| Hotline: 0983.970.780

Đường cát lậu tràn biên

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:18 (GMT+7)

Bước vào mùa Giáng sinh và Tết Nguyên đán, tại khu vực biên giới Tây Nam lại nóng lên với những mặt hàng nhập lậu như đường cát Thái, thuốc lá và mỹ phẩm...

Vận chuyển đường cát Thái từ xã Khánh An (An Phú) về thị xã Châu Đốc

Bước vào mùa Giáng sinh và Tết Nguyên đán, tại khu vực biên giới Tây Nam lại nóng lên với những mặt hàng nhập lậu như đường cát Thái, thuốc lá và mỹ phẩm. Trong số đó, đường cát lậu luôn được xem là mặt hàng nóng nhất.

Tấp nập trên bộ

Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang đang tồn tại hai “thủ phủ” đường cát lậu ở các xã vùng ven biên như thị trấn Long Bình, xã Khánh An, Khánh Bình (huyện An Phú) và xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc). Trên đường từ cầu Cồn Tiên về các xã vùng ven biên của huyện An Phú, không ít lần chúng tôi phải né xe vì cánh buôn lậu giành đường. Từ tỉnh lộ 956, có rất nhiều con hẻm nhỏ chạy thẳng xuống bờ sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) là những cung đường chính để cánh buôn lậu vận chuyển hàng.

Trung bình mỗi xe gắn máy chở từ 3 đến 5 bao đường cát còn nguyên những dòng chữ Thái chứ không cần phải “lột xác”. Cá biệt, có xe còn khệ nệ chất đầy gần cả chục bao đường và lao vun vút về hướng cầu Cồn Tiên để giao lại cho ông chủ tên T. tại chợ Châu Đốc. Quang cảnh tấp nập này chỉ diễn ra khi các lực lượng chống buôn lậu vắng mặt.

Theo lời một người dân tại xã Khánh An cho biết, suốt gần tuần lễ nay, các lực lượng chức năng ở địa phương  triển khai bắt giữ hàng lậu khá ráo riết. Tuy nhiên, cũng theo lời người dân, hiện nay dân buôn lậu rất ma mãnh. Họ có cả một lực lượng khá hùng hậu chuyên làm nhiệm vụ theo dõi và giám sát toàn bộ tuyến đường dài trên 30 km này. Khi phát hiện người lạ mặt hoặc nghi ngờ cán bộ chống buôn lậu thì chỉ cần một cú nhấc máy alô là ngay lập tức hàng lậu được tẩu tán vào nơi an toàn và các kho chứa cũng nằm im bất động. Trò chơi "cút bắt" cứ diễn ra, và ngày nào mặt hàng này cũng được vận chuyển trót lọt với hàng trăm tấn về một đầu mối duy nhất ở chợ Châu Đốc.

Lần theo xe chở đường lậu, chúng tôi phát hiện thêm một điểm tập kết hàng tại khu vực ấp Phước Quản, xã Đa Phước (huyện An Phú). Tại đây, thường xuyên có một chiếc xe tải chực chờ ăn hàng sát mé sông. Một người dân sống gần khu vực này cho biết, đây là một bãi tập kết đã tồn tại từ nhiều năm nay. Có một điều lạ là bãi tập kết hoạt động công khai, cách văn phòng ấp Phước Quản chưa đầy 100 mét. Từ mé sông này, sau khi đưa hàng lên xe tải, dân buôn phải vượt qua một đoạn đường đất khoảng 1 km và qua khu dân cư ấp Hà Bao I để kết nối với đường tỉnh 956 qua cầu Cồn Tiền về lại chợ Châu Đốc giao hàng.

“Từ mấy năm nay, dân ở đây vui mừng vì có con lộ rải đá cấp phối để đi lại dễ dàng, không còn cảnh trơn trượt như trước nữa. Vậy mà cũng không được bao lâu thì con lộ này lại hư hỏng vì xe tải chờ đồ lậu hoành hành suốt ngày đêm. Tui nghĩ, nếu mấy ổng (lực lượng chống buôn lậu) ra tay thực sự thì hàng lậu cũng khó bề trốn thoát. Bởi vì đây là con lộ rất hẹp, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe tải chạy. Mấy ổng chỉ cần đứng chờ ở ngoài đầu đường thì con kiến cũng không chui qua lọt chứ nói chi là chiếc xe tải”- người dân này bức xúc nói.

