| Hotline: 0983.970.780

Đưa trái ngọt về xứ U Minh

Thứ Ba 10/03/2015 , 09:49 (GMT+7)

Bước qua chiến tranh trở về cuộc sống đời thường, ông Sử luôn nhớ lời Bác Hồ dạy để tăng gia SX, thu trái ngọt trên vùng đất khó.

Năm 1999, ông Quách Thanh Sử (Mười Sử) ở ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) đã đi tiên phong chuyển đổi cây trồng với hơn 2 ha đất ruộng. Hồi đó máy móc không có, muốn lên líp trồng cây ăn trái thì chỉ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ra sức chịu cực, làm thủ công.

Ông Sử kể lại: “Đây vốn là vùng đất trũng, nhiều phèn. Đào 4 - 5 lớp đất mới lên được líp để trồng cây. Cực thì rất cực, nhưng tui không bao giờ nghĩ chuyện bỏ ngang. Nếu sợ cực, sợ khổ thì không phải bản tánh người lính Cụ Hồ.

Chúng ta còn đánh đuổi được Mỹ thì việc làm đất đáng gì. Suy nghĩ vậy nên tui đã quyết tâm phải làm cho tới. Một mình tui với cây giá (cuốc) ngày ngày vượt đất đào ao lên líp. Nhiều người đi qua nhìn thấy hổng biết tui làm trò gì”.

Bỏ mặc ngoài tai tất cả, ngày ngày lão nông vẫn lúi húi làm đất. Những giọt mồ hôi đổ xuống ao đìa, thấm vào đất, như hiểu được cái khổ, cái quyết tâm của người nông dân. Rồi đâu cũng vào đó, kênh mương, ao đìa đã thành hình. Cây sinh cành đẻ nhánh kết trái ngọt, dưới ao là đàn cá đồng.

Ông Sử là người đầu tiên ở Cà Mau mạnh dạn trồng nhãn. Nhãn cho trái bao nhiêu bán cũng hết. Theo ông, nhãn trồng vùng đất phèn nơi đây trái không to, đẹp mã như vùng khác nhưng chất lượng thì tuyệt hảo. Thương lái mê nhãn của ông như điếu đổ.

Năm 2005, nước mặn xâm nhập ruộng đồng, bà con nơi đây chuyển đổi qua nuôi tôm, làm mô hình tôm - lúa. Trồng cây ăn trái không sinh lợi như trước nữa. "Mô hình vườn - ao của tôi đang thu lợi lớn thì xâm nhập mặn làm giảm năng suất. Tui quyết định phải giữ bằng được thành quả của mình. Ngồi ăn cơm tôi cũng không ngưng nghĩ cách chống mặn”, ông Sử nói.

15-57-37_2-tn-dung-dt-chong-chu-muoi-trong-dy-thien-ly-cho-thu-nhp-kh-co
Tận dụng đất trống, ông Sử trồng dây thiên lý cho thu nhập cao

Khi bà con chặt cây ăn trái, đào đất làm lúa - tôm, ông Sử tiến hành làm hệ thống ao bao quanh diện tích đất vườn nhà mình. Bên trong vẫn để ao nuôi cá đồng và vườn cây như cũ.

Ông Võ Văn Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích cho biết: Năm nay ông Sử đã 43 tuổi Đảng. Câu cửa miệng của ông là “Làm cách mạng không nói chuyện làm việc lớn hay nhỏ, mà quan trọng làm được gì cho dân, cho nước”. Không chỉ thắng lợi oanh liệt trên mặt trận SX, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, ông Sử còn là điển hình của người lính Cụ Hồ.

Theo ông, hệ thống ao bao quanh là “ao cách mặn” có mực nước bằng hoặc cao hơn các vuông tôm bên cạnh. Ao nước ngọt bên trong được bơm nước cây nước (giếng khoan) để đảm bảo mực nước cao hơn những ao cách mặn.

“Làm gì có chuyện nước mặn ở ao thấp hơn xâm nhập vào ao cao hơn, chỉ có nước ngọt ở trong thấm ra ao bên ngoài thôi. Nước mặn muốn "nhào vô" thì phải "hỏi" ao cách mặn của tui trước”, lão nông tỏ vẻ đắc ý với chiến tích chống mặn của mình.

Với sáng tạo này đã đảm bảo giữ được “túm” đất ngọt giữa vùng mặn. Cuối cùng ông cũng bảo vệ được thành quả của mình. Bà con địa phương phải trầm trồ thán phục.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, đồng đội cùng chiến trường với ông Sử kể: "Anh Mười Sử luôn khát khao vượt qua khó khăn mà ai cũng phải kính nể. Trên chiến trường anh quyết tâm đánh giặc thì về địa phương anh cũng quyết tâm làm kinh tế. Anh luôn giữ phẩm chất của người lính Cụ Hồ".

15-57-37_3-nguoi-linh-tu-ho-ve-chien-tich-giu-ngot-cu-minh
Ông Sử luôn tự hào về “chiến tích” giữ ngọt của mình

Khi chúng tôi về thăm nhà ông Sử, ngó quanh từ nhà đến vườn, trừ những bóng mát của tán cây ăn trái thì đất chẳng chỗ nào trống. Đến mức, ông còn phải bớt một phần sân trước nhà để trồng rau cải.

Cần cù, sáng tạo đã đưa ông liên tiếp đến với những thành công. Đến nay trên hơn 2 ha vườn ao nhà mình, ông làm rất nhiều mô hình hiệu quả.

Trong đó, vườn nhãn 400 gốc của ông (cả vùng U Minh này không ai có), mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Những gốc nhãn đã già cỗi được ông thay bằng những cây vú sữa sum xuê trái, cho thu nhập mỗi năm khoảng 30 triệu đồng.

Để tận dụng tối đa đất trống, ông còn đầu tư trồng dây thiên lý, mỗi năm thu trên trăm triệu đồng khỏe ru. Dưới ao nước ngọt ông thả nuôi cá sặc rằn, ao cách mặn ông nuôi cá bống tượng. Tính sơ sơ, trong tổng mô hình nhà mình ông thu nửa tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 300 triệu.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm