| Hotline: 0983.970.780

Các cảng cá Bình Định nỗ lực khắc phục 'thẻ vàng'

Thứ Tư 24/02/2021 , 18:32 (GMT+7)

Siết kiểm soát, quản lý thủy sản và tàu thuyền hoạt động tại các cảng cá ở Bình Định là 1 trong những nỗ lực của tỉnh này nhằm khắc phục 'thẻ vàng' IUU.

Hiện các cảng cá Bình Định thu hút nhiều tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh cập cảng, bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác đưa đi tiêu thụ. Là nơi trung chuyển hàng thủy sản phân phối cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào thông qua quốc lộ 19; tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho những chuyến biển tiếp theo.

Hàng năm, lưu lượng phương tiện tàu thuyền, xe cộ, hàng hóa thủy sản thông qua cảng rất lớn. Do đó, công tác kiểm soát và quản lý hàng hóa, phương tiện và tàu thuyền hoạt động tại các cảng được Ban quản lý Cảng cá Bình Định đặt làm nhiệm vụ trọng yếu, đây cũng là nỗ lực khắc phục "thẻ vàng" IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức tốt công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng. Ảnh: Lê Khánh.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) tổ chức tốt công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, qua thời gian triển khai thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh; đến nay, phần lớn các chủ tàu cá và ngư dân đã nhận thức và chấp hành tốt việc báo trước 1 giờ trước khi tàu cập cảng và ghi nộp nhật ký khai thác, khai báo sản lượng khi vào cảng.

Đặc biệt, hầu hết ngư dân Bình Định đã hiểu được các hành vi cấm đối với tàu khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

“Trong năm 2020, sản lượng thủy sản thông qua cảng đạt 35.900 tấn. Theo đó, chúng tôi đã tổ chức tốt công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, tăng cường công tác xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản theo đúng quy định của Bộ NN-PTNT.

Đồng thời, chúng tôi đã thành lập tại mỗi cảng cá 1 tổ công tác gồm 3 người để thực hiện việc kiểm soát hàng hóa lên cảng; phân công ca trực hỗ trợ cho cho tổ xác nhận, kiểm tra thời gian hàng lên cảng, kiểm tra chủng loại để cấp giấy biên nhận hàng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp thu mua thủy sản xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản”, ông Dũng cho hay.

Các chủ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định phải cam kết khi muối cá không sử dụng hóa chất độc hại. Ảnh: Lê Khánh.

Các chủ tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định phải cam kết khi muối cá không sử dụng hóa chất độc hại. Ảnh: Lê Khánh.

Để tăng cường năng lực quản lý tàu cá xa bờ nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, Sở NN-PTNT Bình Định đã tăng cường cho Cảng cá Quy Nhơn phần mềm kiểm soát hành trình tàu cá.

Đặc biệt, trong năm 2020, Cảng cá Quy Nhơn đã đưa gần 30 hộ mua bán thủy sản tại cảng tập trung vào khu nhà phân loại cá để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Diện tích mỗi lô mua bán có chiều ngang 7m, dài hơn 80m. Trong năm 2021 này, Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn tiếp tục động viên các hộ mua bán thủy sản trang bị những chiếc bàn phân loại cá để đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ.

Trong năm 2020, UBND tỉnh cũng đã cấp cho Cảng cá Quy Nhơn thiết bị theo dõi mọi hoạt động của tàu thuyền và hoạt động mua bán thủy sản diễn ra trong cảng, đồng thời cấp cho Cảng cá Đề Gi và Cảng cá Quy Nhơn mỗi cảng 1 trạm thu phát sóng VHF để tiếp nhận thông tin các tàu cá đánh bắt trên biển.

“Hiện nay, những tàu cá đi đánh bắt trước khi vào bờ, theo quy định phải gọi điện báo cho cảng cá nơi tàu sẽ cập vào trước 1 tiếng đồng hồ. Thế nhưng EC vẫn không tin có việc trình báo của ngư dân, nên đòi các cảng cá phải có cơ sở chứng minh.

Do vậy, UBND tỉnh cấp cho các cảng cá trạm thu phát sóng VHF để chứng thực ngư dân có tuân thủ việc trình báo trước khi tàu cập cảng, đây cũng là 1 yếu tố để EC gỡ “thẻ vàng” cho mặt hàng thủy sản của Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định phân tích.

Hiện Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đã đưa gần 30 hộ mua bán thủy sản tại cảng tập trung vào khu nhà phân loại cá để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Lê Khánh.

Hiện Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đã đưa gần 30 hộ mua bán thủy sản tại cảng tập trung vào khu nhà phân loại cá để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Lê Khánh.

Cảng cá Quy Nhơn cũng rất quan tâm đến công tác vệ sinh cảng. Sau mỗi đêm các hộ mua bán thủy sản hoạt động, sáng ra, nhân viên cảng cá liền làm vệ sinh khu nhà phân loại cá. Nếu đến trưa hoạt động mua bán tiếp tục diễn ra, thì buổi chiều nhân viên cảng lại tiếp tục làm vệ sinh sạch sẽ khu nhà phân loại cá 1 lần nữa.

“Hiện nay, Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tàu cá đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chủ tàu phải cam kết trong quá trình bảo quản cá không sử dụng hóa chất độc hại. Đến nay, tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định đều tuân thủ việc khai báo, viết nhật ký khai thác.

Cả những tàu giã cào đánh bắt gần bờ hiện cũng đã thực hiện đăng ký chứ không hoạt động “lụi” như thời gian trước đây. Ngành chức năng cũng đang hướng dẫn các tàu này cách viết nhật ký khai thác, còn những tàu có chiều dài dưới 15m dù không buộc viết nhật ký khai thác nhưng phải làm báo cáo khai thác”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.