| Hotline: 0983.970.780

Dữ liệu quốc gia sẽ tối thiểu chi phí, tối đa tiện ích cho nông dân

Thứ Sáu 19/01/2024 , 12:09 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tích hợp dữ liệu ngành nông nghiệp vào dữ liệu dân cư quốc gia sẽ giúp người nông dân tối thiểu được chi phí, tối đa được tiện ích.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra những thuận lợi của dữ liệu dân cư quốc gia khi làm việc với Bộ Công an về Đề án 06. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ra những thuận lợi của dữ liệu dân cư quốc gia khi làm việc với Bộ Công an về Đề án 06. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 19/1, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công an tổ chức hội nghị phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, dữ liệu dân cư sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị quốc gia và khi tích hợp được các dữ liệu của ngành nông nghiệp, sẽ giúp giảm chi phí, tăng tiện ích cho người nông dân trong hoạt động sản xuất hàng ngày.

Về góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, khi có những dữ liệu này thì các thông tin đang mù mờ sẽ trở nên minh bạch, dễ quản lý.

Trao đổi với Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu ra 5 vấn đề cần triển khai, giải quyết. Đầu tiên là các cơ sở pháp lý, thứ hai là hạ tầng công nghệ, tiếp theo là dữ liệu, bảo mật và cuối cùng con người.

“Với đặc điểm vừa tập trung, vừa phân tán của ngành nông nghiệp cần có kế hoạch tổng thể của Bộ, dựa trên 5 vấn đề nêu trên và có thể thành lập tổ công tác về vấn đề này”, lãnh đạo Bộ Công an chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, việc tích hợp dữ liệu có thể hỗ trợ ngành nông nghiệp quản lý thuận lợi, hiệu quả hơn, ví dụ như trong đánh bắt thủy hải sản, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được thông tin của thuyền trưởng, thuyền viên, chủ tàu khi họ hoạt động trên biển.

Liên quan vấn đề triển khai, đánh giá những vướng mắc hiện nay của Bộ NN-PTNT cũng tương tự các Bộ, ngành khác, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất cần lên danh sách ưu tiên và xác định những gì đã có thì tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị, địa phương, phân cấp, phần quyền để đảm bảo được thông suốt, bảo mật.

Chia sẻ về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an, ông Vũ Văn Tấn nói, mục tiêu hàng đầu là kết nối được dữ liệu chuyên ngành về nông nghiệp với dữ liệu dân cư quốc gia.

Sau khi đấu nối, hệ thống định danh, dữ liệu có sẵn sẽ hỗ trợ được Bộ NN-PTNT rất nhiều trong công tác quản lý các nghề nghiệp liên quan.

“Hiện nay, thành viên tổ công tác của Đề án 06 đã được phân cấp đến tận xã nên sẽ có những dữ liệu sống, cập nhật ngay khi có sự thay đổi ở cơ sở. Ví dụ, khi ngư dân không đi biển nữa sẽ được thay đổi ngay trên hệ thống giúp kiểm soát, quản lý được thuận lợi, theo đúng thời gian thực”, Phó Cục trưởng Vũ Văn Tấn nói.

Tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai, tạo đường kết nối liên thông hai chiều giữa hệ thống máy chủ của Bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình; rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thông tin phải kê khai khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Điều chỉnh kỹ thuật đối với các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất nhu cầu khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung; và lộ trình áp dụng dịch vụ công trực tuyến có kết nối, tự động xác thực các trường thông tin trong khai e-form của ứng dụng dịch vụ công.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.