Chiều 4/6, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nghe báo cáo về các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản.
Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng/2020.
Xuất khẩu nông sản tăng, cả về số lượng lẫn tổng giá trị, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn trăn trở. Ông đặt câu hỏi: "Thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam là Trung Quốc. Nhưng có ai biết nhu cầu cụ thể về từng mặt hàng của thị trường này không? Nếu bỗng dưng họ dừng nhập khẩu, mọi chuyện sẽ như nào?"
Lấy dẫn chứng về những bài học quá khứ về sầu riêng và tổ yến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá ngành nông nghiệp nước ta vấp phải sự bất cân xứng thông tin. Theo ông, nền sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa theo "quán tính", thay vì định hướng theo thị trường, hoặc dựa trên công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Trong bối cảnh, Việt Nam chưa ký được nhiều nghị định thư, hiệp định thương mại với Trung Quốc, cũng như những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, tiêu thụ nông sản bằng đường tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro.
Để giải quyết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa giải pháp phát triển thị trường nội địa khi tiêu thụ nông sản. Ông phân tích: "Chúng ta phải đặt câu hỏi, là mục tiêu số một là gì? Nếu là tiêu thụ nông sản, thì trong hay ngoài nước cũng đều có lợi nhuận cho bà con. Không lý do gì, chúng ta lại để người tiêu dùng trong nước quay lưng".
Từ cuối năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản không thể lưu thông, dẫn đến hiện tượng "giải cứu nông sản" ở một số tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, những nông sản này thường không truy xuất được nguồn gốc. Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của những nông sản gắn mác "giải cứu" cũng bị bỏ ngỏ.
"Mấy ngày nay, tôi thấy người ta livestream bán vải thiều trên mạng quá trời. Nhưng thực tế, là mọi người mua vì tình thương, vì hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chứ không phải vì chất lượng. Có người mua xong thậm chí không dám ăn", người đứng đầu Bộ NN-PTNT chia sẻ.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, tâm lý người tiêu dùng vẫn e dè với sản phẩm bán trong nước. "Tiềm thức mọi người vẫn là, của ngon đem xuất khẩu, hàng không ngon mới để lại. Họ còn cho rằng, người sản xuất nông sản vẫn duy trình hình thức 'Rau 2 luống. Lợn 2 chuồng", ông Tiệp nói.
Muốn thay đổi quan điểm ấy, ông Tiệp khuyên những người làm nông nghiệp cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cách làm có nhiều, chẳng hạn tham gia hợp tác xã, đạt những chứng chỉ như OCOP, VietGAP, GlobalGAP...
"Yêu cầu của người tiêu dùng với nông sản bây giờ không chỉ sạch, an toàn, mà còn phải rõ xuất xứ nguồn gốc. Nếu tin tưởng, chắc chắn họ sẽ ủng hộ nông sản Việt", ông Tiệp nhấn mạnh.
Với vai trò định hướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị trong Bộ NN-PTNT chuẩn bị chiến lược tiêu thụ nông sản nội địa. Ông đưa ra ba công việc cần làm song song trong thời gian tới. Một, là quảng bá tốt hình ảnh nông sản. Hai, là thông suốt vận chuyển Bắc - Nam. Ba, là gấp rút làm mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản.