| Hotline: 0983.970.780

Đức biến các ga tàu điện ngầm thành hầm tránh bom

Thứ Ba 26/11/2024 , 09:24 (GMT+7)

Bộ Nội vụ Đức cho biết Chính phủ đang lập một danh sách các công trình công cộng có thể dùng làm boongke trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột lớn với Nga.

Một ga tàu điện ngầm ở Berlin, Đức. Ảnh: Globe Eyes News.

Một ga tàu điện ngầm ở Berlin, Đức. Ảnh: Globe Eyes News.

Các công trình công cộng đang được xem xét gồm có ga tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm và một số tòa nhà chính phủ khác, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức trả lời báo giới hôm 25/11. Người dân cũng được khuyến khích sửa chữa tầng hầm và nhà để xe của mình thành nơi trú ẩn, quan chức này nói thêm.

Sau khi hoàn tất thiết lập danh sách, người dân Đức sẽ có thể sử dụng một ứng dụng điện thoại để xác định vị trí boongke gần với mình nhất.

Mặc dù người phát ngôn Bộ Nội vụ không đề cập đến cuộc xung đột Ukraine trong cuộc họp báo của mình, tờ Bild của Đức hôm 25/11 đưa tin rằng quyết định mở rộng mạng lưới boongke của Đức được đưa ra trong bối cảnh có nguy cơ xung đột với Nga.

Sau Chiến tranh Lạnh, Đức có khoảng hơn 2.000 boongke, mặc dù khoảng 3/4 lượng boongke này đến nay đã ngừng hoạt động. Mạng lưới 579 boongke hiện nay của Đức có thể chứa khoảng 480.000 người, một phần nhỏ so với 84 triệu dân nước này, Reuters đưa tin.

Vị quan chức này cho biết "kế hoạch boongke" đã được thông qua hồi tháng 6/2024. Tuy nhiên, cuộc họp báo hôm 25/11 diễn ra ngay sau khi Mỹ và Pháp cùng chính thức xác nhận việc đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và SCALP-EG để tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Anh hiện chưa công khai thừa nhận việc cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow (tên của Anh của tên lửa SCALP-EG), tuy nhiên, quân đội Ukraine đã sử dụng cả tên lửa ATACMS và Storm Shadow trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga hồi tuần trước.

Kiev đã yêu cầu Berlin có động thái tương tự và viện trợ thêm tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz cho đến nay đã liên tục từ chối, cho rằng điều này sẽ có thể kéo Đức vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Nga đã đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow bằng cách phóng tên lửa Oreshnik, một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vào một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở Dnipro. Trong bài phát biểu hôm 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga có thể đáp trả bằng cách tấn công các cơ sở quân sự của các quốc gia cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.