Sáng 10/12, diễn ra Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người, giai đoạn 2021-2025. Hội thảo tổng kết những thành tựu trong công tác triển khai nhiệm vụ và mục tiêu Khung đối tác Một sức khỏe năm 2024, nhấn mạnh sự phối chặt chẽ giữa 3 cơ quan đồng chủ trì, trong đó có Bộ NN-PTNT trong các lĩnh vực trọng tâm, quản lý tốt các nguy cơ đại dịch
Tổng kết năm 2024, ông Đặng Bá Khanh, Chuyên viên Phòng dịch tễ, Cục Thú y thông tin: "Cục Thú y đã triển khai các hoạt động phòng, chống truyền dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật,... theo Khung đối tác Một sức khỏe, khai thác hiệu quả các thông tin bệnh dịch lây từ động vật từ Hệ thống VAHIS."
Ngoài ra, về hợp tác quốc tế, Cục Thú y và Tổ chức FOUR PAWS đã đồng chủ trì cuộc họp Nhóm công tác Động vật đồng hành lần thứ 2 về vấn đề phòng chống bệnh dại, quản lý đàn nhân đạo, cứu hộ động vật trong thiên tai và xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam.
Báo cáo trong năm 2024, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và động vật hoang dã ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp. Dịch cúm A/H5N1, đã phát hiện 14 ổ dịch tại 9 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 97.000 con gia cầm. Trên người, có 1 ca tử vong do cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa và 2 ca mắc cúm lợn chủng H1N1 tại Tiền Giang và Sơn La.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 269 ổ dịch dại trên động vật tại 36 tỉnh, tăng 14,95% so với cùng kỳ năm 2023. Về người, cả nước có 82 ca tử vong do bệnh dại, tăng 5 ca so với năm ngoái. Một số bệnh truyền lây từ động vật sang người khác được ghi nhận như nhiệt thán, liên cầu lợn...
Đặc biệt xuất hiện các ổ dịch cúm trên động vật hoang dã gây tử vong cho 20 cá thể hổ và 1 cá thể báo đen tại Khu du lịch Vườn Xoài (Đồng Nai). Tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An), dịch cúm A/H5N1 cũng làm chết 27 con hổ và 3 con sư tử.
Đại diện Cục Thú y thông tin thêm: "Tỷ lệ tiêm phòng đạt 59,55% tổng đàn chó, mèo, tăng 7-8% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác phòng chống bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn, và số người tử vong do bệnh này vẫn có xu hướng gia tăng. Việt Nam hiện có khoảng 7,2 triệu chó, mèo nuôi trong 4,2 triệu hộ gia đình, ghi nhận nhiều nhất tại Hà Nội và Nghệ An."
Theo ông Đặng Bá Khanh, Cục Thú y sẽ tiếp tục ưu tiên nội dung kiểm soát bệnh dịch truyền lây từ động vật sang người: ngăn chặn xâm lấn mầm bệnh mới từ nước ngoài vào Việt Nam, cải thiện hệ thống giám sát bệnh dịch, cũng như hệ thống giám sát kháng kháng sinh (AMR), các hệ thống ứng phó, hợp tác đa ngành về AMR và an toàn thực phẩm, điều phối và hợp tác với Cục y tế dự phòng tổ chức hội nghị xác định bệnh truyền lây về động vật sang người theo Khung đối tác Một sức khỏe.
Hàng năm, Cục Thú y tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành các hoạt động liên quan đến quản lý dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người. Hệ thống ngành thú y đảm bảo đủ nhân lực triển khai các biện pháp phòng chống bênh truyền lây thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.