| Hotline: 0983.970.780

Gần 200 học viên tham gia lớp đào tạo nuôi biển công nghiệp

Thứ Ba 12/11/2024 , 18:52 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, việc trang bị kiến thức để bước vào ngành công nghiệp nuôi biển một cách bài bản là rất cần thiết.

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở TP Cam Ranh do Quỹ Thiện Tâm tài trợ. Ảnh: PC.

Mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở TP Cam Ranh do Quỹ Thiện Tâm tài trợ. Ảnh: PC.

Ngày 12/11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Cục Thủy sản tổ chức lớp tập huấn nuôi biển công nghiệp và nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo hợp tác xã, người dân và cán bộ khuyến nông cơ sở. Đây là lần thứ 6 lớp tập huấn được tổ chức.

Tham dự có ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT); ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương; ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup); đại diện trung tâm khuyến nông, văn phòng điều phối nông thôn mới, chi cục thủy sản các tỉnh/thành phố cùng gần 200 học viên đến từ 18 hợp tác xã, bà con ngư dân và cán bộ khuyến nông tới từ 8 tỉnh/thành phố gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 12 - 15/11, giảng viên là các chuyên gia đầu ngành đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Kiểm nghiệm - Kiểm chứng và Dịch vụ chất lượng, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Cần Thơ, đại diện các doanh nghiệp…

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ tại lớp tập huấn. Ảnh: PC.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ tại lớp tập huấn. Ảnh: PC.

Nội dung tập huấn tập trung vào: Tổng quan về nuôi biển công nghiệp; ương và nuôi thương phẩm cá biển; thảo luận về các vấn đề thực tiễn liên quan đến quản trị và lập kế hoạch kinh doanh của hợp tác xã, nuôi biển công nghiệp... Các học viên còn được tham quan thực tế và thực hành các kỹ thuật được tập huấn.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, nước ta có tiềm năng nuôi biển, nhưng để phát triển bền vững không hề dễ. Việc trang bị kiến thức để bước vào ngành công nghiệp nuôi biển một cách bài bản là rất cần thiết. Vì vậy đây là lớp đào tạo cho những người nuôi biển chuyên nghiệp và khi người dân ra biển phải được tập huấn, đào tạo một cách kỹ lưỡng.

“Với sự nỗ lực của Quỹ Thiện Tâm, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Cần Thơ, các cán bộ quản lý, khuyến nông, những người trực tiếp tham gia nuôi biển hãy tranh thủ thời gian này trao đổi, chia sẻ và nắm chắc kiến thức để từ đó tổ chức sản xuất theo hợp tác xã, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị”, ông Trần Đình Luân bày tỏ.

Theo ông Luân, cộng đồng nuôi biển cần hình thành tổ chức để gắn kết từ lựa chọn đối tượng nuôi, thời điểm nuôi, quy trình công nghệ chăm sóc đến việc xác định thời điểm thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) phát biểu tại lớp tập huấn. Ảnh: PC.

Ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) phát biểu tại lớp tập huấn. Ảnh: PC.

Ông Lý Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ Thiện Tâm cho biết, song song với công tác hỗ trợ cho các hợp tác xã, bà con nông dân, ngư dân phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, Quỹ Thiện Tâm cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các hợp tác xã, bà con ngư dân và cán bộ nông nghiệp.

Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực quản trị tài chính, kế hoạch; năng lực kỹ thuật công nghệ, tiếp cận được tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế; giới thiệu và đưa sản phẩm của hợp tác xã ra thị trường.

Từ năm 2022, dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” do Quỹ Thiện Tâm triển khai đã chính thức đi vào hoạt động với 3 mô hình mẫu thí điểm tại 2 tỉnh đầu tiên là Thái Nguyên và Sơn La cùng 89 mô hình được nhân rộng tại 40 tỉnh thành trên cả nước trong năm 2023 và năm 2024.

Tại tỉnh Khánh Hòa, Quỹ Thiện Tâm cũng có nhiều hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, Quỹ đã hỗ trợ kinh phí để UBND tỉnh thực hiện đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao cũng như hỗ trợ các hộ ngư dân kinh phí để lắp đặt lồng nuôi biển HDPE công nghệ cao tại vùng biển hở Cam Ranh.

Sau 2 năm triển khai thực tế, trong năm 2024, Quỹ Thiện Tâm phối hợp với các trường đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đã chính thức tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã, ngư dân và cán bộ nông nghiệp.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân trao tài trợ tượng trưng cho các hợp tác xã. Ảnh: PC.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân trao tài trợ tượng trưng cho các hợp tác xã. Ảnh: PC.

Với sự đồng hành và hỗ trợ về nguồn lực, nhân lực cũng như vật lực của các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương, dự án hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững triển khai tại 12 hợp tác xã thuộc các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung do Quỹ Thiện Tâm tài trợ và đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa hứa hẹn sẽ trở thành một trong những mô hình nông nghiệp tiêu biểu của khu vực Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Nhân dịp này, Quỹ Thiện Tâm cũng trao tài trợ cho 12 hợp tác xã tham gia chương trình, mỗi suất trị giá 1 tỷ đồng.  

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.