Báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do phía Trung Quốc có nhiều chính sách siết chặt biên giới để chống dịch Covid-19 nên thời gian qua, mỗi ngày chỉ có khoảng 600 lượt xe xuất nhập khẩu, giảm 50% so với trước đây.
Lượng xe tồn đọng tại các cửa khẩu của tỉnh thường xuyên ở mức 2.300-2.600 xe, đa phần là nông sản, trái cây tươi.
Mặc dù Lạng Sơn đã có văn bản khuyến cáo các địa phương phía Nam không đưa nông sản lên cửa khẩu Tân Thanh trong vòng 15 ngày kể từ 16/4 nhưng đến nay mỗi ngày vẫn có từ 300-350 xe hàng lên các cửa khẩu còn lại của tỉnh.
Một khó khăn nữa hiện nay là việc duy trì đội lái xe chuyên trách đưa hàng qua biên giới theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Cụ thể, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 492 lái xe, cửa khẩu Tân Thanh là 460 lái xe và cửa khẩu Chi Ma khoảng 50 lái xe. Do số lượng lớn và khó khăn về hóa chất xét nghiệm nên việc xét nghiệm Covid-19 cho lực lượng này còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chia sẻ các vướng mắc hiện nay của Lạng Sơn, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết: "Trung Quốc đang có tiến triển trong việc kiểm soát dịch Covid-19 nhưng vẫn phải tăng tường kiểm soát mạnh mẽ, ngăn dịch lây từ ngoài vào và điều này đã có ảnh hưởng đến Việt Nam".
Hiện nay, ngoài chống dịch, Trung Quốc cũng rất chú trọng khôi phục sản xuất và đặc biệt là tìm cách khơi thông chuỗi cung ứng. Do đó, Đại sứ quán Trung Quốc sẽ báo cáo để 2 bên cùng tìm ra phương án tốt nhất, giải quyết ùn tắc tại khu vực biên giới, ông Hồ Cẩm Tỏa cho biết thêm.
Với tình hình hiện nay, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng cần tập trung 3 vấn đề, đầu tiên là tìm cách giãn lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu, thứ hai hướng dẫn nông dân, chủ hàng thay đổi để hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch và cuối cùng là tăng cường giao thương bằng đường sắt với Trung Quốc.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng, giải pháp trước mắt là Việt Nam và Trung Quốc cần thống nhất, mở thêm một số đường thông quan để lưu lượng kiểm tra, làm thủ tục cho xe nông sản được nhiều hơn. Bên cạnh đó, tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, ví dụ như ở Tân Thanh sẽ tăng từ 5h lên 7h mỗi ngày và không nghỉ cuối tuần.
Việt Nam và Trung Quốc cũng cần làm việc để nâng được năng lực bốc dỡ hàng hóa 2 đầu để giải tỏa nhanh lượng xe lớn đang ùn ứ hiện nay. Ngoài ra, các tỉnh phía Nam cần hạn chế ngay việc đưa xe nông sản lên biên giới, giảm tải cho cửa khẩu và tránh tình trạng hư hỏng gây thất thoát, lãnh phí tài sản, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.
Trong thời gian tới, khi tình hình dịch khả quan hơn, thông thương trở lại bình thường thì các cấp, các ngành cần lên kế hoạch từ sớm, sẵn sàng đẩy mạnh năng lực xuất nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá lại năng lực thông quan trên toàn bộ hệ thống cửa khẩu của Việt Nam với Trung Quốc để các bộ, ngành cùng tìm ra hướng nâng cao hiệu quả luân chuyển hàng hóa.
Người đừng đầu ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các đơn vị tìm cách tăng cường phương thức xuất khẩu hàng hóa nông sản qua hệ thống đường sắt, thay đổi thói quen giao thương để giảm rủi ro.
Về cơ cấu nông nghiệp, trong tương lai Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến và sản xuất chuỗi, phục vụ đắc lực cho công tác thương mại hiện đại, từ đó không chỉ chinh phục được thị trường Trung Quốc mà còn vươn ra toàn thế giới.