Thuận theo xu thế
"Tôi đến thăm nhiều hợp tác xã, thấy nhiều nơi kêu là giờ thanh niên bỏ ra thành phố làm ở khu công nghiệp hết. Sản xuất nông nghiệp giờ chủ yếu là lao động lớn tuổi nên bà con lo không thể tăng sản lượng qua từng vụ", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND và các hợp tác xã nông nghiệp tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) hôm 6/6.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuyện thanh niên ra các thành phố làm việc là xu thế. Đó là điều nên khuyến khích, bởi nếu không tốc độ đô thị hóa sẽ chậm lại. Những tập đoàn quốc tế lớn như Apple, Samsung, LG... cũng dựa vào lực lượng lao động trẻ này để rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
Vấn đề với những người lớn tuổi ở lại, sản xuất nông nghiệp theo cách nào? Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy dẫn chứng nền nông nghiệp Nhật Bản. Hiện tại, nông dân ở đất nước này chủ yếu là người lớn tuổi. Họ cũng không thâm canh hai, ba vụ một năm như Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đảm bảo được an ninh lương thực cho gần 130 triệu dân.
"Rào cản không phải ở độ tuổi lao động, mà là việc nền nông nghiệp có đủ cơ sở để cơ khí hóa, tự động hóa hay không, có đáp ứng được những yêu cầu của thị trường hiện nay không", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề.
Từ kinh nghiệm thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chính những thanh niên rời làng quê đi làm ăn xa hiện tại, rồi sẽ trở về.
Theo Bộ trưởng, độ tuổi trung bình của lao động ở các khu công nghiệp hầu hết đều dưới 35 tuổi. "Kiểu gì rồi họ cũng trở về với đồng đất quê hương", người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề lao động, các hợp tác xã nông nghiệp hiện còn băn khoăn vấn đề nguồn vốn. Do tài chính có hạn, họ không thể đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa, hay chung tay sản xuất trong cánh đồng mẫu lớn.
"Thiếu vốn thì làm gì cũng khó, nhưng chúng ta có nhiều giải pháp. Chẳng hạn, giảm chi phí đầu vào. Nếu một hợp tác xã không đủ, thì chúng ta cần liên kết nhiều hợp tác xã lại. Mua sỉ bao giờ cũng được chiết khấu nhiều hơn mua lẻ. Giảm bao nhiêu phần trăm chi phí là tăng chừng ấy phần trăm lợi nhuận", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất.
Ngoài giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT còn nêu ý tưởng cho dài hạn. Đó là đưa hợp tác xã về đúng giá trị của nó.
Ông khẳng định, trình độ nông dân Việt Nam không thua nông dân ở những nền sản xuất tiên tiến trên thế giới. Vấn đề là ở nước ta, nhiều hợp tác xã vẫn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, vấp phải chi phí cao.
"Bây giờ là thời đại 4.0 rồi. Nhiều công ty kinh doanh vận tải nhưng không sở hữu chiếc xe nào. Họ chỉ kết nối cơ sở sẵn có, tạo nên một mạng lưới. Tôi tin, đây sẽ là định hướng cho ngành nông nghiệp trong một vài năm tới. Chúng ta cần kết nối nông dân lại, ban đầu có thể theo mùa vụ, làm sao để niềm tin giữa hợp tác xã và nông dân được tạo dựng và trở thành một sợi dây bền chặt. Có như vậy mới tránh được rủi ro kiểu như được mùa mất giá", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Tăng giá trị trên mỗi sản phẩm nông nghiệp
Đến thăm huyện Ứng Hòa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan vui mừng khi thấy nhiều hợp tác xã tại đây hoạt động với quy mô lớn, chủ động tìm doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra như Hợp tác xã Đoàn Kết. Tuy nhiên, Bộ trưởng tin, hạt gạo Đoàn Kết nói riêng và nông sản Ứng Hòa nói chung vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
"Chúng ta phải thay đổi nếp nghĩ của mình, rằng thành công của hợp tác xã giờ được đo đếm bằng giá trị tăng thêm, chứ không phải bằng năng suất tăng thêm. Năng suất kiểu gì cũng có ngày đụng trần, còn giá trị thặng dư có thể tăng dài hạn dựa vào nông nghiệp thông minh", Bộ trưởng chia sẻ.
Lấy ví dụ từ việc đa dạng hóa khẩu phần ăn trong bữa cơm hàng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng để tăng lợi nhuận, bà con nông dân nên tìm nhiều cách, thay vì chỉ trông vào tăng sản lượng.
Thứ nhất, là xây dựng niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo Bộ trưởng, người mua luôn có nhu cầu muốn biết lúa được trồng ở đâu, theo quy trình nào thông qua vài thao tác trên điện thoại. Muốn vậy, các hợp tác xã cần chuẩn hóa các quy trình theo VietGAP, GlobalGAP, hoặc đạt chứng chỉ OCOP để thuận lợi cho việc tra cứu.
Thứ hai, là thiết lập thương hiệu riêng cho mỗi nông sản. "Hiện có quá nhiều sản phẩm trong cùng một mặt hàng để người tiêu dùng lựa chọn. Ai nêu được sự khác biệt về sản phẩm, họ sẽ bán được hàng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu kinh nghiệm. Nếu làm được, các hợp tác xã coi như chuyển thành công từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế.
Thứ ba, là kết nối chuỗi giá trị cung ứng. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các hợp tác xã giờ có thể ước lượng gần đúng sản lượng lúa, cây trồng, vật nuôi... ngay từ đầu vụ. Nếu có thể chuyển số liệu ấy cho các nhà phân phối và thảo trước các kế hoạch sản xuất, người nông dân có thể nhận cam kết bao tiêu, hoặc chí ít là không phải lo công tác hạ tầng, kho bãi, logistics.
Cuối cùng, nông nghiệp cũng phải hòa trong dòng chảy chung của nền kinh tế, nơi mọi công ty, doanh nghiệp đang thi nhau chạy đua để cải thiện chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nền kinh tế trải nghiệm vốn tập trung vào sự trải nghiệm, nên ngoài chất lượng, bà con nông dân cần phải phát huy cả khâu quảng bá, in bao bì thành phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp thị hiếu.