| Hotline: 0983.970.780

Dừa xiêm xanh bén duyên Sơn Mỹ

Thứ Bảy 01/05/2021 , 17:54 (GMT+7)

Dừa xiêm xanh bước đầu phát triển tốt, mở ra hướng mới sản xuất hàng hóa gắn với du lịch, khai thác tiềm năng vùng đất Sơn Mỹ (Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi).

Triển vọng dừa xiêm xanh

Những năm gần đây, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) đang có những định hướng mới để phát triển kinh tế với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong đó đáng chú ý là mô hình trồng dừa xiêm xanh ở vùng đất nhiễm mặn.

Đây là vùng ven biển nên có diện tích đất nhiễm mặn khá lớn. Thông thường, những khu vực này chỉ sản xuất được một vụ lúa hoặc cây rau màu vụ đông xuân, còn lại hầu như bỏ hoang. Việc địa phương này lựa chọn cây dừa xiêm xanh vào sản xuất không chỉ tránh lãng phí được quỹ đất mà đang kỳ vọng là hướng đi mới giúp cho bà con nông dân nâng cao thu nhập.

Cây dừa xiêm xanh đang phát triển rất tốt ở Tịnh Khê, kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: L.K.

Cây dừa xiêm xanh đang phát triển rất tốt ở Tịnh Khê, kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: L.K.

Ý tưởng đó được Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Khê (HTX Tịnh Khê) bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Đơn vị này đã liên kết với 60 hộ dân trong toàn xã theo chuỗi giá trị để chuyển đổi hơn 20 ha đất lúa kém hiệu quả, đất hoang sang trồng cây dừa xiêm xanh. Người dân chỉ cần góp quỹ đất, các chi phí về giống, phân bón được HTX hỗ trợ để thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc HTX Tịnh Khê cho biết, qua triển khai 3 năm, đến nay, có thể thấy cây dừa xiêm xanh rất phù hợp với vùng đất này. Tất cả các diện tích đều phát triển rất xanh tốt và đã bắt đầu ra trái. Sau khi thu hoạch, HTX là đơn vị đứng ra để bao tiêu sản phẩm cho người dân.

"Qua tham khảo thị trường, chúng tôi thấy sản phẩm dừa xiêm xanh rất dễ tiêu thụ. Bình thường ở Miền Trung đa phần đều nhập dừa từ miền Tây về. Bây giờ ở đây có sản phẩm, chắc chắn sẽ có lợi thế hơn, đó là giảm đi chi phí vận chuyển. Ước tính ban đầu, mỗi ha trồng được 400 cây dừa, mỗi cây có thể cho 100 trái/năm", ông Dũng phấn chấn.

Cũng theo ông Dũng, với giá bán dừa xiêm xanh trên thị trường hiện nay khoảng 10.000 đồng/trái, mỗi ha người dân sẽ thu về 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX cũng đang dự kiến sử dụng rừng dừa xiêm xanh để kết hợp với dòng sông Kinh Giang tại địa phương để làm du lịch, dịch vụ. Từ đó, sẽ giúp cho người dân tăng hiệu quả kinh tế...

Theo chị Lưu Thị Lê Sen (trú thôn Trường Định, xã Tịnh Khê), riêng địa bàn thôn này đã có 30 hộ tham gia liên kết trồng dừa xiêm xanh với HTX Tịnh Khê. Qua khảo sát, hầu như toàn bộ diện tích dừa của bà con đều phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt rất ít. Nhiều người dân nhận thấy tính khả thi của loại cây này nên đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa của qua đình mình qua trồng dừa.

Những vườn dừa xiêm xanh 3 năm tuổi sinh trưởng tốt, bắt đầu cho quả bói. Ảnh: LK.

Những vườn dừa xiêm xanh 3 năm tuổi sinh trưởng tốt, bắt đầu cho quả bói. Ảnh: LK.

“Trong thời gian tới, nếu cây dừa cho quả đạt năng suất, thôn Trường Định sẽ dự tính tiến hành dồn điền đổi thửa để tiếp tục nhân rộng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện theo mô hình liên kết giữa trồng dừa và nuôi tôm, cá dưới mương dừa như ở miền Tây”, chị Sen cho biết. 

Ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, hiện nay tại xã có khoảng ½ dân số làm nông nghiệp. Dự án trồng dừa xiêm xanh hiện đã bước đầu cho thấy hiệu quả tốt trên địa bàn. Dừa sinh trưởng phát triển rất tốt, tạo tâm lý phấn khởi cho bà con nhân dân.

“Chúng tôi rất kỳ vọng dự án này. Bởi thổ nhưỡng của Tịnh Khê khá phù hợp với cây dừa, trước đây người dân ở đây cũng đã từng trồng rất nhiều dừa truyền thống. Tuy nhiên do giống dừa cũ cho năng suất và thời gian cho quả lâu nên địa phương đã tìm hiểu, chọn phát triển loại cây dừa xiêm xanh để có năng suất và nhanh thu hoạch hơn", ông Chính cho cho biết. 

Cũng theo ông Chính, so với cây dừa truyền thống thì dừa xiêm xanh có tính kháng sâu bệnh và chống chịu với môi trường yếu hơn. Vì vậy thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp ở địa phương để thường xuyên kiểm tra, theo dõi, xây dựng quy trình chăm sóc, chọn giống phù hợp.

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của loại cây này trong thời gian tới, nếu phù hợp, chính quyền địa phương sẽ hết sức tạo điều kiện cho HTX Tịnh Khê thuê đất, lựa chọn vị trí thuận lợi về nguồn nước, thổ nhưỡng để tiếp tục mở rộng diện tích từ quỹ đất công ích của địa phương... 

Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài xã Tịnh Khê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có nhiều địa phương khác đã đưa cây dừa xiêm xanh về canh tác như huyện Sơn Tịnh, Trà Bồng, Đức Phổ...

“Trước đây, Chi cục cũng đã kiểm tra các mô hình này và thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do đa số các địa phương mới trồng nên chưa xác định được năng suất, tính hiệu quả. Trong thời gian tới, khi diện tích dừa ở các địa phương này cho trái, mới có thể đánh giá được cụ thể hơn”, ông Bá nói.

Cuộc đổi thay trên cánh đồng 80 tạ/ha

Vùng Sơn Mỹ (thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) - cái tên gợi nhớ đến cuộc thảm sát chấn động của lính Lục quân Hòa Kỳ. Nơi đây, vào ngày 16/3/1968 đã có 504 người dân đa số là người già, phụ nữ, trẻ nhỏ bị giết chết dưới họng súng của kẻ thù.

Chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng để tưởng nhớ đến các nạn nhân trong vụ thảm sát của lính Lục quân Hoa Kỳ xảy ra vào ngày 16/3/1968 khiến 504 người chết. Ảnh: L.K.

Chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng để tưởng nhớ đến các nạn nhân trong vụ thảm sát của lính Lục quân Hoa Kỳ xảy ra vào ngày 16/3/1968 khiến 504 người chết. Ảnh: L.K.

Ký ức đã lùi vào dĩ vãng. Sơn Mỹ hôm nay là những con đường được trải thảm nhựa phẳng lì. Từng ngõ ngách, đường làng vào nhà dân cũng được bê tông hóa. Nhiều căn nhà kiên cố đua nhau mọc lên, tạo nên một cảnh làng quê trù phú, xanh, sạch, đẹp.

Chúng tôi đến đây vào thời điểm giữa tháng 4, khi cả làng đang bước vào mùa gặt lúa. Tiếng cười nói của người dân vang khắp cả cánh đồng trước một vụ mùa bội thu. Nhìn cảnh làng quê khang trang, yên ấm này, không ai nghĩ rằng, trước đây vùng này đã phải hứng chịu những đau thương tột cùng. 

Ngày hòa bình lập lại, cả làng Sơn Mỹ bị bom mìn cày xới đến tan hoang, cỏ cây cũng không mọc nổi. Nhưng, từ bàn tay con người, những mầm xanh đã dần lớn lên, thắp sáng hy vọng về một tương lai no ấp, đủ đầy. Người Sơn Mỹ vốn từ lâu đã gắn liền với cây lúa nên ngay từ khi trở về làng, họ lại bắt tay cải tạo đồng ruộng để gieo trồng, ổn định sản xuất.

Chẳng bao lâu, những vùng đất hoang tàn, đổ nát ngày xưa đã nhường chỗ cho cánh đồng lúa vàng tươi, từng hạt lúa căng tròn nhờ nguồn dinh dưỡng từ đất mẹ và bàn tay cần cù của người nông dân.

Người dân Sơn Mỹ đã vượt lên đau thương để xây dựng một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Ảnh: L.K.

Người dân Sơn Mỹ đã vượt lên đau thương để xây dựng một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Ảnh: L.K.

Chiều chiều, những làn khói từ các gian bếp bốc lên thoang thoảng mùi thơm gạo mới. Người dân nơi đây đã không còn phải chạy ăn từng bữa với củ sắn, củ khoai như trước nữa. 

Ông Võ Hồng Lựu (65 tuổi, trú thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) cho biết: Sau nhiều năm, người dân trong vùng đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng các giống lúa mới vào sản xuất... Nhờ đó, năng suất ngày càng được tăng lên. Năm nay, lúa đông xuân ở Tịnh khê được mùa to, lúa đạt đến gần 80 tạ/ha. 

Sơn Mỹ nói riêng và xã Tịnh Khê nói chung không chỉ có đồng ruộng mà được thiên nhiên ưu ái nhiều thứ. Có lẽ, đó là phần thưởng xứng đáng cho những mất mát mà họ đã phải từng gánh chịu. Ngoài đồng ruộng, nơi đây còn có bãi tắm Mỹ Khê đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi, có rừng dừa nước ngập mặn, có con sông Kinh Giang dồi dào tôm cá… là cơ sở để người dân trong vùng phát triển kinh tế.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.