| Hotline: 0983.970.780

Công viên hoa trên đỉnh núi biên giới

Thứ Năm 04/11/2021 , 11:25 (GMT+7)

QUẢNG NINH Anh Nguyễn Thanh Hải đã xây dựng công viên hoa Cao Sơn trên vùng núi Cao Ly (huyện Bình Liêu) góp phần thay đổi diện mạo miền sơn cước, thu hút khách du lịch.

'Đã nói là làm, đã làm phải thành công'

Nguyễn Thanh Hải vốn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày ấy, cầm tấm bằng kỹ sư trong tay, chàng thanh niên đất mỏ quyết định không theo đuổi lĩnh vực công nghệ mà chọn kết duyên với nghề trồng hoa. Khởi nghiệp chỉ có đôi bàn tay và sức lao động, toàn bộ vốn liếng anh Hải có là niềm đam mê và tình yêu với hoa cỏ.

Đến năm 2012, vườn hoa Hà Trang của chàng kỹ sư trẻ từ đó ra đời ngay chính tại mảnh đất quê hương. Đây cũng là cơ sở đầu tiên để anh thỏa mãn niềm đam mê của mình, cũng như nuôi dưỡng ý định thành lập một vườn hoa có "một không hai" ở Quảng Ninh.

Lan vũ nữ là sản phẩm chủ lực của HTX Hoa Bình liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lan vũ nữ là sản phẩm chủ lực của HTX Hoa Bình liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đầu năm 2019, giữa núi rừng biên giới xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, trang trại rộng 1,8 ha chuyên về giống hoa của anh Hải được xây dựng. Kể về quá trình lựa chọn nơi đây làm "đại bản doanh", anh Hải vui vẻ kể: Anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu các vùng đất khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Được người quen giới thiệu đến vùng đất Cao Sơn, anh đã phải vắt tay lên trán suy nghĩ suốt 3 tháng. Nghĩ đến cảnh xa vợ xa con để lập nghiệp ở một địa điểm mới khiến anh trằn trọc bao đêm. Cuối cùng, được gia đình ủng hộ, anh đã đưa ra quyết định chọn nơi đây để xây dựng mơ ước của mình. 

Chia sẻ về những khó khăn thời gian đầu, anh Hải cho biết từ những ngày đầu, đã xác định nhân công của mình sau này sẽ dựa hoàn toàn vào nguồn nhân lực của địa phương. Thế nhưng, cái khó ở đây là bà con vốn chỉ quen với nghề đi rừng, chưa được tiếp cận với kỹ thuật trồng hoa đòi hỏi nhiều yếu tố đặc thù.

Với phương châm "nói là làm, đã làm phải thành công", anh Nguyễn Thanh Hải đã cùng cán bộ nông nghiệp địa phương lập kế hoạch, khảo sát vị trí và lên phương án triển khai dự án Vườn hoa Cao Sơn thuộc HTX Hoa Bình Liêu, theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Kết hợp trồng hoa với du lịch sinh thái

Xây dựng trên tổng diện tích 1,8 ha, vườn hoa Cao Sơn được trồng phong phú các loài hoa như dạ yến thảo, hoa hồng, hoa lan... cùng hệ thống tưới nước tự động hiện đại. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư cơ sở vật chất để khách du lịch có thể đến ngắm cảnh và thoải mái "check-in", thưởng thức vẻ đẹp hòa quyện giữa hoa và đất trời nơi đây. Ước tính đầu tư tới thời điểm hiện tại doanh thu đã chạm ngưỡng 10 tỷ đồng. 

HTX Hoa Bình Liêu là điểm nhấn về du lịch sinh thái ở vùng rẻo cao Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

HTX Hoa Bình Liêu là điểm nhấn về du lịch sinh thái ở vùng rẻo cao Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhờ áp dụng công nghệ làm vườn của Đài Loan, cộng với sự mày mò tự nghiên cứu, tự thử nghiệm của anh Hải, vườn hoa ngày càng phát triển, nổi bật nhất là hoa lan vũ nữ. Từ 8.000 giò lan ban đầu, đến nay vườn hoa Cao Sơn đã có 17.000 chậu lan thành phẩm và 25.000 chậu lan giống, trong đó có gần 10.000 chậu thành phẩm và 23.000 cây giống được nhân trực tiếp tại vườn. 

