Ngư dân thì chỉ biết chài lưới
“Nếu biết lên bờ có cuộc sống thoải mái, sung túc, vô lo, vô nghĩ thì tôi đã lựa chọn từ lâu” bà Nguyễn Thị Soi, khu tái định cư Cái Xà Cong - khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) hạnh phúc, chia sẻ khi nghĩ đến những ngày tháng cơ cực sống tại làng chài Cửa Vạn.
Bà Soi không được may mắn như các cháu của mình, sinh ra ở một làng chài nghèo khó, cuộc sống vốn dĩ chỉ quanh quẩn bên các khối đá lớn xếp thành chụm. Người dân ở làng chài Cửa Vạn lựa chọn nơi này nhằm hy vọng tránh xa các cơn hung bão. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, thói quen khai thác quá đà gây thiệt hại về nguồi lợi thủy sản.
Đến nay, khi bão di chuyển về đất liền, bà Soi không thể chợp mắt khi nhớ lại cuộc sống của mình trước khi lên bờ sinh sống. Bà thường giật mình sau mỗi tiếng sét đánh và mường tượng ra khung cảnh căn nhà xập xệ, chới với trong biển dữ của gia đình mình, tưởng chừng như nó có thể bị cơn bão nuốt chửng bất cứ khi nào, cả già và trẻ hô hoán, cùng nhau giữ cột nhà trong tuyệt vọng, miệng khấn thầm sống sót qua đêm.
“Thất học, mọi người không có việc làm gì khác ngoài đi biển, từ nhỏ sống lênh đênh trên biển, nên cũng thành thói quen” bà Soi phập phồng cánh mũi nói. Cũng chính vì thế, nhiều ngư dân sáng tạo ra các ngư cụ cấm, hay đổi cá lấy thuốc nổ để săn bắt được nhiều hơn. Suy nghĩ tối giản, bắt được nhiều cá thì sẽ có nhiều tiền, ngư dân các làng chài cứ mãi luẩn quẩn săn bắt đến tận diệt các loài sinh vật biển quý từ bao đời nay.
Cũng như bà Soi và hàng nghìn hộ dân làng chài Cửa Vạn, Ba Hang, Vông Viêng khi bám vịnh Hạ Long để mưu sinh bằng nghề chài lưới đánh bắt thủy hải sản, ông Nguyễn Văn Ky, Phó trưởng khu 8, phường Hà Phong cũng không ngoại lệ, ông vẫn xúc động khi nghĩ lại những ngày bắt đầu lên bờ sinh sống ở khu tái định cư, người vẫn quen “lắc lư” theo nhịp chuyển động của sóng.
Sinh ra trong gia đình đông anh em, cả nhà ngày cũng như đêm chen chúc trên chiếc thuyền nan con con lênh đênh khắp các lạch nước, hẻm núi trong khu vực để bắt tôm, bắt ốc. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày, cái ăn còn chưa lo đủ, nên ai nấy đều thất học.
Ngày ông Ky lập gia thất, của hồi môn là một cân gạo, 2 chiếc nồi, vài cái bát và một chiếc thuyền nan để tiếp tục lập ra một hộ vạn chài mới, tiếp tục vòng đời luẩn quẩn. “Sống trên sông nước thì chỉ biết chài lưới chứ chẳng biết đi đâu hay làm gì, nếu mưa gió thì cho thuyền vào sâu trong hang núi, rồi đắp chăn ngủ qua ngày” ông Ky nói.
Chỉ đến khi có Đề án di dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống của tỉnh Quảng Ninh đã làm thay đổi mang tính bước ngoặt, vừa giải quyết ổn định cuộc sống của hàng nghìn người dân làng chài, vừa góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát triển bền vững môi trường di sản Vịnh Hạ Long.
Bao đời sống nghèo khó lênh đênh trên ngọn sóng, chông chênh trong hang núi, hàng ngàn hộ dân khu phố Cái Xà Cong - khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long an cư trên bờ. Nhiều người thất học, nghèo khó không nghĩ lại có ngày cuộc đời mình được bước sang trang mới, được chuyển đổi nghề, thay đổi cách nhìn nhận về thế giới.
