| Hotline: 0983.970.780

Dưa lưới sạch ở vùng biên giới

Thứ Ba 05/03/2019 , 14:10 (GMT+7)

Trải qua nhiều công việc không ổn định, nhưng khi “bén duyên” với cây dưa lưới, anh Nguyễn Văn Đệ ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (An Giang) đã thành công.

Hơn 4 năm đưa cây dưa lưới về vùng biên giới, anh Đệ đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc và mở ra hướng mới cho nông nghiệp địa phương và đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho chính mình.

08-50-34_nh_1_nh_de_ben_vuon_du_luoi_trong_theo_vietgp_chun_bi_thu_hoch
Anh Đệ bên vườn dưa lưới chuẩn bị thu hoạch

Anh Đệ kể, năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành Nông học, anh đã mưu sinh với nhiều nghề không đúng chuyên môn nên không có kết quả tốt. Với anh, những kiến thức được học, trau dồi trên ghế nhà trường là cơ sở để anh quyết tâm dấn bước theo nghề đã chọn.

“Trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng tôi vẫn thấy tiếc nuối một cái gì đó, bởi những gì mình được học giờ đây không có cơ hội phát huy. Từ đó, tôi quyết định về vùng biên giới khởi nghiệp nhằm thỏa đam mê với nghề nông", anh Đệ nói.

Khoảng năm 2014, anh Đệ thế chấp đất của gia đình vay ngân hàng 500 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Để chuẩn bị tốt cho quá trình SX, ngoài kiến thức trên ghế nhà trường anh đã đi tham quan khắp nơi, tìm những người khởi nghiệp thành công học hỏi rút kinh nghiệm. Và anh để ý thấy dưa lưới có triển vọng phát triển mạnh, phù hợp với cách làm nông nghiệp sạch mà anh ấp ủ lâu nay.

Theo anh Đệ, do không yên tâm về đầu ra sản phẩm dưa lưới nên lúc đầu anh chỉ trồng khoảng 2.700 gốc/1.000m2 trong nhà màng. Tuy đã có bước chuẩn bị khá kỹ nhưng lúc thí điểm anh rất lo lắng, đặc biệt là khi dưa bị nứt. Sau khi tìm hiểu kỹ thì đây là giai đoạn nứt trái để tạo lưới nên yên tâm. Với nhiều hộ không biết đây là giai đoạn phát triển của trái tưởng bị hư, nhổ bỏ trồng lại sẽ rất phí. Không chỉ có giai đoạn này, mà cả chu kỳ phát triển cũng phải được nghiên cứu kỹ sau cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đề ra quy trình SX cơ bản và hiệu quả nhất.

Vụ đầu thành công, dưa lưới được tiêu thụ nhanh đã tạo tiền đề để anh mở rộng quy mô SX. Sau 2 năm anh Để đã trả hết nợ và có lời. Nối tiếp thành công, anh nâng dần diện tích nhà lưới lên 2.500 m2, trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan. Anh cũng tự nghiên cứu hoàn thiện quy trình SX để đưa cho nông dân, trong đó bà con phải cam kết thực hiện đúng quy trình để dần tạo nên một chuỗi SX khép kín cho ra sản phẩm an toàn.

Anh Đệ cũng trực tiếp đứng ra làm đầu mối mua phân bón chia lại cho nông dân trong chuỗi. Vì theo anh, khi đó sẽ mua số lượng lớn vật tư nông nghiệp, được chiết khấu nhiều, số tiền này anh thành lập quỹ nhằm chia sẻ rủi ro với những người thất bại.

08-50-34_nh_2_mo_hinh_trong_du_luoi_cu_nh_de_moi_nm_dem_li_nguon_thu_hng_trm_trieu_dong
Mô hình trồng dưa lưới của anh Đệ lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Anh Đệ tính toán chi phí giống, chất dinh dưỡng, nhân công khoảng 45 triệu đồng/1.000m2, còn nhà lưới thì 5 năm sau mới bảo trì nên bảo đảm người liên kết SX sẽ có lời. Những nông dân tham gia với anh sẽ được thu mua lại trái với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, bảo đảm lời trên 35 triệu đồng/vụ/1.000m2. Nhãn hiệu dưa Mr.Đệ cũng được ngành chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, SX theo tiêu chuẩn VietGAP, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.HCM và dần mở rộng ra tận miền Trung, miền Bắc.

Anh Đệ cho biết, cái khó hiện nay là thuyết phục bà con chuyển từ SX truyền thống sang hiện đại. Để thay đổi tư duy SX, anh đã cử kỹ thuật viên xuống theo dõi hỗ trợ nhằm bảo đảm bà con thực hiện đúng quy trình. Khi trồng có lời, bà con tin tưởng hợp tác sẽ đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững.

Đến nay, anh Đệ đã liên kết với 6 nông dân tại Cà Mau, An Giang trồng dưa lưới với tổng diện tích khoảng 1ha. Anh phấn đấu trong năm nay sẽ nâng tổng diện tích liên kết khoảng 2ha tại Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ. Song song đó là khẩn trương thí nghiệm trồng dưa hấu an toàn tiến tới hoàn thiện quy trình chuyển giao cho nông dân, ngoài ra còn thực nghiệm trồng thêm cà chua tí hon, dưa lê để đa dạng sản phẩm.

 

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.