Bình Dương xây dựng được 48 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; TP.HCM xây dựng được 36 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; Tây Ninh xây dựng được 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng được 6 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển, gồm 4 huyện của tỉnh Bình Dương và 2 huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Đông Nam Bộ, cũng đã hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Như ở Bình Phước hiện đã có chuỗi thịt gà an toàn dịch bệnh để xuất khẩu của CPV Food.

Cũng ở tỉnh này, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu của Japfa Comfeed Việt Nam. Hiện nay, ở Bình Phước, Japfa Comfeed có tổng cộng 33 trang trại (8 trại giống và 25 trại thịt) hoạt động với tổng đàn khoảng 111.280 con. Công ty đang xây dựng 1 Nhà máy giết mổ lợn với công suất 374.400 con/ năm và 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 40.000 tấn/tháng.

Tại Bình Dương, Công ty TNHH Thực phẩm 3F Việt đã hình thành chuỗi hệ thống trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp sản phẩm cho nhà máy giết mổ trên cùng địa bàn tỉnh, và tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tổng đàn gà thịt mà công ty này đang nuôi ở Bình Dương khoảng 1,5 triệu con được nuôi ở 25 trại gia công, đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Dương cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm. Công ty cũng đã có 1 nhà máy giết mổ ở ấp Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với công suất giết mổ khoảng 20.000 con gia cầm/ngày đêm...

an toan dich benh

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại công nghiệp ở Đông Nam Bộ. Ảnh: Trần Trung.

Kinh nghiệm thành công

Để xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh, trước hết phải có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ lãnh đạo các tỉnh.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển nông nghiệp với 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chăn nuôi (lợn, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ.

Ngày 25/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã có Kết luận số 368-KL/TU về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Ngày 7/9/2022, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1633/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, từ nay đến 2030, Bình Phước tập trung xây dựng thành công 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà theo tiêu chuẩn Việt Nam; trong đó, có 6 huyện, thành phố: Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng đạt theo tiêu chuẩn OIE.

Cũng theo bà Trần Tuệ Hiền, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Phước đã và đang phối hợp Bộ NN- PTNT, Cục Thú y triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long và Bù Đăng đã được Cục Thú y đánh giá và công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện về lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển, một kinh nghiệm của các địa phương đã xây dựng thành công là tổ chức xây dựng cơ sở (hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi) đạt an toàn dịch bệnh (giai đoạn 1), sau đó xây dựng cơ sở cấp xã đạt an toàn dịch bệnh và cuối cùng bắt tay vào xây dựng cả huyện an toàn dịch bệnh.

Tất cả các huyện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đều có kế hoạch được Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo tổ chức xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Chăn nuôi quy mô lớn ở Đông Nam Bộ đang phát triển mạnh, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, các trang trại heo, gà quy mô lớn ở tỉnh này đang chiếm tới 90-91% tổng đàn.

Các trang trại quy mô lớn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Để xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp có liên quan phối hợp với Cục Thú y tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi lợn (trước mắt là cấp huyện, tiến tới cấp tỉnh) an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE và của Việt Nam.

Qua khảo sát thực tế, cũng như căn cứ tình hình chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, quỹ đất, các điều kiện về vùng địa lý tách biệt để bảo đảm đáp ứng các yếu tố dịch tễ, dịch bệnh trên lợn, Bộ NN-PTNT (Cục Thú y) đề xuất UBND tỉnh Bình Phước xem xét, ưư tiên chọn huyện Bù Đăng (cụ thể tại xã Đăng Hà và các xã lân cận), cũng như đề nghị các doanh nghiệp như Japfa Comfeed Việt Nam, GreenFeed Việt Nam... phối hợp cùng tổ chức xây dựng các chuỗi sản xuất thịt lợn, vùng huyện Bù Đăng đạt an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột

Tỉnh Bình Thuận phát động chiến dịch diệt chuột từ tỉnh đến các thôn xóm, từng hộ dân...

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm