| Hotline: 0983.970.780

Đưa nông sản qua biên giới: Lái xe lợi dụng chính sách để chèn ép

Thứ Hai 20/04/2020 , 07:44 (GMT+7)

Một số tài xế lợi dụng chính sách của tỉnh Lạng Sơn cho phép đưa hàng qua biên giới trong mùa dịch, để chèn ép, thu tiền gấp đôi quy định.

Tài xế D. (tên nhân vật đã được thay đổi) nhận tiền trên cabin. Ảnh cắt từ video clip.

Tài xế D. (tên nhân vật đã được thay đổi) nhận tiền trên cabin. Ảnh cắt từ video clip.

"Đi 16km mà lấy cả chục triệu"

“Để nó đếm cho bõ tức, đi tối đa 16 km mà lấy của người ta cả chục triệu. Như này khác gì ăn cướp”, Tùng, tài xế container của Cty xuất khẩu nông sản A., cho biết khi đứng chờ xe từ phía Trung Quốc về cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn, hôm 16/4.

Tùng chuẩn bị sẵn 5,8 triệu đồng với tiền mệnh giá 50.000đ, một cọc 3 triệu đồng gồm tiền mệnh giá 100.000đ. Trước đó, Tùng đã ứng trước 3 triệu đồng cho tài xế “chuyên trách” được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp thẻ hành nghề, đồ bảo hộ chống virus, để đánh hàng qua biên giới.

17h ngày 16/4, xe về đến cửa khẩu Hữu Nghị. Sau khi làm thủ tục đăng ký, tiêu độc, tài xế chuyên trách tên D., đánh xe ra gần Bến xe Xuân Cương. Cuộc giao dịch diễn ra trên cabin. Tài xế D. đếm thoăn thoắt, bảo: “Hôm trước đưa 3 triệu, hôm nay nhận 8 triệu 8. Đủ nhé”.

Lạng Sơn quy định nếu thuê tài xế trong 2 ngày để đưa hàng qua cửa khẩu Hữu Nghị, chủ hàng chỉ phải trả mức 5 triệu đồng. Tuy nhiên, một số tài xế được UBND tỉnh Lạng Sơn lập ra với lý do “đảm bảo thông quan hàng hóa an toàn trong mùa dịch Covid-19” đã lợi dụng chính sách để ép chủ hàng đưa tiền gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần mức quy định.

Mức giá 11,8 triệu nêu trên là do D. trước đây lái xe cho Cty A. Nhận thấy việc lái xe trên cửa khẩu giai đoạn này có thu nhập cao nên D. nghỉ ở Cty A để lên biên giới.

“Lái cho bên em nên nó mới lấy giá đấy, chứ cho các đơn vị khác thì phải tầm 14 triệu, mà phải năn nỉ nó mới làm. Không có lái xe, hàng hóa dù được thông quan cũng phải chịu chết vì giai đoạn này chỉ lái xe được Lạng Sơn cho phép mới được đưa hàng qua biên”, Tùng nói.

Tùng không phải người duy nhất phải chịu cảnh đi năn nỉ các đồng nghiệp “chuyên trách” do Lạng Sơn lập ra. Nếu những giao dịch cuối ngày thường diễn ra ở những nơi kín đáo, riêng tư tránh người lạ để ý thì trong các giao dịch giữa ngày, sức hút của món hời lớn khiến các tài xế chuyên trách không đủ kiên nhẫn tìm nơi vắng vẻ, tiền trao cháo múc ngay bên đường.

Khoảng 13h ngày 17/4, đối diện bến xe Xuân Cương, cách Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 1 km, một giao dịch giữa chủ hàng và tài xế chuyên trách diễn ra vỏn vẹn trong 30 giây.

Mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh, Bình lao khỏi cabin chiếc container vừa từ Trung Quốc về rồi vội vã đi lại phía chủ hàng. Hé khẩu trang, Bình giục: “Anh ơi, em bàn giao xe nhé, đưa em nốt tiền rồi em đánh tiếp con kia (chỉ về một chiếc container khác đỗ gần đó) sang”.

