| Hotline: 0983.970.780

Cây trúc sào đồng hành cùng người thiểu số thoát nghèo

Thứ Sáu 29/07/2022 , 13:14 (GMT+7)

Cây trúc sào hơn chục năm qua như người bạn đồng hành hỗ trợ hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Những rừng trúc xanh ngút ngàn ở huyện Nguyên Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những rừng trúc xanh ngút ngàn ở huyện Nguyên Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vua trúc đem tiền mở đường lên núi

Nhiều người dân ở xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình thường nhắc về ông Lý Văn Sinh, dân tộc Mông, xóm Xà Pèng là người hâm dở khi đem cả mấy trăm triệu để đầu tư mở đường lên rừng trúc trên núi.

Ông Sinh sinh năm 1960 tại xã Thanh Long, huyện Hà Quảng. Năm 1966, ông theo bố mẹ di cư về sinh sống tại xóm Xà Pèng, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình. Năm 1979 học hết lớp 7, ông tham gia công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình hơn 10 năm rồi về làm huyện đoàn. Thời điểm đó thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, ông tham gia dạy các lớp học xóa mù chữ tại xóm, dạy học cho trẻ mầm non tại xã đến năm 2000 thì nghỉ.

Sau khi nghỉ dạy học, được cấp ủy, chính quyền xã Ca Thành và huyện Nguyên Bình tuyên truyền, vận động bà con phát triển trồng trúc sào trên đất trống, đồi núi trọc, ông nhận 4 ha đất đồi núi trọc bỏ hoang để trồng cây trúc sào, hằng năm đều nhân rộng diện tích trồng cây trúc.

Sau 6 - 7 năm trồng, chăm sóc cây trúc được khai thác, ban đầu với số diện tích trúc sào chưa nhiều, nhưng nhờ có cây trúc sào, hằng năm gia đình  tận dụng khai thác tỉa thưa bán từ 4 - 6 xe trúc, thu nhập 25 - 30 triệu đồng/năm. Từ tiền bán trúc gia đình mua thêm đất rẫy, các vườn trúc sào các hộ trong xóm di cư đi miền Nam, tiếp tục nhân rộng diện tích trúc sào. Đến năm 2012, gia đình có diện tích trúc sào hơn 10 ha và được bà con gọi là "Vua trúc Nguyên Bình".

Năm 2013, xóm được Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng đầu tư mở từ đường Quốc lộ 34 rẽ lên xóm. Tuy nhiên, dự án chỉ đầu tư được 750 m đường cấp phối thì không còn vốn. Để đến được xóm, con đường còn  hơn 1 km nhưng để chờ Nhà nước đầu tư sẽ khó khăn, phải chờ thêm thời gian dài.

Ông Lý Văn Sinh, xóm Cà Pèng, xã Ca Thành được coi là 'vua trúc' huyện Nguyên Bình. Ảnh: Âu Vượng

Ông Lý Văn Sinh, xóm Cà Pèng, xã Ca Thành được coi là “vua trúc” huyện Nguyên Bình. Ảnh: Âu Vượng

Ông Sinh kể lại: Thời điểm những năm 2010 - 2012, mỗi năm gia đình tôi bán vườn trúc với giá 120 - 130 triệu đồng, nhưng muốn khai thác phải thuê người chặt rồi vác qua vai đi bộ theo đường mòn, dốc thẳng đứng. Bán được xe trúc thì phải vận chuyển hàng chục ngày, rất vất vả nên trừ chi phí thuê chặt, vác xuống đường thì chỉ còn nhận được 30 - 40 triệu đồng.

Tôi nghĩ để cây trúc sào phát triển, tạo thu nhập, giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo phải có đường lên xóm và đường vào rừng trúc. Tuy nhiên, người dân nơi đây cơ bản là hộ nghèo rất khó huy động đóng góp để làm đường.

Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, ông bàn với gia đình muốn có đường lên xóm cần bỏ tiền từ bán vườn trúc của gia đình đầu tư làm đường. Mới đầu tính để mở đường chỉ cần khoảng 100 triệu đồng, gia đình khai thác bán 20 xe trúc thu hơn 130 triệu đồng. Đem tiền thuê máy xúc đến làm nhưng mới được đoàn đường 600 - 700 m thì hết tiền.

Cây trúc đem lại đời sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nguyên Bình. Ảnh: Toán Nguyễn

Cây trúc đem lại đời sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nguyên Bình. Ảnh: Toán Nguyễn

Ông quyết định khai thác hết số trúc sào đã đến tuổi thu hoạch được thêm 30 xe, bán được hơn 200 triệu đồng để làm tiếp đoạn đường còn lại vào rừng trúc của xóm với chiều dài hơn 1 km. Tổng chi phí con đường hết hơn 300 triệu đồng. Năm 2021, ông lại đầu tư thêm 150 triệu đồng mở thêm đường vào sâu vườn trúc của gia đình để dễ dàng khai thác, vận chuyển trúc.

Nhờ mở đường vào vườn trúc nên diện tích hơn 10 ha ông Sinh trồng cứ đến mùa vụ là xe tải có thể vào đến tận vườn thu hoạch. Những năm trúc được giá, gia đình ông thu hoạch từ 400 - 500 triệu đồng.

Bạn đồng hành giúp người thiểu số thoát nghèo

Ông Hoàng Tòn Sao, Chủ tịch UBND xã Ca Thành thông tin: Xã có 9/9 xóm trồng trúc, tập trung chủ yếu ở các xóm: Khuổi Mỵ, Nặm Dân, Nộc Soa, Xà Pèng… với tổng diện tích hơn 600 ha, trong đó khoảng 570 ha cho khai thác. Gần 100% hộ dân trong xã trồng trúc, trung bình từ vài nghìn m2 đến 2 ha, nhiều gia đình có từ 4 - 5 ha trúc.

Mỗi xe trúc có trị bằng cả tấn thóc. Ảnh: Âu Vượng

Mỗi xe trúc có trị bằng cả tấn thóc. Ảnh: Âu Vượng

Năm 2021, cả xã bán khoảng 1.700 xe trúc, thu gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, xã vẫn còn 75% hộ nghèo, 17% hộ cận nghèo vì diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, địa hình chủ yếu là đồi dốc nên rất khó để phát triển những loại cây trồng khác. Trong khi muốn mở rộng diện tích trồng trúc cũng khó khăn vì phần lớn diện tích đất tự nhiên của xã là đất rừng phòng hộ.

Đầu những năm 1990, nhận thấy cây trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương nên huyện Nguyên Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc vào trồng mở rộng diện tích.

Thông qua các chương trình 327 (giai đoạn 1994 - 2000), chương trình 5 triệu ha rừng (2000 - 2010), chương trình PAM, dự án trồng trúc sào của tỉnh… huyện Nguyên Bình tập trung hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào cho bà con. Từ năm 2010 đến nay, huyện Nguyên Bình đưa trúc sào vào chương trình sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp của huyện.

Trúc sào Nguyên Bình được sử dụng làm chiếu trúc xuất khẩu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trúc sào Nguyên Bình được sử dụng làm chiếu trúc xuất khẩu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nông Quốc Hùng, Bí thư huyện ủy Nguyên Bình khẳng định: Cây trúc từ lâu được coi là cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo ở huyện Nguyên Bình. Toàn huyện có 16/17 xã trồng trúc với tổng diện tích gần 2.300 ha trúc sào, trong đó hơn 1.800 ha cho thu hoạch.

Năm 2021, huyện bán ra hơn 5.500 xe trúc, thu hơn 30 tỷ đồng. Hộ ít thu nhập 20 - 30 triệu/năm, hộ nhiều thu hơn 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân, trong đó có nhiều hộ dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn như dân tộc Mông, Dao vươn lên thoát nghèo từ trồng trúc.

Thời gian tới, huyện tận dụng các nguồn vốn đầu tư thêm các tuyến đường bê tông các xóm, đường nội vùng để người dân thuận lợi trong khai thác, vận chuyển và mở rộng diện tích trồng trúc. Hiện nay, trên địa bàn thành phố và huyện Nguyên Bình có 3 nhà máy sản xuất chiếu trúc và các sản phẩm từ trúc sẽ là lợi thế để huyện tiếp tục vận động bà con dân tộc thiểu số tiếp tục mở rộng diện tích trồng trúc, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.