| Hotline: 0983.970.780

Dùng cây dã quỳ làm phân bón vi sinh

Thứ Ba 01/11/2016 , 09:40 (GMT+7)

Sinh năm 1999, Trần Hoàng Quân và Bùi Thị Hiền (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã giành giải Nhì toàn quốc nhờ một đề tài xuất phát từ thực tế địa phương mình.

Từ ý tưởng thực tiễn...

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuộc huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), cả Quân và Hiền hàng ngày ngoài giờ học, đều giúp bố mẹ chăm sóc vườn hồ tiêu, cà phê, vườn rau phục vụ gia đình. Do siêng năng và hay để ý quan sát nên cả hai cùng có chung ý tưởng: Nguồn phân hữu cơ (phân bò - PV) ngày càng hiếm, giá lại cao nên nông dân nghèo ít có điều kiện mua về bón. Trong khi đó, ở Tây Nguyên bạt ngàn dã quỳ, tại sao không thử dùng loại cây này làm phân bón hữu cơ?

17-08-50_co-dieu-hnh-cung-nhom-chm-chut-tung-mm-ru-non
Cô Diệu Hạnh và Quân, Hiền chăm chút từng mầm rau non
 

Vậy là, cả hai cùng đem ý tưởng này đến gặp cô giáo dạy bộ môn sinh học ở lớp, thạc sỹ Nguyễn Thị Diệu Hạnh. Và, cô Hạnh với vai trò hướng dẫn, Quân làm nhóm trưởng, Hiền là thành viên nhóm, từ đầu tháng 5/2015, cả ba cô trò chính thức bắt tay vào đề tài "Sử dụng cây dã quỳ làm nguồn phân bón và phòng trừ sâu hại để nâng cao năng suất rau cải xanh, cải ngọt tại huyện Chư Sê, Gia Lai".

Sau một thời gian nghiên cứu tài liệu (cả trong nước lẫn tài liệu nước ngoài), rồi vùi đầu trong phòng thí nghiệm của trường, cả ba cô trò rất vui khi thấy kết quả: Cây dã quỳ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có thể làm phân bón cho cây trồng. Cây có đặc tính hăng, đắng nên các loại sâu rau rất sợ. Vì vậy loại dịch chiết của cây này có thể thay thế thuốc bảo vệ thực vật để phun cho rau... Vậy là, cả ba cô trò cùng đăng ký với Ban Giám hiệu, đề nghị cho phép làm đề tài cấp trường.

Sau mỗi giờ học, cả Quân và Hiền tranh thủ đi chặt, gom cây dã quỳ, sau đó chặt nhỏ, ủ với chế phẩm sinh học Trichoderma Achacomix theo tỷ lệ nhất định. "Sau 15 ngày là thành phân bón rồi. Đơn giản lắm chú ạ!", Quân vui vẻ nói.
 

...Đến thành công bước đầu

Nói là "đơn giản" nhưng suốt quá trình thực hiện đề tài, không ít khó khăn đặt ra cho cô cậu học trò trường huyện này. Trước tiên là việc bố trí thời gian, bởi nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập, rồi giúp đỡ cha mẹ công việc nhà, kèm cặp em học hành (Quân có em học lớp 4, còn em Hiền học lớp 10). Tiếp nữa là khó khăn trong việc tìm tài liệu, nhất là các tài liệu nước ngoài bởi tìm tài liệu đã khó, vốn ngoại ngữ có hạn nên càng khó hơn khi tiếp cận với các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên nhờ sự tận tâm của cô hướng dẫn, sự quyết tâm của cả nhóm nên đến tháng 11/2015, đề tài đã được nghiệm thu. Sản phẩm sau khi "ra lò", được gửi về Trung tâm Sắc ký Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh). 10 ngày sau, Trung tâm này đã gửi về kết quả khả quan của sản phẩm.

Từ đây, sản phẩm được đưa vào thực nghiệm trên chính "Vườn rau Thanh niên" của trường: Phân dùng bón gốc tăng dinh dưỡng, dịch chiết dùng phun lá phòng trừ sâu bệnh.

Chưa kịp vui trọn niềm vui với những luống cải xanh tươi thì chỉ sau ngày nghỉ chủ nhật, vườn rau đã được "thu hoạch" bởi... đàn gà. "Rất nhiều lần bị gà phá bởi rào rất cao nhưng gà vẫn bay vào được. Nhiều lúc ba cô trò ôm nhau khóc. Có lúc, hai em đã định bỏ đề tài nếu không có sự động viên của thầy cô, bạn bè và cha mẹ", cô Hạnh tâm sự.

Thế rồi, nỗ lực của cả nhóm cũng được đền đáp, khi "Vườn rau Thanh niên" cũng đã cho nhà bếp những bữa ăn ngon và sạch. Từ đây, sản phẩm đã được đưa ra thị trường, đó là những ruộng rau ở các hộ trên địa bàn huyện.

Ông Bùi Xuân Bắc (thôn Mỹ Thạch 2, thị trấn Chư Sê) có vườn rau gần 1.000m2, chuyên trồng xuất bán đi các nơi. Trước đây, ông chỉ dùng phân bón, thuốc BVTV có tiếng trên thị trường, nhưng từ đầu năm nay, ông đã bắt đầu dùng sản phẩm phân bón hữu cơ của nhóm.

17-08-50_ong-bui-xun-bc-su-dung-sn-phm-phn-huu-co-vi-sinh-tu-cy-d-quy-vui-ve-thong-bo-ket-qu-voi-hi-em-qun-hien
Vườn rau của ông Bắc sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ cây dã quỳ
 

Ông cho biết: "Sản phẩm phân bón của các cháu rất tốt, chi phí thấp nhưng rau nhanh cho thu hoạch. Rau được bón bằng loại phân này rất an toàn, thân thiện với môi trường...". Ông cũng cho biết thêm, không chỉ riêng ông mà nhiều hộ trồng rau kinh doanh khác trên địa bàn cũng đã mạnh dạn dùng sản phẩm của các cháu, kết quả rất khả quan.

Tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh (12/2015), đề tài đã giành giải Nhì. Tháng 2/2016, đề tài lại đạt giải Nhì cấp Quốc gia. Mới đây, tại Lễ Tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016, Bộ GD-ĐT đã tặng Bằng khen cho hai em vì "Có thành tích xuất sắc trong học tập và trải nghiệm sáng tạo".

+ Cô Diệu Hạnh: "Tôi rất ngạc nhiên, sau đó là rất vui khi hai em đến tìm tôi, trình bày ý tưởng làm phân bón hữu cơ từ cây dã quỳ. Và càng vui hơn khi kết quả phân tích đã thừa nhận tính ứng dụng của phân bón và dung dịch chiết xuất từ cây dã quỳ".

Em Trần Hoàng Quân: "Chúng em rất vui vì đề tài đã đạt giải cao. Nhưng vui hơn nữa là các hộ trồng rau đã chấp nhận sản phẩm. Em mong sản phẩm được sử dụng rộng rãi bởi một khối phân bò trên địa bàn phải bỏ ra tám trăm nghìn đồng, trong khi sản phẩm của chúng em, ngoài công ra, chỉ tốn 45.000 đồng cho lọ chế phẩm vi sinh. Và chỉ sau hai tuần là có sản phẩm".

Em Bùi Thị Hiền: "Khi Quân đưa ra đề tài, em thấy có tính khả thi cao, vậy là em đồng ý tham gia thực hiện đề tài cùng Quân. Em muốn được cùng các bạn làm ra thật nhiều phân bón từ cây dã quỳ, cung cấp cho những vườn rau trên địa bàn để nông dân bớt chi phí, lại có sản phẩm rau sạch cung cấp cho thị trường".

 

Xem thêm
Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?