Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023 là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và hướng tới kỷ niệm 27 năm ngày tái lập tỉnh Bạc Liêu (01/01/1997 - 01/01/2024).
Theo đó, ngày hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 22 đến ngày 24/12 với 9 hoạt động như Hội thảo định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tổ chức Hội thi ẩm thực về đặc sản nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu. Tổ chức không gian trình diễn các làng nghề truyền thống, trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu…
Các hoạt động của Ngày hội nhằm giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của tỉnh Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp - nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị, cải thiện thu nhập và đời sống khu vực nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong những năm qua du lịch Bạc Liêu liên tục có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, hàng năm lượng du khách tăng trung bình khoảng 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm.
Đặc biệt, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước. Trong đó, năm 2023 tỉnh Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng ĐBSCL.
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 11 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, nhiều nhất trong vùng. Ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh thì tỉnh Bạc Liêu cũng đang tập trung nghiên cứu, phát triển thêm các loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Theo ông Thiều, bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, thì các sản phẩm OCOP phục vụ cho nhu cầu mua sắm làm quà tặng của du khách cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP (33 sản phẩm đạt 4 sao và 98 sản phẩm đạt 3 sao), ngày càng đa dạng về mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu và thị hiếu của du khách.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mong rằng, cùng với định hướng tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hoá của địa phương thì các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu ngày càng lớn mạnh, lan tỏa.