10 triệu là số tiền mà chủ hàng còn phải giao nốt cho Bình sau chuyến đi vừa rồi. Những động tác đếm tiền của cả hai bên được thực hiện khẩn trương rồi Bình vạch chiếc cặp đeo chéo, nhét gọn tiền trước khi rảo bước về phía chiếc xe còn lại.

Còn chủ hàng lại lên xe, về chỗ chờ và chuẩn bị sẵn tiền, khi nào tài xế chuyên trách báo sắp về sẽ quay lên cửa khẩu thanh toán tiếp. “Không còn lựa chọn nào khác em ạ. May ra thì thuê được tài quen xe, vừa lái vừa chỉnh lạnh chứ không thì hàng sẽ nguy. Biết là đắt nhưng vẫn phải tranh nhau”, người chủ hàng nói.

Những “phi vụ” làm ăn bên cạnh cuộc họp

7h sáng 17/4, Dũng, đại diện Cty xuất khẩu nông sản A. tất tả lên khu vực cửa khẩu Hữu Nghị làm thủ tục xin lệnh điều động lái xe từ bến Xuân Cương.

Cầm 2 giấy điều động, Dũng gọi điện nhờ 2 tài xế đã liên lạc trước đó, nhờ họ “giúp” đánh xe. Lần này, cuộc giao dịch diễn ra ngay trên đường ở bãi B2, nơi xe hàng chờ làm thủ tục thông quan.

Chủ hàng luôn biết trước lái xe nào sẽ “giúp” mình, bởi trước đó đã liên hệ với nhau. Khi làm thủ tục xin giấy điều động, chủ hàng phải tự khai mã số tài xế do Lạng Sơn cấp, rồi đưa lại giấy điều động đã đóng dấu đỏ cho lái xe. Có lẽ do Dũng “rắn mặt” hơn, nên lần này mỗi lái xe chỉ lấy 10 triệu đồng.

Tài xế chuyên trách của Lạng Sơn (đeo thẻ) ngang nhiên thu tiền gấp đôi mức quy định. Ảnh cắt từ video clip.

Tài xế chuyên trách của Lạng Sơn (đeo thẻ) ngang nhiên thu tiền gấp đôi mức quy định. Ảnh cắt từ video clip.

Cùng thời điểm phi vụ làm ăn diễn ra, cách đó chừng 2km, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn có cuộc họp cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác chống dịch, đẩy mạnh thông quan hàng hóa, song vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đặt yêu cầu an toàn phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu.

Kịch bản không khó đoán là Lạng Sơn “cam kết thực hiện nghiêm” những vấn đề này. Ngoài ra, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để “đáp ứng thiết bị vật tư y tế, mở rộng đường dẫn vào các cửa khẩu, đẩy nhanh thông quan hàng hóa”.

Lúc này tại bãi B2, một cửa hàng đồ ăn đang bán hàng công khai cho hàng chục tài xế, chủ hàng ngồi san sát nhau, đương nhiên không đáp ứng khoảng cách tối thiểu 2 mét theo Chỉ thị 16. Các cuộc giao dịch vẫn diễn ra ngay trên đường, dù không khó để thấy bóng dáng lực lượng biên phòng, hải quan thường xuyên qua lại.

Không biết nếu chẳng may có ổ dịch phát sinh từ đây, số tiền 300 tỷ đồng liệu có đủ để Lạng Sơn dập dịch?

Lái xe “chuyên trách”

Hiện nay, đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 492 người, cửa khẩu Tân Thanh là 460 người và Chi Ma khoảng 50 người, tỉnh Lạng Sơn khẳng định số lượng này có thể đảm bảo duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.

Sau khi đăng ký, các tài xế này được kiểm tra bằng lái, xét nghiệm Covid-19 trước khi được phép đưa hàng qua biên giới. Nhóm tài xế chuyên trách được sắp xếp ăn ở ngay gần cửa khẩu, đi về trong ngày và phải xét nghiệm lại Covid-19 sau mỗi 14 ngày.

Thế nhưng, cơ hội trở thành lái xe chuyên trách không phải ai cũng may mắn có được. Thời gian đầu, khi lượng lái xe này còn thiếu, mỗi chuyến hàng qua biên giới được định giá từ 12-15 triệu đồng, chủ hàng phải cắn răng chi trả vì sợ hỏng hàng, thậm chí còn phải tranh nhau mới thuê được.

Khi có hiện tượng giá thuê leo thang, tranh giành tài xế xảy ra, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hiệp thương, đưa mức giá trần cho từng cửa khẩu để ngăn chặn. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản A., khi được hỏi, nói họ “không hề biết” về cuộc hiệp thương của Lạng Sơn.

“Nếu có hiệp thương, có mời các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thì phải có biên bản họp, có chữ ký các bên. Chúng tôi làm xuất khẩu nông sản ở Lạng Sơn cũng lâu năm, không hề biết việc này”, lãnh đạo doanh nghiệp A., nói.

Chia chác

Trở lại với cuộc giao dịch trên cabin ngày 16/4, D. đưa lại cho Tùng 500.000 đồng vì “cùng cảnh tài xế với nhau”. Tùng nhận tiền, hỏi: “Ông cầm hơn 10 triệu về có phải chia cho ai nữa không”. D. đáp: “Ai làm nấy hưởng, chia cái gì. Chỉ có đội sau này vào phải chia 50% cho ông Phương”.

Giới tài xế container ở Hữu Nghị nói ông Phương tên đầy đủ là Phùng Ngọc Phương, làm tại Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Sở dĩ tài xế phải chia tiền vì ông Phương là người “giới thiệu” để họ được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép tham gia lực lượng lái xe “chuyên trách” đánh hàng sang Trung Quốc thời Covid-19.

Trao đổi với chúng tôi hôm 19/4, ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phủ nhận việc người đàn ông Phùng Ngọc Phương làm việc tại ban.

Tài xế chuyên trách Tùng nói trong tuần qua, ông Phương bỏ túi 100 triệu tiền “cắt phế”, trong khi những tài xế như Tùng mỗi người kiếm được vài chục triệu đồng.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Lạng Sơn, Bắc Giang, bày tỏ lo ngại việc thu nhập quá cao như tài xế chuyên trách ở Hữu Nghị sẽ khiến họ “mất hết người”, bởi tài xế bây giờ nhiều người muốn lên Lạng Sơn làm chuyên trách. Đại diện một số doanh nghiệp nói rằng họ "có thể tạm chấp nhận" mức phí 5 triệu đồng mà Lạng Sơn đưa ra, song có lẽ "sớm phá sản" nếu tài xế chuyên trách tiếp tục bắt chẹt. 

"Tôi cho rằng Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn đang làm kiểu "đem con bỏ chợ", đặt ra mức phí đó rồi không có kiểm soát gì, để mặc lái xe hoành hành", đại diện một doanh nghiệp nói.

Những chủ hàng, doanh nghiệp mà chúng tôi phỏng vấn, đề không dám nêu tên thật. Theo họ, chỉ cần lộ ra, thì sẽ bị "ép cho hết đường làm ăn" ở biên giới. 

“Thu tiền thế thì giết người”

“Tại sao định ra mức thu cao thế, thu như thế thì giết người à. Không chỉ chết doanh nghiệp Việt Nam đâu, doanh nghiệp Trung Quốc cũng chết vì buộc phải mua với giá cao”, ông Thang, chủ một đơn vị nhập khẩu nông sản Việt Nam có trụ sở tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết.

Ông Thang nói lái xe chuyên trách ở Lạng Sơn “oai như vua” nếu so sánh đồng nghiệp tại Bằng Tường. Lúc đầu mùa dịch Covid-19, các lái xe chuyên trách tương tự ở Lạng Sơn, lấy mức phí 15+5.

Cụ thể là doanh nghiệp Trung Quốc muốn thuê lái xe chuyên trách cần đưa 1.500 tệ, sau đó khi nhận lại xe thì trả thêm 500 tệ. Ước tính số tiền này là 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, do buôn bán khó khăn, sức mua tại Trung Quốc chưa hồi phục, nên các hiệp hội liên quan đến nhập khẩu nông sản ở Bằng Tường gửi kiến nghị tới chính quyền. Sau đó, mức phí là 8+3. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ phải trả cho lái xe chuyên trách 1.100 tệ (khoảng 3,7 triệu đồng).

Ông Thang nói chính quyền Bằng Tường quản lý rất chặt việc lái xe chuyên trách, thậm chí đứng ra thu tiền, làm hóa đơn đàng hoàng, chứ không cho phép lái xe nhận tiền trực tiếp. Trường hợp lái xe “làm tiền” doanh nghiệp như ở Lạng Sơn, sẽ lập tức bị tước tư cách lái xe, thậm chí xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Mòn mỏi đợi chờ

11h trưa 17/4, Dũng vừa dọn dẹp đống chai nhựa đựng nước rỗng, vừa ngóng ra ngoài cabin xem có người bán cơm hộp rong nào đi qua không. Chở hàng từ miền trong ra, Dũng là một trong số hàng nghìn lái xe nông sản đang chờ thông quan ở Lạng Sơn.

Do bến bãi hết chật cứng, mặc dù đưa hàng lên cửa khẩu Hữu Nghị nhưng Dũng và xe phải nằm chờ ngoài đường cách đó gần 10 km, ở khu vực gọi là Ngã ba Ma Mèo, xã Tân Mỹ huyện Văn Lãng, Lạng Sơn.

Tại Ngã ba Ma Mèo, đi sâu vào tỉnh lộ 233 từ nơi giao cắt với quốc lộ 4A, xe tải, xe container nối đuôi nhau hàng km, nằm dạt hết sang một bên đường chờ đến lượt. Tại đây, có đủ loại nông sản, từ “xe lạnh” (xe container có gắn máy làm lạnh ở thùng hàng) chở thanh long, mít... cho đến “xe nóng” (xe tải thông thường, không gắn thiết bị làm lạnh) chở chuối, dưa…

Theo sắp xếp của Lạng Sơn, các xe nông sản sẽ xếp hàng trên tỉnh lộ 233 trước khi được di chuyển vào bãi xe Đạt Phát, cách đó hơn 2km.

Tại đây, Lạng Sơn miễn phí hoàn toàn mọi loại phí bến bãi, chỉ thu 50.000 ngìn đồng/xe để phục vụ dọn dẹp vệ sinh. Xe nông sản sẽ chờ ở bãi xe này cho đến khi trên cửa khẩu Hữu Nghị dư chỗ mới được di chuyển tiếp.

Khi Dũng dọn dẹp xong đồ đạc trong cabin thì cũng là lúc vài người đi xe máy chạy dọc hàng xe tải, gõ cửa từng xe: “Cơm nhà nấu không anh?”. 50.000 đồng/suất, cánh lái xe trong lúc nằm chờ trên đường tỉnh 233 không có lựa chọn nào khác.

Suất cơm đựng trong hộp xốp dùng một lần lèo tèo ít thịt mỡ, miếng cá kho rồi lạc rang, đậu rán thêm ít giá xào, ngoài ra thêm một cốc đựng canh và bộ đũa thìa.

Lột chiếc khẩu trang, lùa vội xong bữa trưa, Dũng bảo bây giờ có người bán cơm cho mà mua là may rồi, vì dịch giã.

“Gì cũng đắt anh ạ, lúc này phải thông cảm lẫn nhau chứ tranh thủ chặt chém là không được, sáng em hỏi cốc cà phê hòa tan mà hét 15 nghìn nên thôi khỏi mua”, tài xế trẻ ca cẩm.

Công việc hàng ngày của giới lái xe trong lúc hàng bị ùn ứ cũng phát sinh nhiều vấn đề. Như Dũng, lái xe container lạnh để bảo quản nông sản nên không đi đâu được, lúc nào cũng phải canh nhiệt độ.

