| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp trồng rong nho xuất khẩu lớn nhất Việt Nam

Chủ Nhật 02/01/2022 , 09:30 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Qua hàng chục năm nếm trải thất bại, anh Duy đã thành công với chế biến rong nho xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, cùng liên kết làm giàu bền vững cho người dân.

Đó là anh Nguyễn Quang Duy, sinh năm 1980, người con ở Khánh Hòa, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Sản Xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu D&T (Công ty D&T). Đây là Công ty được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận có diện tích nuôi trồng và sản lượng rong nho Nhật Bản lớn nhất Việt Nam từ năm 2020.

Anh Nguyễn Quang Duy rất tâm huyết với nghề trồng rong nho xuất khẩu. Ảnh: QD.

Anh Nguyễn Quang Duy rất tâm huyết với nghề trồng rong nho xuất khẩu. Ảnh: QD.

8 năm kiên trì bám trụ với rong nho mới “hái quả ngọt”

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm khu chế biến và đóng gói rong nho của Công ty D&T nằm tại xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chứng kiến cảnh lao động sản xuất khá nhộn nhịp.

Anh Nguyễn Quang Duy cho biết, trước đây anh vốn là quản lý của một công ty dược trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Cơ duyên anh đến với nghề trồng rong nho Nhật Bản (giống có nguồn gốc Nhật Bản) bắt đầu từ một bác sỹ mách bảo về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm rong nho rất tốt cho sức khỏe. Tại Nhật Bản, trên 25 năm qua sản phẩm rong nho đã được người Nhật tin dùng ăn như rau sống hàng ngày.

Khu chế biến, đóng gói rong nho của anh Duy. Ảnh: KS.

Khu chế biến, đóng gói rong nho của anh Duy. Ảnh: KS.

Vậy là anh lập tức sang “thủ phủ" rong nho thế giới là Okinawa của Nhật Bản để tìm hiểu quy trình trồng, chế biển sản phẩm, ấp ủ mong muốn đưa sản vật này phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng chặng đường đi đến thành công không hề đơn giản, anh Duy đã nếm trải sự thất bại trong 8 năm liền vì trồng không hiệu quả, sản lượng thấp, khi trồng được rồi lại không thể tiêu thụ.

Cứ mỗi lần thất bại, anh lại đúc kết kinh nghiệm thực hiện cho bằng được. Sau hơn 10 năm gắn với nghề rong nho, đến nay anh đã xây dựng được khu chế biến, đóng gói cùng với hệ thống bảo quản sản phẩm bài bản.

Trong đó, khu chế biến và đóng gói rong nho có diện tích rộng 8.000 m2, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động với mức thập nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, anh đã làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm rong nho tách nước khác biệt trên thị trường, được người tiêu dùng Nhật Bản, Mỹ chấp nhận, tiêu thụ mạnh. Sản phẩm này đã được chứng nhận HACCP, được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Khu chế biến rong nho của Công ty D&T hiện tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập ổn định. Ảnh: KS.

Khu chế biến rong nho của Công ty D&T hiện tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập ổn định. Ảnh: KS.

Sản phẩm rong nho tách nước được anh Duy phối hợp với các nhà khoa học của Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM và các viện nghiên cứu để cho ra quy trình sản xuất khác biệt (sản phẩm đóng gói chiếm 80% là rong nho, còn lại chỉ 20% nước muối). Trong khi đó, sản phẩm này ở Nhật Bản không tách như quy trình của Công ty đang làm, mà họ bọc thành từng bọc nhỏ với 80% nước muối, 20% rong nho.

So với sản phẩm cùng chủng loại của Nhật Bản, sản phẩm rong nho của anh Duy làm ra dường như được tách khô hoàn toàn nên rất thuận tiện trong việc vận chuyển. Bên cạnh đó, điểm nổi bật nữa là sản phẩm rong nho tách nước này có thể bảo quản dài, lên đến 1 năm trong điều kiện ở ngăn mát tủ lạnh.

