Điểm đến của sắc màu
Mù Cang Chải (Yên Bái) không chỉ là một điểm đến nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nơi hội tụ những trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, Thái… Mỗi mùa trong năm, nơi đây lại mang đến những vẻ đẹp riêng biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Nhắc đến Mù Cang Chải là nhắc đến xứ sở bồng bềnh mây phủ, bạt ngàn thông reo, những thửa ruộng bậc thang nhuộm màu ngọc lục bảo xanh mướt của lúa mới và đến mùa lúa chín lại óng ánh sắc vàng rực rỡ khiến du khách trong nước và quốc tế mê mẩn, ai chưa đến thì mong một lần đến, đã đến rồi lại muốn được quay trở lại.
Không phải ngẫu nhiên mà Mù Cang Chải được vinh danh là một trong những điểm đến nổi tiếng với thương hiệu được khẳng định khi xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách 25 điểm đến sở hữu “vẻ đẹp siêu thực”, gây ấn tượng mạnh mẽ trên toàn thế giới của chuyên trang du lịch Wanderlust Storytellers. Bên cạnh đó, ruộng bậc thang Mù Cang Chải từng lọt top “Những địa điểm sắc màu nhất trên thế giới” do Tạp chí du lịch CN Traveler bình chọn.
Đó cũng là lý do để chị Laura - nữ du khách người Đức đến Mù Cang Chải. Biết về nơi này trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng song năm nay, chị Laura mới sắp xếp được thời gian để đến chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp của mảnh đất vùng cao này.
Chị đến Mù Cang Chải đúng vào mùa lúa chín. Khắp nơi dập dềnh sóng lúa “bậc thang” óng vàng rực rỡ. Hít hà hương lúa, chị Laura thích thú: “Lần đầu tiên đến với Mù Cang Chải, tôi thật sự choáng ngợp bởi cảnh đẹp và sự bình yên nơi đây. Đó là vẻ đẹp của hương đồng gió nội, của những thửa ruộng bậc thang chín vàng trên những sườn đồi khắp vùng rẻo cao. Sương giăng mắc ôm lấy núi đồi, kỳ ảo như chốn thiên đường. Tôi cũng thật sự ấn tượng với không gian, nét văn hóa thú vị, độc đáo trong tour du lịch cộng đồng khám phá, tìm hiểu văn hóa truyền thống của bà con”.
Đến với Mù Cang Chải bất cứ mùa nào trong năm, du khách cũng sẽ được thỏa thích hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, thưởng thức khí hậu trong lành, mát mẻ mà ít nơi có được. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm những truyền thống văn hóa cộng đồng gắn với văn hóa canh tác ruộng bậc thang; tham gia các các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian bản sắc cùng nhiều lễ hội hấp dẫn hay khám phá, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện thông qua các tour du lịch cộng đồng. Vì thế, số lượng du khách trong nước và nước ngoài đến với Mù Cang Chải ngày càng tăng.
Ông Christian Gondonneau, du khách người Pháp chia sẻ, năm 2018 ông đã đến với Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, trước đây chỉ biết đến Việt Nam qua ti vi nên rất ngỡ ngàng trước cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây. Ông và vợ đã được trải nghiệm một buổi cày ruộng giống như những người nông dân thực thụ để hiểu hơn công việc của chủ nhân những thửa ruộng bậc thang.
Chính bởi ấn tượng đó, mùa lúa vàng năm nay ông Christian Gondonneau lại cùng vợ và con gái đến Mù Cang Chải một lần nữa. “Tôi rất thích khung cảnh đẹp ở đây, nhất là sáng sớm không khí trong lành, mát mẻ bởi xung quanh là những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín. Được chứng kiến người dân gặt lúa và thu hạt bằng cách đập những bông lúa vào chiếc thùng gỗ, tôi đã xin tham gia cùng, bà con rất niềm nở chỉ chúng tôi cách làm, tuy mệt nhưng cảm thấy rất tuyệt vời”, vị khách người Pháp nói.
Sớm đưa Mù Cang Chải trở thành khu du lịch quốc gia
Dự ước năm 2024, Mù Cang Chải đón hơn 350.000 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 25.500 người.
Để có thành công này, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực bảo tồn, duy trì và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là văn hóa Mông, Thái. Đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông giúp du khách dễ dàng tiếp cận các điểm du lịch; thu hút đầu tư xây dựng thêm hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Huyện cũng đã tích cực tận dụng các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, website, ứng dụng di động để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương đến du khách, tổ chức các chiến dịch quảng bá tại các sự kiện… để tiếp cận nhiều hơn đối tượng, phân khúc và thị trường du khách.
Ngoài ra, huyện đặc biệt quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với các loại hình du lịch: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao mạo hiểm. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho dịch vụ du lịch, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên du lịch…
Định hướng phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải đến năm 2030 là: Xây dựng Mù Cang Chải sớm trở thành khu du lịch quốc gia, đón và phục vụ từ 600.000 đến 1 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 30%, tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân 15 - 20%/năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã xây dựng Đề án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, ngoài những tài nguyên đang được khai thác phục vụ khách du lịch, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thu hút đầu tư và khai thác các sản phẩm, địa điểm du lịch tiềm năng như: thung lũng Tà Cua Y, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, rừng hoa Tớ dày La Pán Tẩn; ngắm các loài hoa tự nhiên trên đỉnh Lùng Cúng… Hy vọng, những sản phẩm đặc sắc đang và sẽ được khai thác của Mù Cang Chải sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện”.
Ngay cuối tháng 12 này, mùa du lịch Mù Cang Chải sẽ nối tiếp bởi Festival khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày và các hoạt động chào xuân mới 2025. Sự kiện diễn ra từ ngày 27/12/2024 đến 2/1/2025 với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc, đặc biệt dẫn dụ du khách trong những không gian hồng rực hoa tớ dày mùa bung sắc sẽ hứa hẹn “nối những mùa vui” cho du lịch vùng cao.