| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông thôn, lợi thế của vùng đất nắng gió Ninh Thuận

Thứ Hai 31/07/2023 , 12:11 (GMT+7)

Phát triển du lịch nông thôn là giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện còn gặp nhiều khó khăn…

Vùng đất đầy tiềm năng du lịch

Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị của Ninh Thuận, có vai trò quan trọng trong xu thế hội nhập.

Du lịch tham quan, trải nghiệm vườn nho là thế mạnh của Ninh Thuận. Ảnh: PV.

Du lịch tham quan, trải nghiệm vườn nho là thế mạnh của Ninh Thuận. Ảnh: PV.

Xác định là vậy, nhưng hiện nay tiến độ phát triển du lịch nông thôn ở Ninh Thuận vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Trước thực tế trên, với mục tiêu thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển hiệu quả, trong những năm gần đây, Ninh Thuận đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chính sách về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Ninh Thuận được đánh giá là tỉnh có nhiều loại hình phát triển du lịch đang phát triển, tập trung 4 loại hình: Du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hai loại hình du lịch gắn với phát triển nông thôn mới.

Ví như huyện Bác Ái có làng du lịch sinh thái dân tộc Bố Lang, thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình, Làng sinh thái dân tộc Raglai thôn Hành Lạc thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình. Huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm cổ Bầu Trúc và Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Huyện Ninh Hải có Làng du lịch thôn Vĩnh Hy, du lịch thôn Cầu Gãy và du lịch vườn nho Thái An xã Vĩnh Hải…

Hơn 10 năm trở lại đây, du lịch nông thôn đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ dân ở một số làng quê nông thôn, miền núi; góp phần thúc đẩy du lịch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ninh Thuận được ghi nhận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Kinh, Chăm và Raglai... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa. Khí hậu ở Ninh Thuận có đặc thù ít mưa, nhiều nắng, là một lợi thế tự nhiên để có được những loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao và trở thành đặc sản của địa phương như nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây xanh, nha đam...

Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: PV.

Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: PV.

Những vùng trồng đặc sản nói trên gắn với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao như Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa. Dọc chiều dài 105km bờ biển Ninh Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đã nổi tiếng từ lâu như bãi tắm Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, bãi Thùng, bãi Hỏm, Mũi Dinh và Nam Cương...

Trong đó, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Vườn Quốc gia Núi Chúa là 1 trong 11 vùng sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2021. Đây là những yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng để quảng bá, tạo sức lan tỏa cao làm nền tảng cho du lịch phát triển nói chung và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông thôn nói riêng.

Những việc cần làm để “kích” du lịch nông thôn

Ngành chức năng Ninh Thuận đặt mục tiêu khai thác hết tiềm năng nói trên để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, vướng mắc thì nhiều, nhưng đầu tiên là số lượng lao động tham gia du lịch nông thôn ở Ninh Thuận không nhiều, chỉ với quy mô nhỏ lẻ. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn thì chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa được tổ chức bài bản. Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương còn nghèo nàn, chưa có bản sắc, hấp dẫn.

Thế nhưng khó khăn nhất vẫn là việc chuyển quy hoạch sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang loại hình khác. Ngoài ra, một số vùng nông thôn tuy đã có quan tâm đến cảnh quan môi trường, song vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để, trong khi đây là yếu tố tiên quyết thu hút khách du lịch.

Làng gốm cổ Bàu Trúc hàng ngày đón rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: PV.

Làng gốm cổ Bàu Trúc hàng ngày đón rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: PV.

Theo ông Đặng Kim Cương, để phát triển du lịch nông thôn, Ninh Thuận cần đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, nước, mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và đặc biệt là tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang triển khai.

Đồng thời nâng cao sức hấp dẫn của các điểm, khu du lịch vùng nông thôn bằng cách hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất để khai tốt lợi thế của từng khu vực, để vừa tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, vừa tạo ra hệ thống các điểm đến có sự khác biệt, đa dạng, đáp ứng nhu cầu khám phá cái mới của khách tham quan. Trong đó, chú trọng hơn các dịch vụ hướng dẫn để du khách trải nghiệm quá trình sản xuất nông nghiệp như một sản phẩm phục vụ du lịch.

Đẩy mạnh khuyến khích phát triển đầu tư các homestay tại các điểm du lịch nông thôn nhằm đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn du lịch tại chỗ ở các địa phương có điểm du lịch nông thôn, triển khai tổ chức và nhân rộng mô hình điểm hoạt động hiệu quả.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTT Ninh Thuận cho hay, Ninh Thuận tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh để phát huy du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.