Anh Duy giới thiệu hệ thống lọc nước ozone được Công ty đầu tư phục vụ cho chế biển sản phẩm rong nho, cũng như phục vụ nguồn nước nuôi lại. Ảnh: KS.

Anh Duy giới thiệu hệ thống lọc nước ozone được Công ty đầu tư phục vụ cho chế biển sản phẩm rong nho, cũng như phục vụ nguồn nước nuôi lại. Ảnh: KS.

Hỏi về bí quyết sản xuất sản phẩm này, anh Duy tiết lộ đó là giải pháp ngăn ngừa vi sinh. Cùng với đó, cần phải kiểm soát chặt được sản phẩm nguyên liệu đầu vào và tuân thủ quy trình nuôi rong nho, quy trình thu hoạch từ vùng trồng làm sao đảm bảo độ nắng, độ chiếu sáng, tối cũng như nhiều yếu tố khác để cho ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm khi xuất khẩu, chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ là chỉ cần thu hoạch rong nho về nhúng nước muối rồi đem bán...

Rong nho nguyên liệu chuyển về nhà máy được nuôi lại theo quy trình trước khi vớt ra chế biến, đóng gói xuất khẩu. Ảnh: KS.

Rong nho nguyên liệu chuyển về nhà máy được nuôi lại theo quy trình trước khi vớt ra chế biến, đóng gói xuất khẩu. Ảnh: KS.

Tại Công ty D&T, rong nho sau khi thu hoạch, chuyển về khu chế biến sẽ được nuôi lại trong các bể xi măng với điều kiện hoàn toàn như tự nhiên. Trong đó, nguồn nước biển phục vụ nuôi được xử lý, kiểm soát đảm bảo sạch, không có tạp chất nhờ hệ thống công nghệ lọc nước ozone được Công ty đầu tư.

Với nguồn nước này, rong nho nuôi từ 5 - 7 ngày được sống lại, trao đổi chất, hút dinh dưỡng và nhanh chóng lành vết thương (vì khi hái rong nho hay bị đứt đoạn) trước khi vớt ra đưa vào khu chế biến. Sau đó, rong được phân loại theo quy trình 6 bước để chọn ra cọng rong chuẩn, chất lượng, trước khi đưa vào công đoạn tách nước và đóng gói thành phẩm.

Để đảm bảo chất lượng, rong nho phải nuôi lại để loại bỏ tạp chất. Ảnh: KS.

Để đảm bảo chất lượng, rong nho phải nuôi lại để loại bỏ tạp chất. Ảnh: KS.

Theo anh Nguyễn Quang Duy, hiện Công ty cung cấp các dòng sản phẩm rong nho tách nước mang thương hiệu Okinawa, Vmax, rong nho sấy khô Okinawa và rong nho tươi Vmax, với tổng sản lượng trên 2.000 tấn/năm, trong đó 70% sản lượng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, để sản phẩm vào thị trường Mỹ, Công ty đã mất 4 năm quảng bá, xúc tiến thương mại và hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu. Hiện 1 kg rong nho tách nước, Công ty bán vào thị trường này với giá khoảng 12 USD.

Liên kết trồng rong nho, cùng nông dân làm giàu

Theo anh Duy, từ năm 2004, rong nho từ Nhật Bản du nhập về Việt Nam. Sau đó, Viện Hải dương học (Khánh Hòa) đã có những nghiên cứu đầu tiên về đặc tính sinh học và kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển trong phòng thí nghiệm. Đến năm 2014, Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu thành công quy trình trồng rong nho và được chuyển giao kỹ thuật để nông dân phát triển, trồng đại trà.

Sản phẩm rong nho đóng gói của Công ty D&T. Ảnh: KS.

Sản phẩm rong nho đóng gói của Công ty D&T. Ảnh: KS.

