Hơn 5 năm trước, đời sống của nhân dân xã Tam Thái (huyện Tương Dương, Nghệ An) còn lắm gian nan, vất vả, đặc biệt là những bản làng cách xa trung tâm. Để tạo sinh kế theo hướng bền vững, chính quyền các cấp đã khuyến khích, vận động bà con mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nổi bật phải kể đến mô hình trồng ổi lê theo hướng hữu cơ tại bản Đoọc Búa.
Đoọc Búa thuộc diện khó khăn bậc nhất của xã Tam Thái. Bản làng nằm ở vị trí khá biệt lập, vấn đề thông thương không mấy thuận lợi. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp đơn thuần, một thời chỉ chăm chăm phát nương làm rẫy là chính. Bên cạnh đó độ tuổi lao động nơi đấy khá cao, xuất phát từ việc thanh niên đi làm ăn xa.
Năm 2018, UBND xã Tam Thái đã đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nghĩ là làm, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, bỏ hoang hóa suốt thời gian dài đã được cày xới, chuyển sang trồng ổi lê. Song song với đó, xã còn khâu nối, mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, “cậy nhờ” cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp tại chân ruộng hướng dẫn cho các học viên. Qua thời gian dài cầm tay chỉ việc, bà con bản Đoọc Búa đã nắm rõ tường tận quy trình, kiến thức chuyên môn để ứng dụng vào sản xuất.
Gia đình ông Lô Quang Phùng có 2 thửa ruộng, một thửa ở tít trên cao, thửa còn lại nằm sâu hun hút, điểm chung là trồng lúa, làm màu bất bênh, quanh năm trông hẳn vào trời nên vụ mất nhiều hơn vụ được, chung quy không đủ ăn.
Nghèo đói triền miên không ngóc đầu lên nổi, thương con thương cháu ông Phùng suy tư lắm. Ngặt nỗi thấy đó mà lực bất tòng tâm khi điều kiện không cho phép, mãi đến khi tiếp nhận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ông Phùng mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
“Áp dụng quy trình mới đòi hỏi nhiều công đoạn hơn nên áp lực lắm chứ, nhưng thiết nghĩ không làm thì đói, do đó phải kiên trì, nỗ lực mà đeo đuổi. Tham gia mô hình tôi được đi tập huấn, được nâng cao kiến thức nên vỡ ra nhiều điều. Thành thạo rồi thấy cũng đỡ lo, sau một thời gian tích cực chăm bẵm, tưới tắm, cây ổi phát triển đều, khỏe cây. Ổi phù hợp với đất này nên càng về sau càng rộ quả. Kể từ khi chuyên tâm vào trồng ổi lê, người dân ở bản không nhàn rỗi như trước, đồng bào có thêm thu nhập, đời sống được cải thiện nên chẳng màng đốt nương làm rẫy nữa rồi”, ông Phùng hóm hỉnh cho hay.
Quá trình trồng và chăm sóc ổi lê, thời gian đầu chỉ cần bỏ công xới cỏ quanh gốc, kết hợp bón phân chuồng và tỉa cành. Đến kỳ ra quả sẽ bận rộn hơn đôi chút, ngoài việc bọc quả, dân bản có “bí quyết” riêng là trộn lẫn hỗn hợp gừng, ớt cay rồi giã nhuyễn, hòa với nước theo đúng tỉ lệ để phun, phòng trừ côn trùng gây hại, cách này giản đơn nhưng tiết kiệm chi phí, đặc biệt rất hiệu nghiệm. Bằng chứng, dù không dùng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân hóa học nhưng ổi lê của bản Đoọc Búa rất giòn, ngọt và ngon, được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận.
Hiện gia đình ông Phùng sở hữu 60 gốc ổi, từng gốc cho quả đều, tính ra mỗi vụ thu từ 6 - 9 tạ sản phẩm. Giá ổi thu mua tại vườn dao động từ 20.000 - 25.000 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng 20 triệu đồng/vụ, trừ chi phí lãi khoảng 65 - 70%, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa, hoa màu. Từ sự khác biệt nêu trên, ông Phùng đang tính toán phương án mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Thu Thủy, công chức địa chính - nông nghiệp xã Tam Thái khẳng định: “Từ khi phát triển mô hình trồng ổi lê, đời sống dân bản Đoọc Búa có nhiều khởi sắc. Mọi người, mọi độ tuổi đều có thể tham gia, đó là điểm khác biệt. Toàn bản Đoọc Búa có 30 hộ, hộ nào cũng trồng ổi lê với tổng quy mô hơn 2ha, với tiềm năng về thổ nhưỡng, đất đai hoàn toàn có thể nhân rộng thêm”.