| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để tự tin xuất khẩu

Thứ Sáu 28/10/2022 , 11:41 (GMT+7)

Công tác xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ được Bộ NN-PTNT đẩy mạnh trong thời gian tới để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

DSCN7092

CPV Food đã xuất khẩu được lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật nhờ có cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ảnh: Thanh Sơn.

Xuất khẩu được nhờ an toàn dịch bệnh

Trong những năm qua, Bình Phước là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, về quy mô và tổ chức sản xuất. Chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Song song với việc phát triển chăn nuôi, Bình Phước đã luôn quan tâm tới việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB).

Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) trên địa bàn tỉnh được Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bàn chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi ATDB và xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật, chuỗi sản xuất an toàn để xuất khẩu.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 07/09/2022 phê duyệt Đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030.

Đề án xác định mục tiêu xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới (OIE) đối với 11/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước.

Với những nỗ lực đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 40 trang trại chăn nuôi gà được công nhận ATDB đối với bệnh cúm gia cầm (CGC) và Newcastle, 2 trang trại vịt được công nhận ATDB đối với CGC và dịch tả vịt. Đã có 6 huyện, thị xã của tỉnh Bình Phước được Cục Thú y công nhận vùng ATDB trên gia cầm.

Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để một doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn Bình Phước là Cty TNHH CPV Food - thành viên của C.P. Việt Nam, được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cấp phép xuất khẩu thịt gà chế biến vào nước này và đã tiến hành xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản vào ngày 25/10.

Bên cạnh gia cầm, Bình Phước cũng đang đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi ATDB đối với lợn và bước đầu đã hình thành chuỗi sản xuất thịt lợn hướng tới xuất khẩu của Japfa Comfeed. Công tác xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi ATDB ở nhiều tỉnh khác, cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, công tác xây dựng vùng, cơ sở ATDB đã hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch bệnh thông qua việc tổ chức tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, củng cố mạng lưới thú y, đồng thời cũng hỗ trợ các chuỗi cung ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thịt, trứng gà, đặc biệt là chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 250 tấn thịt gà sang Nhật Bản.

cpv 4

Một cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh của CPV Food. Ảnh: Thanh Sơn.

Đẩy mạnh xây dựng vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo Cục Thú y, hiện nay, cả nước có 2.210 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố với 4.125 lượt chứng nhận ATDB đối với 20 bệnh, bao gồm: 1.687 (lượt) chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm ATDB; 2.386 (lượt) chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi lợn ATDB; 52 (lượt) chứng nhận cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác (còn hiệu lực).

Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi ATDB.

Cụ thể, Bộ NN- PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó Hợp phần 1 về “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người, giai đoạn 2022 – 2030” có mục tiêu xây dựng được các vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, về vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh CGC và Newcaste theo quy định của Việt Nam: Đến năm 2023, xây dựng 6 huyện của Bình Phước; đến 2025, xây dựng thêm 11 huyện khác của Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM; đến 2030, duy trì các huyện thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đạt ATDB, đồng thời xây dựng các vùng ATDB tại các địa phương khác vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng.

Về vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh CGC và Newcastle theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): Đến 2025, xây dựng 4 huyện của Bình Phước; đến 2030, xây dựng thêm 6 huyện khác của Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; từ năm 2026 trở đi, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện ATDB không áp dụng biện pháp tiêm phòng vắc xin.

cpv 7

Thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ được đàm phán để xuất khẩu sang nhiều thị trường khác. Ảnh: Thanh Sơn.

Về vùng chăn nuôi gia súc ATDB theo quy định của Việt Nam: Duy trì 4 huyện của tỉnh Bình Dương ATDB đối với các bệnh Lở mồm long móng (LMLM) và Dịch tả lợn (DTL); đến 2025, xây dựng thêm 4 huyện của tỉnh Bình Phước, ít nhất 2 huyện của Đắk Nông và Lâm Đồng ATDB đối với các bệnh LMLM và DTL. Đồng thời xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và Tai xanh tại 8 huyện của tỉnh Bình Dương và Bình Phước nhằm hướng tới xây dựng các huyện này ATDB đối với bệnh DTLCP và Tai xanh từ năm 2026 trở đi.

Về xây dựng vùng chăn nuôi gia súc ATDB theo tiêu chuẩn của OIE: Đến 2025, xây dựng 4 huyện của Bình Dương ATDB đối với bệnh LMLM và DTL; đến 2030 xây dựng thêm 4 huyện khác của Bình Phước đạt ATDB đối với bệnh LMLM và DTL; xây dựng ATDB đối với bệnh DTLCP và Tai xanh của tỉnh Bình Dương và Bình Phước (đối với các huyện đã ATDB đối với bệnh LMLM và DTL).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, xây dựng vùng ATDB là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh một cách chủ động. Đặc biệt, khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với những FTA thế hệ mới đang thực hiện, Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu thì phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến…

Như vậy, đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi ATDB không chỉ phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, đảm bảo nguồng cung sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng trong Hợp phần 1 của Đề án nói trên, Bộ NN-PTNT đã đề ra những mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đến 2020. Theo đó, sẽ duy trì và tăng khối lượng xuất khẩu thịt gà chế biến vào các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và 5 nước Liên minh kinh tế Á - Âu, đồng thời đàm phán xuất khẩu sang Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.

Duy trì và tăng khối lượng sản phẩm trứng gia cầm chế biến xuất khẩu sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Hoa Kỳ; đàm phán xuất khẩu trứng gà thương phẩm sang Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Đàm phán xuất khẩu thịt lợn đông lạnh sang Malaysia, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến sang Trung Quốc. Đàm phán xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia, đồng thời tăng thêm ít nhất 5 nhà máy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đàm phán xuất khẩu mật ong và sản phẩm mật ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác. Đàm phán xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.