Bộ phim “Em và Trịnh” có lẽ là dự án điện ảnh được chờ đợi nhất sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời.
Có sự đồng tình hỗ trợ của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những thước phim do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cầm trịch, hứa hẹn sẽ mang lại cho công chúng một góc nhìn mới mẻ và trẻ trung về một huyền thoại âm nhạc Việt Nam.
Sau nhiều tháng bàn bạc và chỉnh sửa, kịch bản “Em và Trịnh” chọn điểm nhấn là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa người phụ nữ Nhật và chàng nhạc sĩ họ Trịnh tại Paris, rồi nàng theo tiếng gọi trái tim đến Việt Nam để tìm hiểu về sự nghiệp và cuộc đời của thần tượng.
Dự án điện ảnh “Em và Trịnh” muốn chọn hai diễn viên nam để đóng vai Trịnh Công Sơn lúc 20 tuổi và lúc 45 tuổi, với yêu cầu nói được giọng Huế, biết đàn ghita, biết hát và biết chút tiếng Pháp. Còn vai nữ chính là một cô gái có nét đẹp kiểu xứ sở Phù Tang và biết đàn, biết hát.
Ngoài ra, vai phụ cũng cần thêm vài cô gái Huế và Hà Nội. Nếu mọi chuyện trót lọt, thì “Em và Trịnh” sẽ được bấm máy vào tháng 5/2020 và chính thức công chiếu vào dịp 1/4/2021 nhân 20 năm Trịnh Công Sơn vĩnh biệt dương gian.
Với cốt truyện của dự án điện ảnh “Em và Trịnh”, thì vai nữ chính được mô phỏng nhân vật Michiko có thật ngoài đời. Michiko từng tốt nghiệp Đại học Kyoto trước khi sang Pháp làm nghiên cứu sinh tại Đại học Paris 7 và bắt đầu quan tâm đến âm nhạc Trịnh Công Sơn. Luận án mà Michiko thực hiện là ngôn ngữ Việt Nam qua ca khúc Trịnh Công Sơn.
Sự có mặt của Michiko trong cuộc đời Trịnh Công Sơn có ý nghĩa như thế nào? Trịnh Công Sơn từng thổ lộ về Michiko: “Có thể nói Michiko là người sưu tập đầy đủ nhất, từ băng đĩa đến các tập bài hát của tôi.
Lúc ở Paris, tôi có đến thăm nhà cô ở Ivry, thì cô cho xem nguyên bộ sưu tập đó, gồm có 100 băng nhạc được biểu diễn với nhiều loại hình và với nhiều ca sĩ khác nhau. Riêng về những tập ca khúc, cô sắp xếp thành mười mất album, khoảng trên 200 bài.
Phải nói rằng, đây là một thư viện nhỏ, chắc chắn là đầy đủ nhất, mà chắc chắn bản thân tôi cũng không thể có được!”.
Tuy nhiên, Michiko có phải là mối tình sâu đậm nhất của Trịnh Công Sơn để hình tượng hóa trên phim hay không, lại là câu chuyện khác. Trong đoạn nhật ký tuổi 30, được viết tại Huế vào năm 1969, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại thể hiện sự day dứt cao độ với một duyên nợ hư ảo: “Thời gian mơ ước được làm người lớn, cũng là thời gian của mối tình đầu tiên.
Cũng là thời gian đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc.
Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn không lường được. Sau đó là những mối tình khác, nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) với thành phố này”.
Năm 1992, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng làm một bộ phim lấy cảm hứng từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tên gọi “Em còn nhớ hay em đã quên”, rất ăn khách. Và khi được mời giao lưu với khán giả, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khẳng định: “Trên phim không phải cuộc đời của tôi, mà là cuộc đời do ông Nguyễn Hữu Phần bịa ra đấy chứ... Nhưng nó rất giống với cuộc đời tôi, ngay cả cái cậu Lê Công Tuấn Anh cũng giống hình dáng tôi ngày trước lắm...”.
Cho nên, dự án điện ảnh “Em và Trịnh” không còn Trịnh Công Sơn lại là một thử thách không đơn giản. Bởi lẽ, ngoài Michiko, còn có hai bóng hồng nữa thường được truyền tụng trong tình sử Trịnh Công Sơn, đó là Khánh Ly và Hồng Nhung.
Về ca sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau. Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh, hay nhất”. Còn về ca sĩ Hồng Nhung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai. Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích.
Tuy nhiên, tôi thích vì đó là cách biểu diễn mới, phù hợp với cái tiết tấu của thời hiện đại, một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc suông từ quá khứ”.
Ngoài đòi hỏi về nội dung, dự án điện ảnh “Em và Trịnh” còn một trở ngại tương đối phức tạp nữa là lời thoại của nhân vật chính - Trịnh Công Sơn. Vốn là người điềm đạm và từ tốn, nhưng văn phong của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại rất bay bổng và uyển chuyển.
Làm phim về Trịnh Công Sơn mà diễn viên không phô diễn được kỹ năng ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn thì cũng là một thất bại khó tránh khỏi. Ngay cả nói về đề tài tình yêu mà dự án điện ảnh “Em và Trịnh” đang mong muốn khai thác, thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cách truyền cảm rất độc đáo: “Đời sống vốn không bất công. Trong tình yêu, người giả thế nào cũng thiệt, người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu.
Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩ bền vững: cuộc sống không thể thiếu tình yêu!”.