Đức cũng sẽ xem xét hậu quả của quyết định này với những công dân mang hai quốc tịch và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ nếu cần thiết.
Bà Merkel trước đó bày tỏ sự lo ngại trong cuộc điện đàm với ông Trump hôm 28/1, đồng thời nhắc lại điều khoản trong Công ước Geneva, yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp nhận người tị nạn chiến tranh vì lý do nhân đạo.
Nhiều chính trị gia Đức cũng lên tiếng chỉ trích sắc lệnh mới của Tổng thống Trump. Lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Thomas Oppermann khẳng định đây là một quyết định "vô nhân đạo và dại dột", có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế Mỹ.
Người phát ngôn đảng Xanh Dieter Janecek cho rằng Trump không còn là đối tác đáng tin cậy với Đức, đồng thời đề xuất việc cấm nhập cảnh với cố vấn Nhà Trắng Stephen Bannon, người đưa ra ý tưởng về lệnh cấm này.
Cả hai Thủ tướng Merkel và May đều lên tiếng phản đối quyết định của ông Trump. Ảnh: NDTV.
Thủ tướng Anh Theresa May trong khi đó cho rằng chính sách nhập cư vào Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này. Tuy nhiên, bà cho biết Anh không chấp nhận cách tiếp cận của Tổng thống Trump và sẽ không đi theo con đường này. London khẳng định sẽ kiến nghị với Mỹ nếu quyết định này gây ảnh hưởng tới công dân Anh. Trước đó, Thủ tướng May đã bị chỉ trích vì không lên tiếng sớm hơn.
Hôm 27/1, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh vào Mỹ trong 120 ngày. Sắc lệnh này có hiệu lực tức thì, chấm dứt tiếp nhận người tị nạn Syria, đồng thời cấm người dân từ 7 quốc gia có đông người đạo Hồi vào Mỹ trong thời hạn 90 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được tị nạn hợp pháp.