Qua nhiều năm theo dõi, anh Duy nhận thấy ở khu vực biển vùng Duyên hải miền Trung, nhất là ở Thị xã Sông Cầu (Phú Yên), Thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) và phường Ninh Hải, Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và Cà Ná (Ninh Thuận) có điều kiện thổ nhưỡng, độ mặn cao, vùng vịnh lại kín sóng nên rất phù hợp để trồng rong nho. Chất lượng rong nho trồng ở khu vực này được đánh giá không thua kém ở xứ hoa anh đào.

Trong tự nhiên, rong nho phát triển mạnh nhất vào tháng 2 đến tháng 10 hàng năm. Riêng các tháng còn lại do vào mùa mưa bão, lạnh nên rong nho kém phát triển. Nhờ phát triển diện tích rong nho theo hướng liên kết với người dân, HTX nên đến nay, Công ty của anh Duy đã có gần 100 ha vùng nguyên liệu. Trong đó 80% diện tích được liên kết gần 100 nông dân với sản lượng trung bình nhập về 8 tấn/ngày rong nguyên liệu.

Rong nho đã tạo việc làm, làm giàu bền vững cho nhiều nông dân liên kết với Công ty D&T. Ảnh: DT.

Rong nho đã tạo việc làm, làm giàu bền vững cho nhiều nông dân liên kết với Công ty D&T. Ảnh: DT.

Nông dân liên kết với Công ty sẽ được đầu tư vốn sản xuất, chuyển giao công nghệ trồng rong nho phù hợp và bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm nhằm đảm bảo nông dân có lãi, yên tâm canh tác. Trong quá trình trồng rong nho, nếu gặp bất kỳ sự cố kỹ thuật nào đều được Công ty hướng dẫn, đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.

“Hiện nông dân liên kết với Công ty trồng rong nho, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi tháng lãi từ 10 - 15 triệu/ha. Nhiều nông dân có diện tích trồng từ 2 - 3 ha, mỗi tháng thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng”, ông Duy chia sẻ và cho biết thêm, tuy rong nho lợi nhuận không bằng nuôi ốc hương, tôm hùm song giúp người trồng có thu nhập ổn định vì ít rủi ro hơn, cũng như góp phần chuyển đổi vật nuôi từ các ao nuôi tôm, ốc hương thua lỗ bị bỏ hoang.

Rong nho của Công ty D&T hiện có tiềm năng tiêu thụ rất tiềm năng tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: DT.

Rong nho của Công ty D&T hiện có tiềm năng tiêu thụ rất tiềm năng tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: DT.

Hơn nữa, rong nho có lợi thế là trồng một lần nhưng có thể cho thu hoạch kéo dài đến 2 năm. Hiện có 3 phương pháp trồng rong nho là trồng trong vỉ lưới, trong ao lót bạt và trồng đáy. Trong đó, cách trồng đáy hiệu quả nhất, cho năng suất cao gấp 3 lần so phương pháp khác (ao 5.000 m2 cho thu hoạch 3 tấn/tháng), rong nho mau bám rễ, hút chất dinh dưỡng và phát triển nhanh.

Theo cách trồng này, mỗi ha trồng khoảng 2 tấn rong giống, tức 5 kg/m2 (giá 40 ngàn đ/kg). Từ khi thả giống đến khi thu hoạch mất từ 1 - 2 tháng (tùy điều kiện) và mỗi năm thu hoạch khoảng 10 lứa, tức cứ 15 - 30 ngày thu hoạch một lứa.

Anh Nguyễn Quang Duy cho biết, dù sản phẩm rong nho của Công ty được thị trường nước ngoài đón nhận nhưng anh cũng mong sản phẩm chất lượng này được phục vụ thị trường nội địa. Do đó, hiện tại khu chế biến của Công ty anh đang mở rộng thêm mô hình kết hợp với du lịch khi du khách đến tham quan, nhằm lan tỏa sản phẩm rong nho đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.