| Hotline: 0983.970.780

Lầu Năm Góc 'quan ngại' về tên lửa siêu vượt âm mới của Nga

Thứ Sáu 22/11/2024 , 09:16 (GMT+7)

Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cảnh báo rằng tên lửa siêu vượt âm mới được thử nghiệm của Nga có thể gây nguy hiểm cho người dân Ukraine.

Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 8/2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 8/2024. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hôm 21/11, Tổng thống Putin thông báo rằng quân đội nước này đã phóng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới, được đặt tên là "Oreshnik", nhắm vào một cơ sở công nghiệp quân sự ở Ukraine. Ông Putin cho biết cuộc tấn công nằm trong chiến dịch đáp trả "những hành động hung hăng của các quốc gia thành viên NATO", cảnh báo rằng Moscow có quyền nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự ở các quốc gia cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.

Tại một cuộc họp báo vào tối cùng ngày, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nhận mạnh rằng "bất kỳ vũ khí nào được sử dụng trên chiến trường đều hoàn toàn có thể gây ra nguy hiểm đối với người dân Ukraine".

"Đây là một loại vũ khí mới có khả năng sát thương cao được sử dụng trên chiến trường. Vì vậy, đó chắc chắn là một mối quan tâm đối với chúng tôi. Chúng tôi hiện chưa có đánh giá về sức mạnh của loại vũ khí này, nhưng đây tất nhiên là điều mà chúng tôi rất quan ngại", Singh nói với các nhà báo.

"Tuy nhiên, Ukraine vẫn trụ vững sau vô số cuộc tấn công từ Nga, bao gồm cả tên lửa mang đầu đạn lớn nhiều so với vũ khí này. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những gì họ cần", bà nhấn mạnh.

Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng Washington "sẽ không nản lòng" và sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, phát ngôn viên Karine Jean-Pierre cho biết.

Đầu tuần này, ông Putin đã duyệt học thuyết hạt nhân mới của Nga, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga của một nước không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng được hậu thuẫn bởi một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung của cả hai.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc những tuyên bố từ phía Nga. Nhưng trọng tâm của chúng tôi vẫn là cung cấp vũ khí cho Ukraine và viện trợ những gì họ cần nhất trên chiến trường", bà Singh nói, đề cập đến gói viện trợ trị giá 275 triệu USD mới nhất cho Kiev và hứa sẽ viện trợ nhiều hơn nữa "trong thời gian còn lại của chính quyền này".

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã cho phép Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất cho các cuộc tấn công sâu trong lãnh thổ Nga trong tuần này, song đến nay, Washington vẫn chưa chính thức xác nhận điều này. Ông cũng thay đổi quyết định trước đó của chính mình trong việc cung cấp mìn sát thương cho Ukraine, trong nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới.

Moscow đã nhiều lần cáo buộc phương Tây tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga và sử dụng người Ukraine làm "bia đỡ đan". Các quan chức Mỹ và Anh từng công khai gọi Ukraine là "phòng thí nghiệm chiến đấu" và "phòng thí nghiệm đổi mới quân sự" của phương Tây. Ngay cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kiev, Aleksey Reznikov, cũng mô tả đất nước của ông là một "bãi thử nghiệm hoàn hảo" cho "ngành công nghiệp quân sự của thế giới".

Ông Putin hôm 21/11 cũng đề cập đến vụ phóng tên lửa Oreshnik, được cho là có tầm bắn lên tới 5.000km với tốc độ lên đến Mach 10 (2,5 - 3 km/giây), là một "cuộc thử nghiệm chiến đấu" thành công. Nếu cần thiết, Moscow sẽ sử dụng vũ khí này để đáp trả quyết liệt bất kỳ cuộc tấn công nào, nhà lãnh đạo Nga nói, đồng thời hứa sẽ cảnh báo dân thường về các cuộc tấn công trước "mà không sợ các động thái đáp trả của kẻ địch".

"Tại sao phải sợ hãi? Bởi vì hiện nay không có cách nào có thể đánh chặn được những vũ khí như vậy. Các hệ thống phòng không hiện có trên thế giới và các hệ thống phòng thủ tên lửa đang được phát triển bởi người Mỹ ở châu Âu không thể đánh chặn những tên lửa như vậy", ông Putin nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.