| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông thôn: Làm gì để giữ chân du khách?

Thứ Ba 12/04/2022 , 14:15 (GMT+7)

Để du lịch nông thôn phát triển bền vững thì loại hình du lịch này phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của du khách và nâng cao đời sống nông dân.

Du lịch nông thôn phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của du khác. Ảnh: DMB.

Du lịch nông thôn phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của du khác. Ảnh: DMB.

Phải đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách

Ông Dương Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel, là một người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch và đã làm du lịch cộng đồng từ gần 10 năm nay.

Nói về du lịch cộng đồng, ông Bình cho biết, loại hình này xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu rồi. Trước hết, du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách tìm đến các vùng nông thôn để được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân. Thấy có nhu cầu, nhiều hộ dân ở nông thôn bắt đầu mua nệm, mua chiếu, nấu ăn để phục vụ du khách nghỉ ngơi ngay tại nhà mình.

Mô hình cứ thế lan dần ra từ nhà này sang nhà khác, địa phương này sang địa phương khác. Tuy nhiên, những cách làm du lịch cộng đồng như thế này vẫn mang tính tự phát, nông dân có gì thì phục vụ du khách như vậy, mà chưa chú trọng đầu tư những cơ sở vật chất để phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất của du khách.

Các tổ chức phi chính phủ cũng là những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Khi thực hiện những dự án xóa đói, giảm nghèo, các tổ chức này đã hướng dẫn cho nông dân làm du lịch cộng đồng. Nhưng những mô hình du lịch mà các tổ chức này thực hiện là nhằm phát triển cộng đồng chứ không phải phát triển du lịch cộng đồng. Vì thế, các mô hình cứ giông giống nhau và không làm thay đổi diện mạo của du lịch cộng đồng ở Việt Nam.

Năm 2013, sau khi về hưu, ông Bình được một tổ chức mời làm tư vấn về phát triển du lịch cộng đồng ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành du lịch, ông Bình nhận thấy muốn phát triển du lịch nông thôn, thì trước hết phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất của du khách. Bởi trước đó, khi còn làm du lịch cho các tập đoàn lớn, ông từng đưa khách xuống một số điểm làm du lịch cộng đồng nông thôn, nhưng khách đến thì không thể ở lại và không muốn đến lần hai vì những cơ sở vật chất phục vụ những nhu cầu cơ bản đều rất thiếu.

Vì vậy, khi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng ở Mai Hịch, ông Bình đặt ra yêu cầu là phải làm theo tiêu chuẩn của du lịch, đó là làm sao để du khách ăn được, ở được, ngủ được và đi vệ sinh được.

Từ yêu cầu đó, ông Bình xuống gặp người dân, chỉ cho họ cách sử dụng những nguyên vật liệu tại chỗ, có gì làm nấy, để làm chỗ ăn, nghỉ, đi vệ sinh… cho du khách, mà không cần phải mua sắm các trang thiết bị đắt tiền. Nhờ vậy, nông dân không cần mất nhiều chi phí mà vẫn xây dựng được đầy đủ cơ sở vật chất cho các nhu cầu cơ bản nhất của du khách như ăn, ngủ, vệ sinh. Và du khách cũng rất thích thú khi sử dụng nhà vệ sinh, bàn ăn, phòng ngủ… được người nông dân làm từ các vật liệu sẵn có của địa phương.

Không những thế, theo chia sẻ của ông Bình, những mô hình sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để làm du lịch cộng đồng ở Mai Hịch, còn được các chuyên gia đánh giá cao vì góp phần bảo vệ môi trường.

Nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn du lịch cần thiết, năm 2014, Mai Hịch đón được hơn 400 khách lưu trú qua đêm. Ngoài ra còn có nhiều du khách đến và đi trong ngày. Đến năm 2015 đã tăng lên hơn 2.000 khách lưu trú qua đêm.

Ông Dương Minh Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty CBT Travel.

Ông Dương Minh Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty CBT Travel.

