Tại Tọa đàm “Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế”, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 yêu cầu sàn thương mại điện tử, chủ của nền tảng số, nền tảng trung gian công khai đầu mối xử lý khiếu nại từ người tiêu dùng.
Ngoài ra, phải công khai danh tính người bán, minh bạch thông tin sản phẩm kinh doanh, bao gồm nguồn gốc sản phẩm, công dụng, chất lượng, thậm chí khối lượng và một số tiêu chuẩn cụ thể với nhóm sản phẩm chuyên biệt

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ảnh: MOIT.
"Luật cũng đặt ra quy định với một chủ thể khá mới, ngay cả với thế giới, đó là người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC)", bà Quỳnh Anh nói và bày tỏ, ở Việt Nam, những KOL có thể có tới hàng triệu người theo dõi. Sức ảnh hưởng của họ tới cộng đồng rất lớn.
Do đó, luật định những người này khi bán hàng phải cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm, cũng như chịu trách nhiệm với sản phẩm họ quảng cáo. Điều chỉnh này phù hợp với thực tế kinh doanh hiện nay trên các sàn thương mại điện tử.
Một điểm mới nữa của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, là việc giải quyết tranh chấp có thể thực hiện trên nền tảng số,. Thông qua các công cụ trực tuyến, kết quả xử lý được pháp luật công nhận.
Tuy nhiên, khi thương mại điện ngày càng phức tạp, người tiêu dùng tham gia giao dịch nhiều hơn, việc cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kể cả lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên nền tảng số... khó kiểm soát hơn, khó xác định vi phạm hơn. Thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch của người tiêu dùng cũng dễ bị lộ.
"Thách thức với cơ quan quản lý là nghe được tiếng nói từ người tiêu dùng về những khó khăn, trải nghiệm không tốt của họ. Điều này càng phức tạp hơn với thương mại điện tử xuyên biên giới", bà Quỳnh Anh nhận xét.
Theo lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ công cụ, nhận thức để yêu cầu doanh nghiệp thương lượng qua hình thức trực tuyến, giải quyết khi có tranh chấp.
Công tác tuyên truyền, vì thế, càng cần đẩy mạnh, thông qua các hình thức đa dạng, trên nhiều nền tảng như thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng hướng đến đối tượng là giới trẻ, những người đang đi làm.

Ông Iain Frew: 'Phát sinh trên thương mại điện tử rất khó lường'. Ảnh: MOIT.
Đồng quan điểm với bà Quỳnh Anh tại sự kiện do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 27/3, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Iain Frew cho rằng, mỗi quốc gia phải tổ chức một hệ thống không chỉ thiết lập các quyền, biện pháp bảo vệ hay tìm kiếm bồi thường, mà còn liên tục dự báo, cập nhật những thay đổi.
"Những phát sinh trên thương mại điện tử rất khó lường", ông Frew chia sẻ và nhấn mạnh thêm, rằng cần một hệ thống đủ mạnh để cả người bán lẫn người mua đều cảm thấy đang tham gia một sân chơi bình đẳng, tuân thủ luật pháp, cũng như tạo ra dư địa cho đầu tư. Nếu tích hợp được, hệ thống còn góp phần giải quyết những vấn đề về an toàn sản phẩm, hoặc thu hồi khi cần thiết.
Xác định bảo mật dữ liệu, khiếu nại về sản phẩm, lừa đảo trực tuyến... là những vi phạm có nhiều nguy cơ xảy ra, Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hôm 25/3.
Hợp tác nằm trong khuôn khổ Chương trình hội nhập kinh tế giữa Vương quốc Anh và ASEAN (EIP) được kỳ vọng sẽ là cầu nối để hai bên chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong công tác nâng cao hành vi, kiến thức pháp luật, an toàn sản phẩm, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng giám sát, thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng.
"Mỗi tháng, người dân Anh chi tới 90 tỷ bảng (hơn 110 tỷ USD) cho hàng hóa. Họ sẵn sàng như vậy vì biết họ có quyền và được bảo vệ", Đại sứ Anh đánh giá và cam kết sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và chuyên môn này để giúp Việt Nam tạo ra môi trường thương mại điện tử mà tất cả đều thấy tự tin khi tham gia.

Thương mại điện tử đang phát triển chóng mặt tại Việt Nam. Ảnh: Gleegl.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thống kê, thương mại điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng 18-25%/năm suốt thời gian qua. Quy mô thị trường năm 2024 vượt 25 tỷ USD, chiếm gần 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Sự phát triển nhanh chóng này để lại những hệ lụy. Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, nguy cơ xuất phát từ cả hai phía. Trong đó, có một phần từ việc người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân trục lợi, dẫn đến thiệt hại về vật chất, tinh thần.
"Chúng tôi khuyến khích mọi người hãy là những người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn và lắng nghe ý kiến từ cơ quan quản lý. Hãy mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình, kể cả trước những dấu hiệu vi phạm nhỏ nhất", ông Trung cho biết.
Nhìn nhận Việt Nam đang dần hình thành một vòng tròn khép kín, từ khung pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, hợp tác quốc tế và cuối cùng là xử phạt nếu phát hiện vi phạm, Phó Chủ tịch Nguyễn Quỳnh Anh hy vọng, khi giao dịch người tiêu dùng phải được bảo vệ thông tin, bao gồm thông tin cá nhân thông tin về giao dịch.
"Những vi phạm, quyết định xử phạt cần được công khai để người tiêu dùng, xã hội biết và có quyền lựa chọn trong lần tiêu dùng hay hợp tác tiếp theo", bà nêu quan điểm.
Đây cũng là cách để người tiêu dùng tự bảo vệ, cảm thấy yên tâm hơn khi tham gia giao dịch trực tuyến, cũng là công cụ răn đe cho những đối tượng đang có ý định vi phạm phải cảnh giác, tự điều chỉnh, không để xảy ra những hành vi như vậy.