Pù Lầu là đỉnh núi cao của dãy Phja Boóc thuộc xã Yến Dương (huyện Ba Bể). Từ đỉnh núi, một dòng suối nhỏ chảy quanh co, đổ về phía bản Phiêng Phàng ở dưới chân núi.
Nhiều năm nay, người dân Phiêng Phàng đã tận dụng nguồn nước mát mẻ của dòng suối để nuôi cá nước lạnh. Lúc đầu, chỉ có một hộ xây bể nuôi cá tầm; sau một thời gian nhìn thấy hiệu quả, mô hình nuôi cá tầm, cá hồi ở Phiêng Phàng bắt đầu phát triển.
Đến nay, thôn Phiêng Phàng có khoảng 30 bể nuôi cá, hộ ít vài ba bể, hộ nhiều đến gần chục bể, trong đó lớn nhất là trang trại của Hợp tác xã cá hồi, cá tầm Pù Lầu. Đây là mô hình nuôi cá tầm, cá hồi kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm trên đỉnh núi Pù Lầu. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã xuất bán ra thị trường từ 20-30 tấn cá, giá bán cá tầm từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cá hồi từ 400.000 - 450.000 đồng/kg.
Bà Triệu Thị An, thôn Phiêng Phàng (xã Yến Dương), cho biết, mô hình nuôi cá tầm, cá hồi rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Do nguồn nước mát, sạch nên cá phát triển tốt. Vài năm gần đây, thôn Phiêng Phàng phát triển du lịch cộng đồng nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi, cá tầm, cá hồi ở đây được nhiều người biết đến. Không chỉ bán được cá, khách du lịch đến Phiêng Phàng tham quan cũng có thêm không gian trải nghiệm, từ đó góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của thôn.
Bản Chán, xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể), có dòng suối trong lành, nguồn nước mát về mùa hè, ấm về mùa đông chảy qua.
Tận dụng lợi thế này, ông Hoàng Văn Tâm đào ao thả cá. Năm 2012, khi mới bắt đầu, ông Tâm thả những loại cá dễ nuôi như cá chép, rô phi, cá trôi, cá trắm. Ngay vụ đầu tiên, doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí, ông Tâm cũng có vài chục triệu để tái đầu tư.
Ông Tâm cho biết, lúc đầu mình cũng làm vài ao nhỏ trước, sau đó có vốn thì đào thêm ao, mở rộng diện tích nuôi. Đến bây giờ, diện tích mặt nước nuôi cá đã lên đến khoảng 1ha, ao rộng nhất 3.500m2.
“Do nguồn nước sạch, mát mẻ nên ở đây có thể nuôi nhiều loại cá. Ngoài những giống truyền thống như cá trắm, cá chép thì có thể nuôi cá chày, cá vược. Thậm chí, nếu xây được bể có thể nuôi được cả cá tầm”, ông Tâm cho biết thêm.
Nói về nuôi cá, ông Tâm chia sẻ, quan trọng là phải nắm được kỹ thuật, ao phải luôn có nguồn nước sạch, lượng thức ăn phù hợp, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, ngoài ra có thể trồng thêm cỏ voi. Hiện tại, mỗi năm mô hình nuôi cá của ông Tâm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thời vụ từ 5-7 lao động tại địa phương.
Ông Tô Phong Nhuận, Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể), cho biết, mô hình nuôi cá của ông Hoàng Văn Tâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm thêm cho người dân địa phương. Hiện nay, xã cũng đang khuyến khích người dân, các hợp tác xã đầu tư nuôi cá, trong đó chú trọng nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao.
Huyện Ba Bể cũng đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là kết hợp nuôi thủy sản với du lịch cộng đồng ở một số thôn, bản có tiềm năng.
Một số hợp tác xã nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện Ba Bể đã hình thành mô hình tổng hợp từ nuôi cá đến chế biến món ăn phục vụ du khách đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Những năm gần đây, thủy sản là một trong những thế mạnh của huyện Ba Bể, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hơn 127ha (gồm khoảng 40 bể nuôi cá tầm, cá hồi; 2.600m3 nuôi cá lồng, còn lại là ao, hồ). Trong đó, diện tích mặt nước nuôi cá lồng tập trung trên dòng sông Năng chảy qua hai xã Khang Ninh và Thượng Giáo, cá tầm, cá hồi nuôi nhiều ở hai xã Mỹ Phương và Yến Dương.