"Khi du khách đã tìm đến và sẵn sàng ở lại qua đêm nhờ cơ sở vật chất đáp ứng được các nhu cầu ăn, nghỉ của họ, chúng tôi với nói cho người dân hiểu rằng, du khách đến đây là để được sống trong không gian văn hóa cộng đồng, trong một không gian gần gũi với thiên nhiên... Vì vậy, để giữ chân du khách và để họ quay trở lại, người dân địa phương phải có ý thức bảo tồn những không gian như vậy.

Sau khi hiểu được điều đó, người dân làm du lịch cộng đồng ở các địa phương đã có ý thức bảo tồn không gian văn hóa, không gian thiên nhiên trên cả mong đợi", ông Dương Minh Bình.

Cần chính sách cụ thể, rõ ràng

Theo ông Dương Minh Bình, người dân ở nhiều vùng nông thôn rất muốn tham gia làm du lịch cộng đồng với mục đích lớn nhất là cải thiện thu nhập.

Thực tế cho thấy ở những nơi làm du lịch nông thôn thành công, ngoài thu nhập từ nông nghiệp, người dân tham gia mô hình này đã có thu nhập từ du lịch với nguồn thu có thể gấp tới hàng chục lần so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Do đó, nhiều người dân nông thôn đang rất muốn tham gia làm du lịch nông thôn, thậm chí họ sẵn sàng bán trâu bò, vay mượn tiền để làm.

Vì vậy, để phát triển du lịch nông thôn, thì mục tiêu hàng đầu phải là phát triển sinh kế cho người nông dân.

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phương Hà.

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phương Hà.

Chính vì vậy, để thu hút được người dân nông thôn tham gia làm du lịch cộng đồng, cần có những chính sách cụ thể, rõ ràng, nhất là chính sách hỗ trợ vốn vay để họ có kinh phí đầu tư cho mô hình này. Chính sách cũng nên xây dựng theo hướng kích thích người dân nông thôn sẵn sàng bỏ tiền túi ra để đầu tư, tham gia làm du lịch nông thôn bởi họ chính là người hưởng lợi từ mô hình.

TS Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng, để du lịch nông thôn phát triển được bền vững, rất cần một chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, tức là từ Chính phủ, các Bộ, ngành tới các địa phương. Chính sách không chỉ cần sự thống nhất mà cần đưa ra những giải pháp cụ thể, càng cụ thể càng tốt. Những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn cần chú trọng hỗ trợ về về tập huấn, đào tạo để bà con nâng cao kiến thức, năng lực tham gia làm nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó là hỗ trợ về mặt quảng bá, nhất là ứng dụng kỹ thuật số vào công tác quảng bá, bởi đây đang là khâu yếu nhất của du lịch nông thôn.

"Tôi đã từng đi tham quan, học hỏi mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hàn Quốc. Một hợp tác xã làm du lịch nông thôn ở đây có liên kết chặt chẽ với các hãng lữ hành và chính quyền địa phương. Mỗi tuần, các hãng lữ hành đưa du khách xuống hợp tác xã làm du lịch nông thôn vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần. Khi khách xuống, hợp tác xã có hệ thống xe buýt miễn phí chở khách tới các điểm du lịch cộng đồng. Nếu khách nhiều, họ sẽ đưa tới những điểm có sức chứa lớn, khách ít sẽ đưa tới những điểm có sức chứa nhỏ hơn. Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối du khách sao cho hợp lý nhất.

Với kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hàn Quốc và nhiều nước khác, tôi cho rằng du lịch nông thôn phải phát triển theo hướng hình thành một chuỗi giá trị, với sự tham gia của người làm du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương và hãng lữ hành. Theo đó, chính quyền tìm những giải pháp phát triển hơn nữa du lịch tại địa phương, hãng lữ hành nghĩ cách xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng thú vị hơn, và người làm du lịch cộng đồng bỏ công sức để điểm du lịch của mình ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách".

TS Ngô Thị Thu Trang

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.