| Hotline: 0983.970.780

Vá 'lỗ hổng' dữ liệu phòng, chống thiên tai

Chủ Nhật 10/12/2023 , 09:45 (GMT+7)

Hệ thống quan trắc của Bình Dương vẫn hạn chế về số lượng điểm, tần suất, thông số quan trắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo.

Là tỉnh công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh, mạng lưới thủy văn phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với Bình Dương. Xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, địa phương này đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo.

Biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, từ năm 2012, Bình Dương đã ban hành Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường gồm các thành phần nước mặt, trầm tích đáy, nước dưới đất, không khí, đất, nước thải và thủy văn. Đồng thời, hiện đại hóa công nghệ quan trắc nhằm đánh giá đúng các rủi ro thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do chủ động phòng chống và phòng chống đúng mức.

Đến nay, hệ thống quan trắc tự động của tỉnh Bình Dương tương đối hoàn chỉnh với 4 trạm quan trắc nước mặt; 55 trạm quan trắc nước dưới đất; 2 trạm thủy văn; 109 trạm quan trắc nước thải tự động; 38 trạm quan trắc khí thải tự động... Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã thực hiện 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành về ứng phó biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải và bảo vệ môi trường.

Việc triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc nâng cao năng lực dự báo cảnh báo thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Việc triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc nâng cao năng lực dự báo cảnh báo thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, đối với 3 con sông lớn Đồng Nai, Thị Tính và Sài Gòn chảy qua địa phận của tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng và vận hành 3 trạm thủy văn hạng 3 trên sông. Đồng thời, ban hành phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, ban ngành đã xây dựng quy chế hoạt động, nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Nhìn chung, hệ thống quan trắc đã thu thập được khối lượng lớn thông tin dữ liệu của nhiều thành phần, tạo lập được một hệ thống cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ, phục vụ đắc lực nhu cầu phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu”, ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, so với mạng lưới quan trắc của các nước trên thế giới và yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong tình hình mới, hệ thống mạng lưới quan trắc của Bình Dương vẫn còn hạn chế về số lượng điểm, tần suất, thông số quan trắc, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dữ liệu phục vụ công tác công bố thông tin, dự báo, cảnh báo.

Một số trang thiết bị quan trắc hiện đại được đưa vào vận hành từng bước phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Ảnh: Trần Trung.

Một số trang thiết bị quan trắc hiện đại được đưa vào vận hành từng bước phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Ảnh: Trần Trung.

Cụ thể số lượng, quy mô và mật độ các trạm/điểm quan trắc tự động, liên tục và định kỳ còn thưa, chưa được đầu tư đồng bộ; thông số và tần suất quan trắc chưa được cập nhật, bổ sung đầy đủ theo quy định hiện hành nên sẽ không phản ánh được kịp thời bức tranh về hiện trạng và diễn biến biến đổi khí hậu.

Để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung, thiên tai nói riêng, Bình Dương đã điều chỉnh quy hoạch mạng lưới quan trắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở kế thừa và chọn lọc mạng lưới quan trắc hiện hữu.

Tỉnh cũng điều chỉnh và đề xuất các điểm quan trắc mới, với tần suất và thông số quan trắc phù hợp quy chuẩn pháp luật hiện hành, đáp ứng nhu cầu quản lý và chia sẻ thông tin liên vùng, hỗ trợ các ban ngành khác trong công tác lập quy hoạch ngành, đánh giá và dự báo diễn biến tình hình biến đổi khí hậu theo các quy hoạch mới.

Đoàn công tác ngành thủy lợi và tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương khảo sát xây dựng thêm các điểm đặt thiết bị quan trắc. Ảnh: Trần Trung.

Đoàn công tác ngành thủy lợi và tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương khảo sát xây dựng thêm các điểm đặt thiết bị quan trắc. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, mạng lưới quan trắc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 có một số điều chỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bổ sung 21 vị trí mới; giai đoạn 2026-2030 bổ sung 8 vị trí mới. Các vị trí bổ sung vào mạng lưới quan trắc chủ yếu do thay đổi quy hoạch định hướng về kinh tế - xã hội của tỉnh, đánh giá sự tác động biến đổi khí hậu, các khu vực đầu tư mới cần có dữ liệu quan trắc nền để đánh giá mức tác động trong giai đoạn tiếp theo.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Chính sách tốt sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sinh học

Để công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.