| Hotline: 0983.970.780

Một xã thu 135 tỷ đồng mỗi năm từ cây ổi

Thứ Tư 08/05/2024 , 08:00 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Cây ổi chiếm 95% diện tích canh tác của xã Liên Mạc. Cây ổi dễ áp dụng VietGAP, nhanh cho khai thác kinh doanh, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với trồng vải.

Vào thăm xã Liên Mạc, Thanh Hà (Hải Dương), chúng tôi rất bất ngờ bởi địa phương này trồng tới 500ha ổi, Ổi ở đây hiện đang trong thời kỳ khai thác kinh doanh, sản lượng quả đạt trên 13.000 tấn/năm, tương ứng nguồn thu hơn 135 tỷ đồng/năm. Đây có thể xem là một trong những vựa ổi lớn hàng đầu ở miền Bắc. Đáng chú ý, các giống ổi trồng ở đây đều có nguồn gốc trong nước như Bo xù, Bo trắng và ổi lê Thanh Hà, khi chín trái to, cùi dày, ít hạt, ngon ngọt không thua kém giống ổi lê Đài Loan đang thịnh hành.

Gian hàng của HTX Ổi sạch Nam Vũ được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm và khích lệ tại một sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Nam Vũ.

Gian hàng của HTX Ổi sạch Nam Vũ được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm và khích lệ tại một sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Nam Vũ.

Ông Phạm Văn Cảnh, Chủ tịch UNND xã Liên Mạc cho biết, cây ổi đã trồng ở đây gần 30 năm. Ban đầu chỉ có vài hộ mang giống ổi Bo từ tỉnh Thái Bình về trồng thay cho một số cây vải thiều bị già cỗi, giảm năng suất. Không ngờ, hợp chất đất phù sa của địa phương, cây ổi Bo cho trái lớn hơn nhiều so với nơi nguyên sản, chất lượng quả cũng "sắc nước" không kém cạnh, hiệu quả sản xuất cao gấp 2 - 3 lần trồng vải.

Tuy nhiên chỉ từ năm 2010 tới nay, các nhà nông cập nhật vào sản xuất được nhiều tiến bộ kỹ thuật thâm canh mới thì cây ổi mới thực sự trở thành sản xuất chính, mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ dân nơi đây. Trong đó phải kể tới tiến bộ kỹ thuật dùng túi nilon chuyên dụng bao trái ổi, giúp khắc phục hoàn toàn các đối tượng ruồi vàng, bọ xít và rệp mềm hại quả.

Cùng với sự vào cuộc kịp thời của các nhà khoa học Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đã giúp chọn lọc, bồi dục lại giống ổi trồng lâu năm, giảm chất lượng, tạo ra các dòng ổi vừa giữ được đầy đủ đặc tính ưu tú của giống gốc, vừa mang nhiều tính trạng quý phát sinh trong quá trình sản xuất tại địa phương

Một góc vườn ổi trồng ở xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: Hải Tiến.

Một góc vườn ổi trồng ở xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: Hải Tiến.

Nét mới trong thâm canh ổi ở xã Liên Mạc là nhà nông chủ yếu cho khai thác quả nghịch vụ (chiếm 70% sản lượng thu hoạch) để nâng cao giá trị và thu nhập vì ổi trái vụ (thu đông) bao giờ cũng cho quả ngon hơn chính vụ, lại ít bị áp lực tiêu thụ bởi các loại trái cây khác như nhãn, vải, xoài, dưa lê, dưa hấu và sản phẩm ổi chính vụ từ nơi khác nên thường bán được giá cao. Các mùa vụ còn lại, bà con trồng xen một số cây rau ăn lá hoặc rau gia vị trong vườn ổi như súp lơ xanh, xà lách, cải bắp, cải cầu vồng, lá lốt, tía tô, mùi, thì  là, gừng, sả... nhằm tăng thêm thu nhập.

"Xã cũng thúc đẩy thành lập HTX Ổi sạch Nam Vũ. HTX sản xuất theo quy trình VietGAP,  diện tích trồng đạt 30ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 200 tấn quả, sản phẩm luôn được công nhận đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, được UBND tỉnh Hải Dương công nhận đạt OCOP 4 sao nên thường cung ứng được vào các cửa hàng nông sản sạch của Hà Nội và các bếp ăn tập thể, trường học, công ty trong khu vực", ông Phạm Văn Cảnh, Chủ tịch UNND xã Liên Mạc cho biết thêm.

Bà Lương Thị Anh (thành viên HTX Ổi sạch Nam Vũ) trồng 1ha ổi Bo xù, bình quân mỗi năm thu hoạch được 27 tấn quả trái vụ, trừ chi phí cho thu nhập 270 triệu đồng. Ngoài ra, bà Anh còn thu thêm được 50 triệu đồng/năm từ các cây trồng xen canh khác.

Ổi đạt OCOP 4 sao sản xuất tại Thanh Hà. Ảnh: Hải Tiến.   

Ổi đạt OCOP 4 sao sản xuất tại Thanh Hà. Ảnh: Hải Tiến.   

Để trồng ổi đạt thu nhập cao, bà Anh đốn cành cho cây ra quả trái vụ và trồng xen gừng, sả, tía tô vào 2 bên mép luống. Khi vườn ổi khép tán, bà dừng chăm sóc cây trồng xen, chuyển trọng tâm sang bao quả, thu hoạch ổi và các loại rau trồng dưới tán. Lý do bà Anh chọn gừng, sả và tía tô để trồng xen vì các cây gia vị này có khả năng chịu bóng và có tác dụng xua đuổi côn trùng, giúp ổi không bị sâu bệnh gây hại.

Bà Nguyễn Thị Hội cũng trong HTX Ổi sạch Nam Vũ tiết lộ, bình quân mỗi sào (360m2) trồng ổi của bà con ở đây cho lãi thuần 10 triệu đồng/năm, còn nguồn thu từ các cây trồng xen đủ cho mua vật tư chăm bón và thuê mượn thêm lao động thời vụ.

Nhà bà Hội có 1ha ổi, nhưng bà chỉ dành 30% diện tích lấy quả chính vụ (hè thu), còn lại để trái cây nghịch vụ. Với cây trồng xen canh, bà Hội chỉ gieo trồng những loại rau có bộ rễ ăn nông, thời gian sinh trưởng ngắn như xà lách, rau mùi, thì là, tía tô để nhanh cho thu hoạch, tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây ổi và ngăn ngừa cỏ dại phát triển. Nhờ đó, vợ chồng bà Hội cũng có thu nhập tương đương với mức lương đi làm công ty, khoảng 12 triệu đồng/người/tháng.

Bà Hội chia sẻ, trồng ổi dễ thâm canh, nhanh cho khai thác quả kinh doanh, thu nhập đạt cao và ổn định hơn nhiều so với trồng vải. Ổi Bo xù là cách gọi dân dã của người sản xuất vì cùi quả dày sần trên lớp vỏ. Còn ổi Bo trắng có ruột quả màu trắng sữa, ổi lê Thanh Hà cho trái giống quả lê...

"Toàn huyện Thanh Hà trồng hơn 1.400ha ổi, sản lượng thu hoạch ước đạt 42.000 tấn quả/năm. Ngoài Liên Mạc, cây ổi còn được trồng nhiều tại các xã Tân Việt, Cẩm Chế, Thanh An, Thanh Lang, Thanh Xuân và Việt Hồng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đều tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh ổi VietGAP cho nhà nông", ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà thông tin.

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.