| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 2] Sản phẩm sẽ xuất khẩu

Thứ Tư 04/12/2024 , 09:02 (GMT+7)

Entobel hiện đang có 2 nhà máy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn nhất châu Á tại Việt Nam, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Gaetan Crielaard, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Entobel để cùng trao đổi về những thành tựu đạt được và định hướng trong phát triển chăn nuôi, sản xuất sản phẩm từ ruồi lính đen tại Việt Nam.

Giảm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn

Đâu là lý do mà Entobel quyết định đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen tại Việt Nam?

Câu chuyện của Entobel bắt đầu từ một bài luận văn thạc sĩ của chúng tôi tại Bỉ. Alex, đồng sáng lập Entobel và tôi đã nghiên cứu những vấn đề và thách thức lớn mà hành tinh phải đối mặt trong những thập kỷ tới. Dự báo rằng đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 10 tỷ người và nhu cầu về protein sẽ ngày càng tăng. Việc cung cấp thực phẩm sẽ trở thành một trong những thách thức chính.

Vào năm 2012, chúng tôi đã đọc một bài báo từ FAO cho rằng côn trùng có thể là một nguồn protein tiềm năng cho tương lai. Chúng tôi đã thực hiện luận văn thạc sĩ về chủ đề này. Kết luận của luận văn là việc sản xuất côn trùng quy mô lớn với giá cả cạnh tranh sẽ mang lại lợi thế lớn nếu được thực hiện ở một quốc gia nhiệt đới.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Entobel tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Bình.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Entobel tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Bình.

Chúng tôi đã khảo sát nhiều quốc gia và cuối cùng quyết định chọn Việt Nam, với khí hậu là một yếu tố quan trọng. Ruồi lính đen là một loài côn trùng tự nhiên sống ở vùng nhiệt đới. Môi trường sống và nhiệt độ phù hợp sẽ cho phép chúng tôi sản xuất ruồi lính đen một cách hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu lượng carbon thải ra.

Lý do thứ hai là chúng tôi tìm kiếm một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Chúng tôi cần rất nhiều phụ phẩm có giá trị thấp để nuôi côn trùng. Việt Nam cung cấp rất nhiều phụ phẩm, từ ngành đường, khoai mì, trái cây cho đến ngành bia. Entobel đang hợp tác với Heineken tại Việt Nam. Lý do thứ ba là thị trường. Chúng tôi tin rằng protein từ côn trùng có rất hữu ích cho ngành nuôi trồng thủy sản, thay thế bột cá.

Bột cá được sản xuất từ cá đánh bắt ở đại dương, thường là từ bờ biển Peru hoặc các quốc gia xa xôi khác. Sau đó, bột cá này được nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng làm thức ăn cho tôm và cá. Chúng tôi cung cấp một giải pháp địa phương, giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời tạo ra chuỗi thực phẩm bền vững hơn.

Ấu trùng ruồi lính đen được Entobel sản xuất thành 3 sản phẩm chính với công suất 11.000 tấn/năm. Ảnh: Lê Bình.

Ấu trùng ruồi lính đen được Entobel sản xuất thành 3 sản phẩm chính với công suất 11.000 tấn/năm. Ảnh: Lê Bình.

Sau một năm hoạt động, hiệu suất của nhà máy của Entobel về mặt sản xuất như thế nào?

Vào năm 2022, chúng tôi đã chào đón các đối tác của mình, Mekong Capital và Dragon Capital, cũng có trụ sở tại Việt Nam, trở thành cổ đông. Chúng tôi đã xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu từ côn trùng lớn nhất ở Đông Nam Á và châu Á. Quá trình tăng trưởng đang diễn ra khá thuận lợi.

Tất nhiên, việc mở rộng quy mô cũng gặp phải những thách thức riêng. Đầu năm nay, chúng tôi đã đối mặt với một số thách thức trong quá trình mở rộng, nhưng những vấn đề đó đã nhanh chóng được khắc phục.

Chúng tôi đạt tỷ lệ sử dụng từ 40 - 50% với sản phẩm có chất lượng ổn định và đã được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam sử dụng. Chúng tôi rất hài lòng với thành tựu này và tin rằng đây là một trong những quá trình tăng trưởng nhanh nhất của ngành côn trùng trên toàn cầu. Chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao tỷ lệ sử dụng hơn nữa trong năm tới.

Tại Entobel, chúng tôi sản xuất ba sản phẩm chính từ ruồi lính đen. Chúng tôi nhận nguyên liệu đầu vào và ấu trùng ruồi lính đen sẽ chuyển đổi các nguyên liệu đó. Sau 7 - 8 ngày phát triển, chúng tôi thu hoạch ấu trùng, sau đó sấy khô và chiết xuất dầu từ chúng.

Một trong những sản phẩm của chúng tôi là dầu côn trùng. Sản phẩm này có thể thay thế những loại dầu thường được nhập khẩu vào Việt Nam như dầu cọ, dầu đậu nành hoặc dầu dừa. Vì vậy, chúng tôi cung cấp một giải pháp địa phương cho các nông dân và các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giúp họ giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước khác.

Bột côn trùng với hàm lượng protein từ 53 - 55%, là sản phẩm chính của chúng tôi và có thể thay thế bột cá cùng các nguồn protein động vật khác trong chế độ ăn của tôm và cá. Một sản phẩm khác mà tôi nghĩ ít được nhắc đến trong ngành côn trùng là phụ phẩm côn trùng.

Phụ phẩm côn trùng thực chất là phân thải của côn trùng hoặc những gì chúng không thể tiêu hóa. Đây thực sự là một loại phân bón rất tốt, có thể được sử dụng cho trái cây cũng như các loại cây trồng như gạo, cà phê…

Dây chuyền sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen của Entobel được tự động hóa bằng robot. Ảnh: Lê Bình.

Dây chuyền sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen của Entobel được tự động hóa bằng robot. Ảnh: Lê Bình.

Sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu

Sau một năm hoạt động tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam, ông nghĩ gì về những thách thức và cơ hội của thị trường Việt Nam?

Đầu năm 2019, Entobel đã xây dựng nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất và chế biến côn trùng lớn nhất thế giới tại Đồng Nai, với công suất hàng năm đạt 1.000 tấn bột thức ăn chăn nuôi. Cuối năm 2023, chúng tôi tiếp tục khánh thành một nhà máy với công suất 10.000 tấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những thách thức, theo tôi, chủ yếu đến từ thị trường hiện tại. Thị trường yêu cầu bột côn trùng phải rất cạnh tranh, vì chúng tôi đang thay thế một số sản phẩm thường dùng như bột cá và bột đậu nành. Giá của những sản phẩm đó năm nay đã giảm.

Vì vậy, trọng tâm chính của Entobel hiện nay là giảm chi phí và trở nên cạnh tranh hơn nữa để ngành côn trùng trở nên phổ biến hơn. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu này cho nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chúng tôi rất tự tin rằng năm nay hoặc năm sau, chúng tôi sẽ có thể chứng minh tính khả thi của mô hình kinh doanh quy mô lớn này tại Việt Nam.

Entobel kỳ vọng sẽ sớm xuất khẩu các mặt hàng từ ruồi lính đen được sản xuất tại Việt Nam sang Châu Âu và các nước trong khu vực Châu Á. Ảnh: Lê Bình.

Entobel kỳ vọng sẽ sớm xuất khẩu các mặt hàng từ ruồi lính đen được sản xuất tại Việt Nam sang Châu Âu và các nước trong khu vực Châu Á. Ảnh: Lê Bình.

Kế hoạch mở rộng của Entobel trong những năm tới là gì, thưa ông?

Ngành côn trùng hiện vẫn chưa phát triển mạnh mẽ và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của ngành này. Chúng tôi đã phát triển công nghệ tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua và nhận thấy có rất nhiều hướng đi khác nhau để giúp ngành này trở nên phổ biến hơn.

Đầu tiên, chúng tôi đang nói đến quy mô. Entobel áp dụng mô hình tập trung, với tính kinh tế quy mô rất quan trọng. Chúng tôi có nhiều tự động hóa, nhưng chúng tôi cũng tin rằng nông dân có thể nuôi côn trùng ở quy mô nhỏ hơn và thu gom chất thải tại địa phương cũng là một lựa chọn khả thi.

Entobel đã tuân thủ quy định của EU về nguyên liệu làm thức ăn cho côn trùng. Chúng tôi chỉ sử dụng các phụ phẩm từ thực vật trước tiêu thụ. Chúng tôi đang nói về bã bia từ Heineken và từ ngành bia nói chung, phụ phẩm từ khoai mì, từ gạo. Tất nhiên, nguồn phụ phẩm này có chi phí cao, nhưng nó đảm bảo tính tin cậy, chất lượng và cho phép Entobel đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất ở Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Một sự thay đổi có thể xảy ra nếu chúng tôi sử dụng các sản phẩm phụ từ trái cây. Nguồn phụ phẩm có phần khó quản lý hơn (theo mùa), nhưng đó là một giải pháp mà chúng tôi có thể cung cấp cho các nhà máy chế biến trái cây. Nếu bạn đi sâu hơn vào các loại phụ phẩm và cách thức sử dụng, thực sự sẽ mang lại nhiều cơ hội để sản xuất nhiều bột côn trùng với giá cả cạnh tranh hơn. Đây là điều chúng tôi cũng đang xem xét rất kỹ lưỡng cho Việt Nam.

Chúng tôi cũng hoan nghênh sự hợp tác của Chính phủ, nông dân và ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tìm kiếm các cơ hội mới ở các quốc gia khác, bao gồm cả Indonesia, nơi chúng tôi muốn tận dụng các phụ phẩm từ ngành chế biến dầu cọ. Đây là một ngành rất lớn và chúng tôi tin rằng có nhiều tiềm năng tăng trưởng cao cho ngành côn trùng ở Indonesia.

Xin cảm ơn ông.

(thực hiện)

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.