| Hotline: 0983.970.780

Du lịch nông thôn ở miền sơn cước Bình Liêu

Thứ Tư 02/02/2022 , 06:44 (GMT+7)

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, cùng nhiều nét văn hoá truyền thống còn được lưu giữ, Bình Liêu là điểm đến thu hút du khách bốn phương tới khám phá.

Bức tranh du lịch đầy màu sắc 

Du khách nước ngoài được trải nghiệm gặt lúa tại xã Lục Hồn (Bình Liêu). Ảnh: Nguyễn Thành.

Du khách nước ngoài được trải nghiệm gặt lúa tại xã Lục Hồn (Bình Liêu). Ảnh: Nguyễn Thành.

Dưới mái hiên nhà văn hóa xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được xây theo cấu trúc nhà sàn dân tộc, là những người phụ nữ Dao đang miệt mài thêu nên trang phục dân tộc mình. Vây quanh là hàng chục ánh mắt tò mò của khách du lịch, họ vừa thích thú vừa trầm trồ trước những đường kim, mũi chỉ nhìn tưởng chừng rất đơn giản, nhưng tạo nên nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây.

Xa xa, tiếng đàn tính, tiếng hát của các chị, các cô thuộc CLB văn nghệ xã vang lên thu hút sự chú ý của du khách. Từng nhịp nhạc như "dắt díu" người nghe đến với bức tranh du lịch đa màu sắc của mảnh đất Bình Liêu thơ mộng.

Bà Lèo Thị Lường, chủ nhiệm CLB Văn nghệ xã Hoành Mô chia sẻ, những làn điệu âm nhạc đặc trưng của bà con dân tộc với chủ đề ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước vừa giới thiệu về các danh thắng ở Bình Liêu, đã tạo nên sự thích thú với du khách khi đến trải nghiệm văn hóa nơi đây.

Để thêm phần "gia vị" vào "món ăn" du lịch, phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu đã được đưa vào các lễ hội, các chương trình tuần văn hóa - thể thao. Chị em dân tộc Sán Chỉ mặc váy đến đầu gối, chân đi tất, đầu quấn khăn mấn truyền thống ra sân thi đấu như những cầu thủ bóng đá thực thụ đã tạo nên sự hấp dẫn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm ở Bình Liêu. Tiếng hò hét cổ vũ, tiếng cười nói vui vẻ xen lẫn sự ngạc nhiên, thán phục trước kỹ thuật cũng như các pha bóng xuyên suốt trận đấu.

Bình Liêu có nhiều nét văn hoá truyền thống đa dạng và độc đáo như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bình Liêu có nhiều nét văn hoá truyền thống đa dạng và độc đáo như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày. Ảnh: Nguyễn Thành.

Được biết, những tour du lịch sẵn sàng kết nối các trận cầu giao hữu giữa khách du lịch và CLB bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ, từ đó tạo nên những trận bóng hấp dẫn, thú vị không kém gì các giải đấu hàng đầu làng túc cầu.

Đặc biệt, điểm nhấn ấn tượng trên bản đồ du lịch huyện Bình Liêu không thể không nhắc đến những thửa ruộng bậc thang, khi vào mùa lúa chín được ví như những “tấm thảm vàng” trải dài trên các sườn đồi, sườn núi. Du khách đến với Bình Liêu vào mùa gặt sẽ được "tắm mình" trên những thửa ruộng, tay cầm liềm gặt lúa như những người nông dân thực thụ. Đối với du khách thành thị và nhất là du khách nước ngoài, trải nghiệm này mang đến sự thích thú, những tràng cười giòn giã, ở đó, họ tận hưởng niềm vui lao động khi cầm thành quả là những khóm lúa vàng óng, nặng trũi trên tay.

Và còn rất nhiều điều mới mẻ ở Bình Liêu đang chờ du khách đến khám phá, tận hưởng, bởi nơi đây cảnh sắc còn quá đỗi hoang sơ, chưa bị mổ xẻ, bê tông hóa nhiều như những vùng du lịch khác. Có thể nói, miền sơn cước Bình Liêu là một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình, trải dài trên các dãy núi trập trùng, xanh thẫm là những cánh rừng hồi, rừng quế ngát hương thơm, sự xao xuyến như níu giữ khách thập phương dù cho đó có là người khó tính nhất.