Hành trình lên bờ chuyển đổi nghề
Những năm đầu khi mới thành lập, khu phố 8 luôn là một trong những khu vực nhạy cảm về an ninh trật tự của phường Hà Phong. Nhất là thời điểm, TP Hạ Long ngăn cấm hoạt động tàu thuyền săn bắt cá trong khu vực vịnh Hạ Long để phát triển du lịch cũng như bảo tồn, gìn giữ nguồn lợi thủy sản, người dân ở đây thường xuyên vi phạm, chống đối.
Nhận thấy, trình độ dân trí thấp, thói quen sinh sống trên biển lâu đời quen với lối mòn đánh bắt, khai thác truyền thống chưa thể thay đổi một sớm, một chiều, Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lãnh đạo phường, tổ trưởng tổ khu phố vào cuộc tuyên truyền, bám sát địa bàn, kịp thời xử lý, đến nay các vi phạm đã giảm hẳn, không còn hiện tượng sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thủy, hải sản.
Theo thống kê, số người còn theo nghề đi biển đa phần là những người lớn tuổi, không có khả năng chuyển đổi nghề vì vậy họ đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng ưu đãi để nâng cấp tàu thuyền đủ khả năng khai thác xa bờ, tránh săn bắt ở những vùng biển không cho phép, thay đổi tư duy lối mòn săn bắt thủy, hải sản từ ngư cụ bị cấm bằng việc tuyên truyền theo hình thức “ mưa dầm thấm lâu”.
Đời sống kinh tế dần ổn định, đa số người dân vẫn phát huy tốt nghề truyền thống đánh bắt hải sản với 148 tàu các loại; 120 đò phục vụ chở khách du lịch; 10 hộ nuôi trồng thủy sản phục khách tham quan trong các dịch vụ thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; 22 hộ dân mở các dịch vụ bán hàng ăn sáng và bán hàng tạp hóa; 1 hộ kinh doanh đóng và sửa chữa tàu...
Chị Nguyễn Thị Quế, khu tái định cư Cái Xà Cong - khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long cho biết: Cuộc sống trước kia quá vất vả, lênh đênh trên biển, mỗi lần bão gió nơm nớp lo sợ. Nghỉ làm nghề biển, gia đình chuyển sang kinh doanh tại nhà. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng đến nay cuộc sống đã ổn định. Con cái, đứa đang còn học, đứa đã học nghề, đi làm ổn định. Từ thu nhập, gia đình trang sắm thêm nhiều thiết bị, đồ dùng điện tử phục vụ cuộc sống. Bây giờ chúng tôi không phải suy nghĩ mỗi khi có bão gió nữa, cuộc sống mới khá ổn định, yên tâm.
Qua hơn 5 năm, nhân dân tái định cư Cái Xà Cong đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Các đối tượng chính sách được quan tâm chu đáo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản giữ vững, đời sống nhân dân từng bước được ổn định, nhiều hộ phát triển khá. Nhiều hoạt động thể thao, văn hóa diễn ra hằng ngày, tạo không khí vui tươi, phấn phởi, tinh thần đoàn kết trong khu phố.
Chấm dứt cuộc sống lênh đênh trên biển với cái nghèo, cái khổ luôn đeo bám, giờ đây cuộc sống hôm nay của ngư dân khu tái định cư Cái Xà Cong đã có nơi ăn, chốn ở, tiếp cận những kiến thức, có hiểu biết để hành nghề truyền thống.
Năm 2014, thực hiện chính sách di dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long, hàng nghìn người dân ở các làng chài lớn như Cửa Vạn, Cống Đầm, Vung Viêng di dời lên bờ, bắt đầu cuộc sống mới ở khu tái định cư Cái Xà Cong - khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Đến nay, vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, cuộc sống của người dân dần ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục y tế.