Theo EuroNews, thông báo được đưa ra có chậm trễ so với kế hoạch do cuộc khủng hoảng của đại dịch coronavirus. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tuyên bố chính vì vấn đề coronavirus hiện nay khiến cho chính sách này càng trở nên cấp bách hơn.
"Chúng tôi tin rằng trong giai đoạn hiện nay khi mà cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì chúng ta cũng nên suy nghĩ tìm kiếm giải pháp để biến ưu tiên vấn đề sức khỏe thành những dự án và kế hoạch cụ thể. Chính vì vậy, trong bối cảnh đó, đa dạng sinh học và các chiến lược từ trang trại đến bàn ăn là một nhân tố trung tâm của kế hoạch phục hồi", Frans Timmermans, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu nói với các phóng viên.
Theo đó, các mục tiêu được các đại biểu EU đặt ra trong chiến lược này bao gồm:
- Cắt giảm 50% lượng thuốc trừ sâu vào năm 2030.
- Cắt giảm 20% lượng phân bón.
- Giảm 50% doanh số bán ra các loại thuốc kháng khuẩn dùng cho hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Tăng 25% diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ủy ban châu Âu cho biết, chiến lược này sẽ góp phần phát triển một nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường tuân theo Thỏa thuận xanh châu Âu. Tuy nhiên, để biến chiến lược này thành hiện thực, Ủy ban châu Âu gợi ý: "Ngoài các giải pháp về Chính sách Phát triển nông nghiệp chung như lộ trình sinh thái, đầu tư và dịch vụ tư vấn và các chính sách thủy sản chung, Ủy ban sẽ sớm hoạch định kế hoạch hành động chuyển tiếp về canh tác hữu cơ.
Theo giới chuyên gia, vấn đề nông nghiệp hữu cơ vốn đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều năm và Chính sách Phát triển nông nghiệp chung trước đây có kèm theo chính sách trợ cấp, và điều này không nhất thiết mang lại lợi ích cho các trang trại hữu cơ quy mô nhỏ.
Tom Troonbeeckx, người từng sở hữu một trang trại cộng đồng ở Bỉ từ cách nay hơn một thập kỷ cho biết, trang trại của ông đã phục vụ được 700 người và mỗi người phải trả 330 euro/năm để có thể thu hoạch rau, thịt và ngũ cốc từ các hợp tác xã ở vùng Leuven. Tuy nhiên ông Tom đang mong muốn có một cách làm mới để việc sản xuất hữu cơ phát triển bền vững, hơn là được nhận trợ cấp mặc dù thừa nhận một số khoản trợ cấp là hữu ích.
"Về mặt sản xuất, chúng tôi đang ở trong tình thế rất tồi tệ và có lẽ để tập trung vào đổi mới sẽ phải cần thêm nhiều người thực sự muốn tham gia", ông Tom nói thêm.
Nhiều thế hệ nông dân vẫn đi theo lối sản xuất truyền thống cho rằng, các yêu cầu mới từ EU có thể tạo thêm áp lực ngay giữa lúc xuất hiện nhiều lo lắng về khả năng cắt giảm các khoản trợ cấp phát triển nông nghiệp trong khối, giai đoạn 2021-2027. Ngoài ra, trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau đại dịch coronavirus sẽ đẩy chi phí tiêu dùng tăng cao đối với người dân.
"Điều này thực sự quan trọng, đặc biệt đối với Nghị viện châu Âu và cả các quốc gia thành viên phải đánh giá được vấn đề khi người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm nhằm đáp ứng những yêu cầu mới này", ông Pekka Pesonen, tổng thư ký Hiệp hội Nông dân và Hợp tác xã nông nghiệp EU nói.
Ông Pesonen cũng chỉ ra thực tế rằng, những tác động của Covid-19 đã cho thấy sức mua của người dân EU thời gian qua sụt giảm đáng kể, bởi vậy việc Ủy ban châu Âu vẫn quyết theo đuổi mục tiêu của Thỏa thuận Xanh vào lúc này sẽ là một áp lực kinh tế lớn.