Ngày 14/10, UBND thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ sạt lở gây sập tường nhà dân.
Trước đó, vào khoảng 8h cùng ngày, trên địa bàn thị trấn Ái Nghĩa có mưa lớn. Thời điểm này, một lượng lớn đất đá bất ngờ bị sạt, tràn vào nhà ông Trần Quang Thôn (thị trấn Ái Nghĩa) khiến vỡ mảng tường phía sau, đồ đạc trong nhà bị hư hỏng.
May mắn là lúc sạt lở trời đã sáng, mọi người kịp thời chạy ra khỏi nhà nên không có thiệt hại về người. Ngay sau đó, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, ghi nhận đất đá tràn vào nhà ông Thôn khiến phòng ngủ, bếp ăn, phòng thờ bị sập. Hiện tại gia đình ông Thôn đã được di dời đến khu vực an toàn.
Theo UBND thị trấn Ái Nghĩa, trước diễn biến mưa lớn tiếp tục kéo dài, nguy cơ sạt lở đất sẽ tiếp tục xảy ra, chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân sống ven điểm sạt lở tạm thời sơ tán, trú nhờ nhà người thân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Ở xã Đại Cường (huyện Đại Lộc), mưa lớn liên tục 2 ngày qua kéo theo nước thượng nguồn đổ về khiến nhiều điểm trên bờ sông Vu Gia bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến hơn 200 hộ dân. Khu vực xảy ra sạt lở nằm ngay tuyến đường độc đạo vào thôn Khương Mỹ với chiều dài gần 100m, ăn sâu vào bờ từ 4-5m. Nhiều vị trí sạt lở chỉ cách nhà ở của một số hộ dân khoảng hơn 100m.
Theo ông Phan Phước Mơ, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, nếu tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp và không có biện pháp tu bổ, sửa chữa kè kịp thời thì gần 200 hộ dân thôn Khương Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập hoàn toàn. Trước tình hình này, chính quyền xã Đại Cường đã huy động gần 200 người gồm công an, dân quân tự vệ và người dân đóng bao tải cát, đóng cọc tre làm kè để gia cố vị trí sạt lở. Đồng thời báo cáo vụ việc lên UBND huyện Đại Lộc tìm phương án xử lý.
Mưa lớn cũng khiến cho nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Khu vực ngầm sông Trường (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) hiện cũng đã ngập sâu hơn 1m, các phương tiện không lưu thông được, phải chuyển sang đường tránh. Ngoài ra, tuyến đường ĐH5 và ĐH10 (từ xã Trà Dơn vào Trà Leng, huyện Nam Trà My) cũng bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, dự báo, trong 2 ngày tới, các địa phương trên địa bàn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến ở vùng núi phía Bắc từ 100 – 250mm, có nơi trên 300mm. Các địa phương đồng bằng và vùng núi phía Nam phổ biến từ 150 – 300mm, có nơi trên 450mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1-2.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, sau 2 ngày mưa lớn, đến nay, các cầu tràn: Thạch Nham; Sơn Giang - Sơn Linh; Tầm Linh, xã Sơn Linh; Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà) ngập sâu gần 1m. Nhiều tuyến đường thuộc các địa phương này bị chia cắt hoàn toàn.
Đến trưa ngày 14/11, Quốc lộ 24B đoạn đi qua các xã Sơn Thành, Sơn Hải, Sơn Thủy và Sơn Kỳ đã bị chia cắt cục bộ, giao thông qua những khu vực này bị ách tắc trong nhiều giờ liền. Ông Trần Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà thông tin, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều cầu tràn ngập sâu, chia cắt. Hiện, tại cầu Sông Rin trên QL24B nối một số huyện ở khu vực phía Đông – Tây của tỉnh, nước đã tràn qua và ngập sâu gần 1m.
Chính quyền đã yêu cầu các phòng, ban, các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức kiểm tra tình hình các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, vùng trũng thấp, chủ động triển khai các biện pháp di dời dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần, theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó mưa, lũ…
Tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), khoảng 50m3 đất đá sạt lở xuống đường ở núi Bảy Màu (xã Sơn Tân) gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương đã có mặt để dọn dẹp đất đá, đảm bảo đi lại, sinh hoạt của người dân, cùng với đó, cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, từ ngày 13 - 17/11, trên địa bàn tỉnh mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 250-450mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động II đến báo động III, có sông trên báo động III.