Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 210/NQ-CP về việc chấm dứt Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn.
Kể từ ngày 30/10/2024, việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu được thực hiện theo quy định về nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại khoản 7 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và các quy định pháp luật liên quan.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, qua 2 năm triển khai đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo đầy đủ điều kiện cho hoạt động nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện đề án (tính từ 1/10/2021) chỉ có duy nhất 1 lô hàng nhập khẩu của Công ty CP Dược liệu Việt Nam, trị giá 433.208 USD với trọng lượng 23,4 tấn. Tỉnh Lạng Sơn cho rằng, con số này không đạt mục tiêu mà đề án đề ra.
Một trong những yếu tố khiến việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma không đạt kỳ vọng, là do sau khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu nhập khẩu đã cơ bản chuyển sang thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế. Số khác thực hiện qua cửa khẩu đường sắt. Do vậy, họ chưa thực sự quan tâm tới việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm.
Do dược liệu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, trong quá trình kiểm nghiệm mẫu dược liệu, ngoài việc kiểm tra dược tính thì dược liệu phải đảm bảo độ ẩm, độ tươi… nên doanh nghiệp rất quan tâm đến các kho bảo quản. Nhưng khu vực cửa khẩu Chi Ma hiện vẫn chưa có kho chuyên dụng đạt chuẩn để bảo quản mặt hàng dược liệu theo quy định.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma chủ yếu vẫn theo phương thức mậu dịch cặp chợ nên hiệu suất thông quan chưa thể so sánh được với các cửa khẩu quốc tế. Chủng loại mặt hàng còn ít và chưa được mở rộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Các hàng hóa dược liệu có đặc điểm chung là nhập khẩu dưới dạng sơ chế, nguồn gốc chủ yếu từ nông sản, lâm sản, không có bao bì, nhãn hàng hóa rõ ràng. Điều này gây khó khăn trong nhận diện, phân biệt hàng hóa khi kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm, thời gian kiểm nghiệm đối với các mặt hàng này thường kéo dài vài ngày, làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp. Chính những điều này khiến doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu chưa thực sự quan tâm với việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu này.
Dù tỉnh Lạng Sơn đã bố trí máy móc, thiết bị đáp ứng đầy đủ điều kiện kiểm tra chất lượng khi phát sinh nhập khẩu dược liệu; đồng thời thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm liên tục chất lượng dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu, tình hình vẫn không khả quan.
Dựa trên những đánh giá trên, vào cuối tháng 9/2023, tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép dừng triển khai thực hiện đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu và sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ về hoạt động này vào thời điểm thích hợp.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao sớm trao đổi với các bộ, ngành liên quan phía Trung Quốc để thống nhất thời gian làm việc của loại hình cửa khẩu song phương tại cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm, đồng thời bổ sung vào phụ lục của Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Đầu tháng 1/2024, Bộ Y tế cũng gửi báo cáo Thủ tướng tổng kết 2 năm thực hiện đề án. Trong đó, Bộ này nhấn mạnh, từ khi bắt đầu thực hiện đề án đến hết năm 2022, Trung Quốc thường xuyên áp dụng các biện pháp, chính sách kiểm soát chặt chẽ Covid-19, khiến việc xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn.
Bộ cũng đồng tình với ý kiến của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc dừng triển khai thực hiện đề án thí điểm.