| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ thẻ vàng EC

Thứ Tư 03/03/2021 , 10:24 (GMT+7)

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc chống khai thác IUU, góp phần gỡ thẻ vàng EC.

Thành quả khả quan

Cũng là địa phương ven biển nhưng so với những tỉnh thành khác, thì tỉnh Quảng Nam có cơ sở hậu cần nghề cá còn hạn chế. Tỉnh này có đường bờ biển tương đối dài, đội tàu khai thác thủy hải sản lên đến hơn 3.000 chiếc nhưng chỉ có 1 cảng cá chỉ định loại 2 là cảng cá An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành).

Tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc triển khai chống khai thác IUU. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc triển khai chống khai thác IUU. Ảnh: L.K.

Mặc dù vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp để phòng chống khai thác IUU, tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, trong năm 2020 vừa qua, địa phương này đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nắm rõ được các Nghị định, Thông tư, Luật Thủy sản.

Nhờ đó, các ngư dân tham gia hoạt động trên biển, đặc biệt là những tàu cá đánh bắt ở vùng khơi hiểu được mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm khai thác như xâm phạm vùng biển nước ngoài, buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với những tàu cá dài trên 15m hoạt động ở vùng khơi, ghi nhật ký khai thác…

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 735 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Tính đến nay, đã có 625 chiếc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (chiếm tỷ lệ 85%). Trong số Còn lại 110 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do các nguyên nhân: 55 tàu cá có công suất dưới 90 CV không đủ điều kiện an toàn để hoạt động vùng khơi (có 37 tàu cá đã hết hạn đăng kiểm quá 2 năm).

55 tàu còn lại do đặc thù của nghề chỉ hoạt động đánh bắt vùng lộng, chủ tàu đang làm thủ tục cải hoán để tàu hoạt động đánh bắt theo đúng vùng; tàu hoạt động không hiệu quả đang nằm bờ; tàu đang tranh chấp hoặc một số tàu đã xả bản, bán đi tỉnh khác nhưng không khai báo.

“Như vậy, nếu chỉ tính các tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, nơi giáp ranh với vùng biển nước ngoài thì có thể nói tỉnh Quảng Nam đã có 100% số tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, ông Ngô Văn Định, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam nói.

Đối với vấn đề quản lý, đến nay, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh các quy trình kiểm tra tàu cập cảng, giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, quy trình về cấp giấy xác nhận truy xuất nguồn gốc. Tính trong năm 2020, tại Cảng cá An Hòa có 200 lượt tàu thuyền qua cảng được giám sát, ghi hồ sơ. Trong đó, có 197 lượt là bốc dỡ hàng hóa, 1 lượt cấp cứu thuyền viên và 2 lượt tàu bị hỏng.

Cũng theo ông Định, trong năm 2020, sản lượng các loại hải sản qua cảng An Hòa là 3.000 tấn chủ yếu là mực xà, cá tạp, cá ngừ nhỏ (những loại không vào thị trường EU). “Còn về truy xuất nguồn gốc thì mình sẵn sàng thực hiện vì đã hoàn thiện quy trình. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì sẵn sàng làm nhưng năm vừa qua, không có doanh nghiệp lại không có nhu cầu”, ông Định thông tin.

Năm 2020, theo thông báo và phối hợp với Văn phòng kiểm soát nghề cá, tỉnh Quảng Nam đã lập biên bản làm việc 37 trường hợp vi phạm Nghị định 42 của Chính phủ. Trong đó có 11 trường hợp vượt biên giới cho phép trên biển, 26 trường hợp vi phạm mất kết nối giám sát hành trình trên biển. Do đó, năm vừa qua, tỉnh Quảng Nam không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nỗ lực khắc phục những tồn tại

Tàu câu mực khơi ở Quảng Nam chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi. Ảnh: L.K.

Tàu câu mực khơi ở Quảng Nam chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi. Ảnh: L.K.

Song song với những kết quả đạt được thì công tác chống khai thác IUU ở tỉnh Quảng Nam còn vấp phải một số hạn chế. Theo đó, do đặc thù hoạt động của tàu thuyền về cảng An Hòa chủ yếu là tàu câu mực nên đa số tàu về cảng chưa thực hiện việc bốc dỡ hàng hóa ngay mà diễn ra sau đó vài ngày.

Có những tàu cập cảng nhưng neo đậu đến 2 tháng sau mới tiến hành bốc dỡ hàng hóa.  Điều này dẫn đến công tác kiểm tra tàu cập cảng lên hàng tại cảng phải diễn ra vào 2 khoảng thời gian khác nhau.

Tại Cảng cá An Hòa, tàu thuyền về cập cảng bốc dỡ thủy sản chủ yếu là các tàu tại xã Tam Giang. Hơn nữa, toàn tỉnh chí có 1 cảng cá loại 2 là cảng cá chỉ định nên các tàu ở phía Bắc Quảng Nam thường về bán hàng ở nơi khác, còn các tàu phía Nam về bán hàng hải sản chủ yếu là các bến tư nhân tự phát, rất ít về cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản. Chính vì vậy, số lượt tàu bốc dỡ thủy sản và hàng hóa thủy sản giám sát chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng tàu cũng như sản lượng thủy sản toàn tỉnh.

“Khó khăn nữa là số cán bộ làm công tác IUU của tỉnh còn thiếu. Đa số cán bộ thực hiện nhiệm vụ là cán bộ kiêm nhiệm. Sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại Văn phòng chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, nhận thức của các chủ phương tiện tàu thuyền còn hạn chế nên một số tàu chưa chấp hành, còn vi phạm”, ông Định cho biết.

Từ những thực tế trên, trong năm 2021, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam xác định, nhiệm vụ chống khai thác IUU là quan trọng hàng đầu, vừa mang tính cấp bách, thường xuyên, lâu dài gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Tiếp tục duy trì nỗ lực thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Từ đó sẽ ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ các hành vi khai thác IUU, xây dựng phát triển hoạt động nghề cá theo hướng hiện đại, có trách nhiệm. Tại Cảng cá An Hòa sẽ phối hợp và bố trí các địa điểm làm việc để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống khai thác IUU.

Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chặt chẽ tàu khai thác thủy sản ra vào cảng cá, đảm bảo chặt chẽ đúng quy trình; từ chối bốc dỡ sản phẩm đối với những tàu cá trong danh sách vi phạm khai thác IUU được công bố và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

“Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng theo dõi ghi chép, cập nhật sản lượng, thành phần loài thủy sản, tổ chức tiếp nhận thông tin thuyền trưởng thông báo trước ít nhất 1 giờ cho Ban quản lý Cảng cá khi tàu khai thác thủy sản cập cảng bốc dỡ sản phẩm.

Ngoài ra, sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu mua thủy sản của các tổ chức, cá nhân tại cảng. Truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và danh sách tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản, cơ sở dữ liệu giám sát hành trình tàu cá để thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu”, vị Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam khẳng định.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất