Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành 1 (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho biết: Phân đạm urê là đạm vô cơ, lợn và thủy cầm không thể tiêu hóa được. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành 1 - Thanh tra Bộ NN-PTNT. |
Trong tháng 4/2019, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã thực hiện thanh, kiểm tra về lĩnh vực sản xuất vật tư nông nghiệp, xử phạt trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp với Cục An ninh kinh tế thuộc Bộ Công an (A04) kiểm tra một số đơn vị sản xuất phân bón. Bước đầu đã xác định được các dấu hiệu vi phạm như sản xuất sản phẩm phân bón ngoài danh mục; phân bón kém chất lượng, ghi sai nhãn mác hàng hóa. Hiện lực lượng liên ngành đang tập hợp hồ sơ để xử lý.
Song song với đó, Thanh tra Bộ cũng đang phối hợp với Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đi kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, chất xử lý môi trường thủy sản. Lực lượng liên ngành đã phát hiện có sản phẩm không ghi tên hoạt chất mà chỉ ghi công thức hóa học của hoạt chất đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng.
“Chúng tôi nghi đây là một loại kháng sinh cấm. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với C03 để truy xuất và xử lý nghiêm. Cách đây 3-4 năm rộ lên hành vi vi này, nhưng nay lại xuất hiện trở lại”. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp với công an để làm rõ việc có hay không các doanh nghiệp nhập khẩu bột xương thịt để làm phân bón, nhưng sau đó lại bán ra ngoài thị trường (làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi – PV).
Trước đó, năm 2018, Báo NNVN cũng đã có bài viết “Đường đi của bột xương thịt nhiễm khuẩn vào Việt Nam”. Theo quy định, bột xương và bột thịt xương dùng làm thức ăn chăn nuôi không được có khuẩn E.Coli (trong 1g mẫu) và Salmonella (trong 25g mẫu). Tuy nhiên, bằng nhiều con đường khác nhau, hàng ngàn tấn bột xương thịt nhiễm khuẩn vượt ngưỡng cho phép, không đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn được tuồn vào Việt Nam, tạo ra nguy cơ phát tán mầm bệnh trên vật nuôi.
Lực lượng chức năng kiểm tra một sơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. |
Từ tháng 8/2017 đến tháng 6/2018, đã có hàng chục lô hàng hóa với tổng khối lượng trên 4.000 tấn là bột xương thịt nhập khẩu vào VN bị phát hiện nhiễm khuẩn E.Coli và Salmonella. Sau khi phát hiện các lô hàng vi phạm trên, Cục Chăn nuôi đã tổ chức một hội nghị lấy ý kiến các đơn vị liên quan để bàn về hướng xử lý 7 lô hàng này.
Trong đó, đại diện Thanh tra Bộ NN-PTNT đề nghị ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần phải xem xét xử lý theo hướng buộc tiêu hủy hoặc tái xuất những lô hàng nhiễm khuẩn Salmonella vượt giới hạn cho phép theo điểm d, khoản 11, điều 15 Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Tuy nhiên sau đó, Cục Chăn nuôi cho phép các DN xử lý nhiệt các lô hàng nhiễm vi khuẩn. Sau khi xử lý nhiệt, nếu kiểm tra không phát hiện vi khuẩn Salmonella thì sẽ được lưu hành trên thị trường.