Lan vũ nữ thường được thu hoạch theo dạng cắt cành, được trồng tại khá nhiều nơi ở miền Bắc. Thế nhưng, để hoa phát triển đúng tiêu chuẩn (chiều cao ngồng hoa trên 70 cm, tối thiểu 5 nhánh hoa phụ, bông hoa to, nở quanh năm) thì lại yêu cầu nhiều yếu tố đặc biệt liên quan đến thổ nhưỡng, khí hậu.

Do đó, theo nghiên cứu của những người trồng lan, khu vực núi Cao Ly (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) là một trong 3 địa điểm thích hợp nhất (cùng với Sapa và Tam Đảo) để trồng và phát triển loại lan vũ nữ theo hướng thương mại.

Tuy nhiên, tại Sapa, khí hậu mùa đông thường quá buốt giá, có lúc lại có tuyết, trong khi Tam Đảo không còn nhiều diện tích đất nông nghiệp đủ để mở rộng trang trại, vì thế, tiềm năng để phát triển lan vũ nữ tại khu vực núi Cao Ly là rất lớn.

Nhờ áp dụng công nghệ làm vườn của Đài Loan, cộng với sự mày mò tự nghiên cứu, thử nghiệm của anh Hải, vườn hoa ngày càng phát triển, nổi bật nhất là hoa lan vũ nữ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhờ áp dụng công nghệ làm vườn của Đài Loan, cộng với sự mày mò tự nghiên cứu, thử nghiệm của anh Hải, vườn hoa ngày càng phát triển, nổi bật nhất là hoa lan vũ nữ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ được chuyển giao từ các chuyên gia Đài Loan, các chuyên gia trồng hoa của Đà Lạt và kinh nghiệm của bản thân, anh Hải đã áp dụng kỹ thuật riêng cho khu vườn của mình.

Giá thể trồng lan của anh là sự pha trộn 80% đá dăm, 20% vỏ thông trên mặt; sử dụng phân chậm tan chu kỳ 6 tháng, ngoài ra, dùng phân bản địa như phân dê, kết hợp với phân bón lá 2 tuần/lần để hoa đạt chất lượng tốt hơn, màu sắc tươi hơn.

Không chỉ thuê đất của người dân, anh Hải thuê luôn cả người dân bản địa để làm công nhân cố định tại trang trại. Từ những người bấp bênh với cuộc sống còn nghèo, giờ đây không chỉ có thu nhập ổn định với mức lương khá từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, họ còn được học hỏi, chuyển giao công nghệ trồng hoa.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết, HTX Hoa Bình Liêu đã tạo cho địa phương một sản phẩm du lịch mới, có tính bền vững, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Đồng thời, đây cũng là mô hình góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Theo đó, giá vé tham quan vườn hoa là 30.000 đ đối với người lớn và miễn phí cho trẻ em. Thời điểm chưa bùng dịch Covid-19, có những ngày công viên hoa đón 1500 khách du lịch thập phương. 

Không chỉ xây dựng công viên hoa trên đỉnh núi biên giới, để những người yêu hoa không ngần ngại vượt hàng chục, hàng trăm cây số đường núi đến thưởng thức, chụp ảnh, HTX Hoa Bình Liêu còn đem đến cho nơi đây làn gió tươi mới, đưa người dân tiếp cận với cách làm dịch vụ, du lịch sinh thái.

Nhờ đó, đem đến việc làm ổn định cho nhiều lao động, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ xung quanh nâng cao thu nhập khi cung ứng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như ăn uống, nghỉ dưỡng… góp phần quan trọng giúp giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số của địa phương. 

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.