Nếu trong thùng xe ấm lên, tài xế phải chạy máy nổ để làm lạnh, dầu máy mỗi ngày cũng tốn từ 10-30 lít tùy loại hàng, do độ sinh nhiệt của mỗi nông sản cũng khác nhau.

Dũng nói với các loại nông sản dễ hỏng, giá lại rẻ như dưa, nếu không được thông quan sớm dẫn đến việc tốn kém chi phí bến bãi rồi hư hỏng thì chủ hàng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người. Lý do là chi phí bến bãi và cước vận tải còn lớn hơn số tiền thu được khi quay đầu bán đổ, bán tháo trong nội địa.

Không những phải chờ, mà còn không biết phải chờ đến bao giờ. Như Dũng, trên cabin hết nằm lại ngồi, thi thoảng rút chiếc điếu cày mini mở cửa ra rít một điếu rồi lại ôm điện thoại lướt mạng hay nói chuyện phiếm trong nhóm chat với các đồng nghiệp.

Cả người lẫn xe nằm ngoài đường đã khổ, nhưng vào được bến rồi cũng chẳng sướng hơn. Cách Ngã ba Ma Mèo gần 10km, trong Bến xe Tân Thanh, đang có hàng trăm xe nông sản nằm im chờ đến lượt sang bên kia biên giới, cùng với đó là lượng tài xế, phụ xe đông đảo.

Tính đến ngày 17/4, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, phía Trung Quốc chỉ cho phép làm việc 5 tiếng mỗi ngày, từ 8h-11h và từ 12h-14h, chưa kể nghỉ hết cuối tuần, lễ tết.

Vì lẽ đó, dù là cửa khẩu xuất nông sản chính của tỉnh nhưng thời gian Tân Thanh chỉ đi được mỗi ngày khoảng 80 xe. Trong đó, ưu tiên cho các xe nóng như dưa, chuối... khoảng 60 xe, 20 xe còn lại là những container lạnh nhưng đã phải chờ đến 10 ngày, nửa tháng không đi nhanh thì hỏng hết hàng.

Vượt gần 2.000 km, đưa thanh long từ Bình Thuận ra đến Tân Thanh, tài xế Minh người Khánh Hòa cho biết, đã nằm chờ ở bến được gần 2 tuần, quả đã bắt đầu có dấu hiệu héo dù duy trì độ lạnh của ngày. Tuy nhiên, vẫn chưa biết khi nào mới được đưa hàng qua biên giới.

Vắt vẻo trên chiếc võng mắc tạm dưới gầm xe, Minh nói: “Bây giờ mà đợi thêm vài ngày nữa thì hàng hỏng hết. Hơn chục ngày cũng tốn kha khá tiền rồi em ạ”.

Anh và hàng trăm tài xế khác ở đây đang phải chịu hoàn cảnh như vậy. Mặc dù Công ty Bảo Nguyên đã giảm 50% chi phí bến bãi, giảm giá vệ sinh nhưng chi phí phát sinh trong khoảng thời gian này đối với tài xế và chủ hàng là điều không thể tránh khỏi.

Không chỉ mệt mỏi vì chờ đợi, hàng hóa không đi được đồng nghĩa với việc các tài xế chưa thể quay đầu đi tiếp. Vì thế, thu nhập của tài xế thì giảm còn chủ hàng vừa phải tốn thêm chi phí vừa nơm nớp lo hàng hư hỏng, phải bỏ đi.

“Anh chạy gần 2.000 km từ Nam ra đây, nguy hiểm vất vả mà mỗi chuyến được có 6 triệu, còn họ (lái xe chuyên trách) chỉ đánh xe qua biên, độ chục km là ẵm mớ tiền rồi. Anh cũng đăng ký mà không có được, không biết lựa chọn kiểu gì”, tài xế người Khánh Hòa tâm sự.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

2 người tử vong sau tiếng nổ lớn trong vườn nhà dân

Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vừa xảy ra vụ việc thương tâm khiến 2 người chết, 1 người bị thương.