Dập dìu dưới sông

Từ bên này bờ sông Bình Di của xã Khánh An, chúng tôi qua chuyến đò ngang về bên kia biên giới. Từ giữa dòng sông (ranh giới giữa hai nước) có nhiều ghe hạng nặng chở đường cát Thái đang nằm ngụy trang bằng những tấm bạt nhựa phủ lên trên. Từ ấp Bắc Nam lên ấp Mương Vú (xã Bẹc Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal) dài khoảng 4 km đã có không dưới 7 ghe đường cát nằm rải rác chờ thời cơ để dỡ hàng.

Một Việt kiều sống tại đây cho biết, giáp Tết, những chiếc ghe này chở đủ các mặt hàng có xuất xứ từ Nam Vang (Campuchia) như đường cát Thái, gạo và một số nhu yếu phẩm khác. Thông thường, khi trời vừa nhá nhem tối là tất cả những kiện hàng trên các ghe cả chục tấn này mới được bốc lên kho. Người này còn cho biết thêm, hầu hết các kho chứa và ghe chở đường cát Thái tại khu vực đều do ông chủ T. ở Châu Đốc thao túng.

Còn trên địa bàn xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) nơi giáp ranh với đất bạn, cánh buôn lậu cũng vận chuyển đường cát bằng vỏ lãi loại lớn và hoạt động rất công khai. Khu vực ấp Vĩnh Chánh 1 (Vĩnh Ngươn) được xem như ốc đảo giữa đồng bằng nên dân buôn lậu chỉ vận chuyển hàng bằng đường kênh. Địa điểm nhận và tập kết hàng vẫn không có gì thay đổi. Vào thời điểm này, tại khu vực gò Tà Mâu, đường cát Thái được chất thành hàng dài để sẵn sàng tuồn vào nội địa. Bãi tập kết hàng vẫn là địa điểm quen thuộc bên kia bờ sông Hậu tại ấp Phước Quản (xã Đa Phước, huyện An Phú). Chỉ riêng về thời gian hoạt động là có sự thay đổi.

Theo anh H, một người dân ở ấp Vĩnh Chánh I, hiện tại cánh buôn lậu mặt hàng đường cát Thái đã chuyển sang hoạt động từ sáng sớm cho tới giữa trưa cùng ngày. Nếu như trước đây họ dùng vỏ lãi loại nhỏ để vận chuyển thì nay đã tăng cường loại lớn, có thể chất lên được 50 bao đường mỗi lượt. Mỗi ngày có khoảng 50 chiếc chia làm nhiều nhóm để luân phiên nhau đi lấy và giao hàng. Với số lượng phương tiện vận chuyển hùng hậu này, chỉ trong vòng một buổi sáng là có khoảng 50 tấn đường được đưa vào sâu trong nội địa.

Kênh Chắc Ri với chiều dài khoảng 1,5 km là tuyến huyết mạch để các con buôn đi hàng. Nước kênh Chắc Ri mùa này không ngừng bị xới tung bởi những những chiếc máy có công suất lớn. Đặc biệt, vào thời điểm này, tại hai bên đầu cầu kênh Chắc Ri, cánh đầu nậu còn lập hai “trạm kiểm soát” để giám sát việc ra vào của những người lạ mặt đến đây. Tuy nhiên, có một điều lạ nữa là khi chúng tôi đến khu vực này, ngoài việc bị cánh đầu nậu giám sát chặt chẽ thì dường như còn có sự theo dõi của lực lượng tại địa phương(?!).

Điển hình như khi chúng tôi đi ngang qua văn phòng ấp Vĩnh Chánh I thì có một người chạy bám đuôi. Khi chúng tôi giả vờ dừng lại hỏi thăm đường một hộ dân nơi đây thì anh ta cũng dừng lại…Trong khi đó, dưới dòng kênh Chắc Ri vẫn có hàng chục vỏ lãi lượn lờ, xuôi ngược chở hàng. “Lẽ nào cán bộ địa phương lại đi làm thuê cho cánh đầu nậu? Nếu không thì tại sao không báo cáo với cơ quan chống buôn lậu để ngăn chặn tình trạng này?”- tôi hoài nghi.

Chỉ 1 giờ đồng hồ đứng trên cầu kênh Chắc Ri, chúng tôi đếm được có gần 20 vỏ lãi chở đường lậu cứ ra vào thoải mái ở khu vực này mà không gặp bắt cứ khó khăn gì. Và cứ thế, đường cát lậu được đưa đều đặn vào trong nước và tự “lột xác” để đem đi tiêu thụ tràn lan ở các chợ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.