Là huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu nổi tiếng với cảnh sắc đặc trưng, riêng có. Tuyến đường hành lang biên giới cùng với hệ thống cột mốc, cửa khẩu là những điểm đến quan trọng khi du khách muốn khám phá những dấu mốc thiêng liêng của tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, Bình Liêu còn có nhiều lợi thế về phong cảnh miền núi với vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vĩ của các khu di tích, danh thắng như núi Cao Xiêm, thác Khe Vằn...

Với 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Liêu có những nét văn hoá truyền thống đa dạng và độc đáo. Các giá trị truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát huy, như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà, hội hát Sán cố của người Dao...

Du lịch nông thôn cần quy hoạch và bền vững

Đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt Đề cương và dự toán Đề án phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu đến năm 2030. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để huyện tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch thông qua việc lựa chọn các điểm, tuyến du lịch trọng điểm.

Tuy nhiên, để du lịch Bình Liêu trở nên tròn trịa hơn, hoàn thiện hơn, cần rất nhiều sự đổi thay trong cách làm, cách duy trì ngành công nghiệp không khói này. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu, các mô hình làm du lịch nông thôn chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển mang tính chất tự phát. Theo đó, có nhiều hình thức tổ chức du lịch nông thôn như hộ gia đình tự đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ du lịch, phổ biến là các homestay với việc thu hút du khách lưu trú tại gia đình để trải nghiệm nếp sống, văn hoá và ẩm thực cùng bà con.

HTX Hoa Bình Liêu (xã Hoành Mô) đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thành

HTX Hoa Bình Liêu (xã Hoành Mô) đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thành

Theo bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du Lịch Hà Nội, Bình Liêu hiện là điểm điến mới lạ đối với du khách ngoại tỉnh nhờ giữ được nét hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên cùng môi trường không khí trong lành. Khách du lịch luôn có cảm giác thích thú khi được trải nghiệm khung cảnh cũng như thưởng thức món ăn đặc trưng bản địa như miến dong, gà bản...

"Bên cạnh lợi thế về cảnh sắc, huyện còn có hệ thống giao thông thuận lợi nhờ gần sân bay, các tuyến đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nên dễ dàng đón khách du lịch thập phương", bà Ngần chia sẻ.

Tuy nhiên, là một người làm du lịch lâu năm, theo bà Ngần, dịch vụ du lịch ở Bình Liêu vẫn chưa được đồng bộ và mang tính chất tự phát, chưa đạt yêu cầu về cơ sở lưu trú, các công trình công cộng. Ngoài ra, các homestay xây dựng vẫn chưa mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây. "Một khi cải thiện được các vấn đề đó, tôi tin rằng thời gian tới, sẽ càng có nhiều khách du lịch tìm đến Bình Liêu, không chỉ một lần mà còn quay lại thêm nhiều lần nữa", bà Ngần nhấn mạnh.

Ông Vi Ngọc Nhất, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu cho biết, huyện đã có các chính sách để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ tại các điểm du lịch, trước mắt là hạ tầng thiết yếu như bãi đỗ xe, điểm dừng chân, các cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường. Vì đây là những yếu tố quan trọng để du khách có được trải nghiệm tốt nhất khi "gặp gỡ" Bình Liêu. Từ đó, từng bước tạo đà đầu tư, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, tạo nguồn thu ngân sách cho huyện và người dân. 

Một ngày nào đó, trong tương lai gần, Bình Liêu sẽ khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trở thành một điểm đến với những nét đặc trưng, riêng có chứ không còn mang trên mình cái mác "Sapa thu nhỏ" như nhiều người vẫn thường kháo nhau. Bình Liêu sẽ chỉ là Bình Liêu, miền sơn cước hữu tình của vùng đất mỏ Quảng Ninh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, huyện tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cũng như đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển du lịch. Mặc dù vẫn chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Bình Liêu luôn chủ động kịch bản cũng như các phương án đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi trong trạng thái bình thường mới.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.